'Điểm tựa' thoát nghèo của bà con vùng cao Quan Sơn
Không thể phủ nhận, đối với một huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Quan Sơn, nguồn vốn ưu đãi từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng...
Thăm mô hình chăn nuôi bò của gia đình ông Cao Văn Toan, ở bản Phú Nam, xã Trung Xuân - một trong những hộ vừa thoát nghèo năm 2022, ông Toan không giấu sự vui mừng, phấn khởi khi nói về hiệu quả nguồn vốn. Theo ông, trước khi tiếp cận nguồn vốn NHCSXH, với những hộ nghèo, đông nhân khẩu (gồm 7 nhân khẩu) như gia đình ông là rất khó tiếp cận, một phần do lãi suất vốn vay từ các ngân hàng thương mại cao, một phần do phải có tài sản tín chấp. Vì vậy, ông đã tìm đến nguồn vốn vay từ NHCSXH. Năm 2022, với vốn vay 100 triệu đồng, ông Toan đầu tư mua 2 con bò sinh sản và cải tạo đồi luồng đang suy thoái. Tính đến nay, đàn bò của gia đình ông có hơn 10 con. Riêng đồi luồng gần 4 ha đã được phục tráng, dự kiến đầu năm 2024 sẽ cho thu hoạch.
Tương tự, trường hợp của anh Vi Văn Tài, ở bản Din, xã Trung Hạ, thay vì phải bôn ba đi làm ăn xa, anh đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Quan Sơn để đầu tư phát triển mô hình kinh tế. Anh Tài cho biết: "Là hộ nghèo của xã, năm 2019 sau khi tiếp cận nguồn vốn vay, gia đình tôi nhận thầu và cải tạo lại khoảnh đồi hoang của xã. Với số vốn ban đầu, gia đình mua 6 con bò, làm chuồng trại. Sau quá trình đầu tư, tích lũy, gia đình mở rộng thêm khu trang trại nuôi gà thả đồi, với quy mô 1.000 con; đào thêm ao thả cá, mở rộng diện tích trồng luồng lên 2 ha. Đến nay, gia đình đã thoát nghèo. Trung bình mỗi năm, trang trại của gia đình cho thu nhập hơn 100 triệu đồng".
Đánh giá vai trò của nguồn vốn tín dụng chính sách trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, ông Hà Văn Nghị, Chủ tịch UBND xã Trung Xuân khẳng định: Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được tiếp cận, phát huy được hiệu quả nguồn vốn, đem lại thu nhập cao. Trong đó có nhiều mô hình tiêu biểu, như: chăn nuôi bò sinh sản, chăn nuôi lợn, trồng luồng, nuôi cá lồng, cá bè...
Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng từ NHCSXH đang triển khai cho vay trên địa bàn xã Trung Xuân là hơn 25 tỷ đồng, với 329 hộ vay vốn. “Nguồn vốn vay như một “đòn bẩy” về kinh tế tạo động lực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình chính sách... có cơ hội, động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Từ đó giúp địa phương hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, XDNTM...” - ông Nghị nhấn mạnh.
Ông Lê Anh Thiện, Giám đốc NHCSXH huyện Quan Sơn cho biết: Thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH huyện Quan Sơn đã thực hiện ủy thác các tổ chức hội đoàn thể thực hiện cho vay thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến nay, tổng dư nợ cho vay toàn huyện đạt gần 390 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức hội đoàn thể đang quản lý 152 tổ tiết kiệm và vay vốn, với 5.708 khách hàng còn dư nợ, số tiền 373 tỷ đồng.
Đặc biệt, việc thực hiện theo Nghị định số 36/2022/NĐ-CP, ngày 30/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay tại NHCSXH, nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất và phí quản lý để NHCSXH cho vay theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, NHCSXH huyện Quan Sơn đã thực hiện hỗ trợ cho gần 3.000 khách hàng với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Ông Ngân Văn Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Quan Sơn cho rằng, Quan Sơn là một trong những huyện miền núi còn nhiều khó khăn, việc triển khai các chương trình tín dụng cho vay từ NHCSXH huyện Quan Sơn đã, đang giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác giảm nghèo trên địa bàn. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho hàng chục nghìn lượt khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, phát triển kinh tế. Nguồn vốn tín dụng cũng góp phần thu hút, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lượt lao động; học sinh, sinh viên được vay vốn đến trường; đối tượng hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ xây mới nhà ở, công trình nước sạch... Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng.