Điểm vui chơi, giải trí mất an toàn
Mùa hè đang đến gần, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ nhỏ sẽ tăng mạnh nên rất cần đánh giá lại mức độ an toàn tại các điểm vui chơi.
Vụ bé gái 7 tuổi ở xã Quang Minh (Gia Lộc) bị đuối nước khi bơi thuyền thiên nga ở hồ Bạch Đằng (TP Hải Dương) ngày 16.4 là hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn ở các điểm vui chơi, giải trí hiện nay.
Hổng từ ý thức
Chứng kiến cảnh lật thuyền thiên nga ở hồ Bạch Đằng sáng 16.4, chị Nguyễn Thị Nga ở phường Trần Phú (TP Hải Dương) vẫn chưa hết bàng hoàng và cảm thấy gia đình mình thật may mắn. Chị Nga cho biết cũng trong buổi sáng hôm đó chị cùng 2 con mua vé bơi thuyền thiên nga và chủ quan không mặc áo phao. Nhiều thuyền thiên nga ở hồ Bạch Đằng đã cũ nát, ít được bảo dưỡng. “Trẻ nhỏ hiếu động, bảo mặc áo phao không thích nên chiều con tôi không bắt chúng mặc. May sao không xảy ra sự cố", chị Nga nói mà chưa hết lo.
Không riêng dịch vụ bơi thuyền thiên nga ở hồ Bạch Đằng, tại Đảo Cò Chi Lăng Nam (Thanh Miện) không ít người cũng không chú ý tới việc mặc áo phao khi bơi thuyền. Ngay cả khi đi thuyền ngắm cảnh dù được các chủ thuyền nhắc nhở cũng chỉ tặc lưỡi mặc đối phó, không cài dây áo phao. Nhiều người ngại mặc áo phao vì nóng và chụp ảnh không đẹp nên chỉ dùng một lúc lại bỏ ra. Người lái thuyền cũng không quyết liệt nhắc nhở nên tình trạng có áo phao nhưng không mặc diễn ra khá phổ biến ở đây. Tháng 9.2022, tại Đảo Cò, một chiếc thuyền thiên nga chở 3 du khách không mặc áo phao đang di chuyển ở giữa hồ thì bị lật úp. Rất may những người này bám vào được một thuyền thiên nga gần đó nên thoát nạn.
Tại một số điểm vui chơi, giải trí của Hải Dương, việc bảo đảm an toàn cho người chơi cũng chưa được coi trọng. Nhiều gia đình đưa con đến Nhà Thiếu nhi tỉnh mua vé chơi nhưng chưa chú ý quan sát và không cài dây an toàn cho bé. Vì lượng khách quá đông nên người quản lý điểm vui chơi cũng không kiểm tra, nhắc nhở sát sao. Anh Nguyễn Văn Tú ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng) cho con đến Nhà Thiếu nhi Hải Dương chơi chiều 16.4 cho biết vì không được cảnh báo cũng không ai nhắc nhở nên các cháu hiếu động leo lên tàu lượn mà không cài dây an toàn. Một số dây an toàn ở đây cũng đã bị đứt, chưa được thay thế. Một số trẻ nhỏ đã chơi những trò khá nguy hiểm như tàu lượn, xe đụng mà không có người lớn đi kèm. Tại một số điểm vui chơi không có người giám sát an toàn trong khi nhiều cha mẹ mải xem điện thoại để mặc con chơi.
Không chỉ riêng ở TP Hải Dương mà gần đây nhiều nơi trong tỉnh xuất hiện các điểm vui chơi tự phát. Nhiều điểm vui chơi trang thiết bị cũ nát, ọp ẹp. Những trò như tàu điện, đu quay, xe điện thường xuất hiện khá nhiều ở các lễ hội hoặc sự kiện của các địa phương nhưng không được kiểm soát hay đánh giá mức độ an toàn trước khi cho hoạt động.
Rõ ràng vấn đề quản lý an toàn tại các điểm vui chơi, giải trí hiện nay ở nhiều nơi đang bị cả người tổ chức và người đến chơi buông lỏng.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Theo chủ một điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở thị trấn Gia Lộc, các thiết bị tại đây chỉ được đánh giá và kiểm định 1 lần khi lắp đặt, còn lại gần như không được kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn định kỳ. Một số thiết bị vui chơi ở Nhà Thiếu nhi tỉnh dù đã được thay mới dần nhưng theo một số người phụ trách trò chơi ở đây thì chưa có điều kiện để kiểm tra định kỳ và cũng chưa có cơ quan chức năng nào yêu cầu kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn sau khi đưa vào sử dụng.
Điều này dễ dẫn đến nguy cơ mất an toàn tại các điểm vui chơi. Đặc biệt sau một thời gian dài phải đóng cửa vì dịch Covid-19, các thiết bị vui chơi có thể đã bị hao mòn và hư hỏng nếu không được kiểm tra, kiểm định và đánh giá mức độ an toàn, dễ gây tai nạn đáng tiếc cho trẻ.
Thông tư 05/2014/TT-BLĐTBXH ngày 6.3.2014 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ tháng 5.2014 quy định rõ trò chơi mang theo người lên cao từ 2 m trở lên, tốc độ di chuyển từ 3m/s so với sàn cố định (như các trò tàu lượn cao tốc, đu quay, máng trượt) thuộc danh mục máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, bắt buộc phải kiểm định, kiểm tra bảo đảm an toàn trước khi đưa vào sử dụng.
Cũng theo quy định này, các thiết bị đồ chơi trong nhà lẫn ngoài trời phải được kiểm tra định kỳ 1 năm/lần. Ngoài ra, còn có các đợt đánh giá, kiểm tra theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Thực tế nhiều điểm vui chơi, giải trí không tuân thủ kiểm tra định kỳ theo quy định. Công tác kiểm tra, đánh giá của các cơ quan có thẩm quyền cũng chưa thực hiện thường xuyên.
Các điểm vui chơi, giải trí hiện thu hút rất nhiều trẻ nhỏ. Việc kiểm định thiết bị bảo đảm an toàn cho người chơi rất cần thiết. Các điểm vui chơi cần có biển cảnh báo và quy định cụ thể với từng lứa tuổi, đồng thời có người giám sát, cứu hộ, cứu nạn khi trẻ tham gia các trò chơi mạo hiểm.
Kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5 cũng như mùa hè đang đến gần, nhu cầu vui chơi, giải trí của trẻ nhỏ sẽ tăng mạnh. Vì vậy, ngoài nâng cao ý thức tuân thủ các quy định an toàn khi vui chơi, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc đánh giá và thẩm định mức độ an toàn của các trò chơi, không để sự việc đáng tiếc như ở hồ Bạch Đằng xảy ra lần nữa.
PV
>>> [Video] Chìm thuyền thiên nga trên hồ Bạch Đằng, 1 bé gái 7 tuổi tử vong
>>> Hấp dẫn các điểm vui chơi giải trí ngày Tết ở Hải Dương
>>> Các điểm vui chơi, du lịch hút khách
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/doi-song-van-hoa/diem-vui-choi-giai-tri-mat-an-toan-231993