'Điểm tựa' pháp lý cho người yếu thế

Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) được coi là một chính sách có ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta. Nhờ có hoạt động này, nhiều đối tượng yếu thế được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí, quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ, nâng cao hiểu biết pháp luật...

Một buổi truyền thông, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cơ sở của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.

Một buổi truyền thông, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cơ sở của Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh.

Ông có thể cho biết về vai trò của Trung tâm trong đời sống xã hội, nhất là đối với người nghèo, đối tượng chính sách và người yếu thế?

Hơn 20 năm qua, Trung tâm TGPL tỉnh luôn là “bạn đồng hành” giúp người thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương, đối tượng chính sách trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, hướng tới sự công bằng, bình đẳng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đặc biệt, từ khi có Luật TGPL (sửa đổi năm 2017), Trung tâm đã phối hợp với các cấp, ngành trong tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Luật TGPL đến cán bộ và nhân dân bằng nhiều hình thức đa dạng như: hội nghị, truyền thông về TGPL tại cơ sở, đặt hộp tin, bản tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trụ sở tiếp công dân, UBND các xã, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật… Trên cơ sở đó, hoạt động của Trung tâm ngày càng được đẩy mạnh, phủ khắp trên địa bàn toàn tỉnh với những hình thức như: truyền thông về TGPL, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp lý, tham gia tố tụng…

Từ đây, người dân trong tỉnh, nhất là người dân vùng nông thôn, miền núi không những nâng cao hiểu biết về pháp luật mà còn được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý miễn phí, được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Bên cạnh đó, những đối tượng trong diện trợ giúp khi vi phạm pháp luật bị truy tố, xét xử cũng được bảo vệ theo quy định của luật pháp.

Tính từ năm 2023 đến nay, Trung tâm đã thực hiện TGPL cho 208 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; 269 người dân tộc thiểu số; 79 người có công; 36 người khuyết tật; 17 người cao tuổi; 124 trẻ em, 250 trẻ vị thành niên…

Từ việc triển khai các hoạt động TGPL phù hợp với đặc thù của từng đối tượng, từng địa phương trong tỉnh, chất lượng TGPL qua các hình thức đã được nâng lên như thế nào, thưa ông?

Được sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo của Cục TGPL, UBND tỉnh, Sở Tư pháp và sự phối hợp của chính quyền địa phương, cơ sở cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng, công tác TGPL đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Vụ việc TGPL ngày càng tăng lên về số lượng và đảm bảo về chất lượng, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL.

Cụ thể, năm 2023, Trung tâm đã thực hiện tổng số 1.312 vụ việc, tăng 458 vụ việc so với năm trước. Trong đó, phân theo lĩnh vực pháp luật TGPL có 849 vụ việc hình sự (tăng 301 vụ việc so với năm 2022); 388 vụviệc dân sự, hôn nhân và gia đình (tăng 128 vụ việc); 24 vụ việc hành chính... Phân theo hình thức TGPL, Trung tâm đã thực hiện tư vấn 289 việc (tăng 134 việc); tham gia tố tụng 996 vụ việc (tăng 325 vụ việc); đại diện ngoài tố tụng 27 vụ việc. Số lượng người đã được TGPL, tương ứng với vụ việc hoàn thành là 735 người.

Các vụ việc TGPL, đặc biệt là các vụ việc thành công đã và đang đảm bảo tốt quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp; khẳng định vai trò, ý nghĩa của chính sách này trong đời sống xã hội, nâng cao uy tín của hoạt động TGPL trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh

Ông Vũ Văn Chính, Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, Trung tâm có những định hướng, giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

Hoạt động TGPL hiện nay còn gặp một số khó khăn, như trình độ nhận thức, hiểu biết pháp luật của người dân vùng sâu, xa và nhóm đối tượng yếu thế còn hạn chế. Điều kiện sinh sống của người thuộc diện được TGPL thường ở cách xa trung tâm, điều kiện đi lại khó khăn. Họ thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, e ngại khi tiếp xúc với đại diện các cơ quan chức năng và cả trợ giúp viên pháp lý… Điều này gây cản trở không nhỏ trong quá trình thực hiện hoạt động trợ giúp, dẫn đến việc TGPL một số vụ việc đạt hiệu quả chưa cao, kéo dài.

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong hoạt động TGPL, Trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường công tác thông tin, truyền thông về TGPL nói chung và quyền được TGPL của người dân nói riêng với các phương thức đa dạng (qua báo, đài phát thanh, truyền hình, internet, hội nghị, tư vấn TGPL tại cơ sở, phát tờ rơi, tờ gấp pháp luật...) phù hợp với đặc thù, trình độ dân trí của từng vùng, từng đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, Trung tâm không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ người thực hiện TGPL thông qua đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng TGPL theo từng lĩnh vực. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan (cơ quan tố tụng, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền địa phương...) để phát hiện và TGPL bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp kịp thời cho các đối tượng.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-trong-tinh/phong-van-doi-thoai/202406/diem-tua-phap-ly-cho-nguoi-yeu-the-4cb22ac/