Điểm yếu của đội tuyển Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam
Ngay cả khi không có phong độ tốt, đội tuyển bóng đá Trung Quốc vẫn là một đối thủ rất mạnh với đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta không có cơ hội đánh bại họ.
Ở Trung Quốc, từ người hâm mộ, giới truyền thông đến HLV Li Tie đều dùng từ “sinh tử” để nói về trận gặp Việt Nam. Quả thực, trận đấu diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 8/10 quá quan trọng với họ. Bởi, ngày trận đấu này diễn ra trùng với ngày cách đây 20 năm, Trung Quốc chính thức đoạt vé tới World Cup 2002, một sự kiện lịch sử mà họ chưa thể tái hiện. Vì vẫn nuôi mộng tới World Cup 2022, họ buộc phải thắng để giữ cho giấc mơ không tan vỡ.
Nhưng cũng chính bởi mục tiêu bắt buộc phải thắng, đội quân của Li Tie đang chịu áp lực rất lớn. Đây là một vấn đề, vì nhiều năm qua, tâm lý thi đấu của Trung Quốc luôn bị đặt dấu hỏi. Họ có xu hướng buông xuôi, mất tập trung và dễ sụp đổ trước sức ép hoặc khi mọi thứ không đi theo kế hoạch.
Vậy làm thế nào để phá hỏng kế hoạch của thầy trò Li Tie?
Theo truyền thông Trung Quốc, “phi đội rồng” sẽ triển khai sơ đồ 4-4-2. Điều này rất đáng nghi ngờ. Khả năng họ ra sân với hệ thống 4-3-3 cao hơn bởi nó phục vụ tham vọng phải thắng; đồng thời, phù hợp với những cầu thủ tấn công chất lượng mà Li Tie đang có. Đó là tiền đạo cao lớn Guo Tianyu, ngôi sao đang chơi cho Espanyol; là Wu Lei và chân sút nhập tịch Elkeson, người ghi nhiều bàn nhất lịch sử China Super League (106 bàn).
Với lợi thế thể hình trong khi các tiền vệ trung tâm không mạnh trong điều phối và thiếu sáng tạo, chiến thuật của Trung Quốc sẽ là chơi bóng dài, tạt cánh nhắm đến cái đầu của Tianyu, hoặc tận dụng các tình huống bóng hai với Wu Lei, Elkeson đều có kỹ thuật và dứt điểm từ xa tốt.
Đội tuyển Việt Nam không lạ với lối chơi này. Những người trưởng thành từ thế hệ U23 ở Thường Châu, như Duy Mạnh sẽ trở lại sau án treo giò, hay Tiến Dũng đã đối mặt nhiều lần với các đối thủ cao lớn và thích chơi bóng bổng.
Mới đây gặp Australia, các học trò của HLV Park Hang-seo khá thành công trong việc kiểm soát đối thủ. Ngoại trừ khoảnh khắc dẫn đến bàn thua, Việt Nam hầu như không đối mặt với tình huống nguy hiểm nào rõ ràng trong khi lại tạo ra nhiều pha phản công sắc sảo.
Chúng ta có thể mang đến rắc rối tương tự cho đội tuyển Trung Quốc. Nhìn lại 2 thất bại mới đây trước Australia và Nhật Bản, hàng phòng ngự của “phi đội rồng” đã chơi rất tệ, đặc biệt là cặp trung vệ thiếu tốc độ, hay mắc lỗi vị trí và để đối thủ vượt qua dễ dàng.
Trận này, Zhang Linpeng có thể được lựa chọn đá cặp với Jiang Guangtai nhưng anh này mới trở lại sau chấn thương lưng và sở trường đá hậu vệ phải. Ngoài ra, sự ăn ý và khả năng bọc lót của Linpeng với Guangtai cũng là một dấu hỏi. Hai trận trước, trung vệ nhập tịch Guangtai cặp với Yu Dabao và Ang Li. Đó đều không phải là đối tác hoàn hảo.
Vậy nên tốc độ, sự linh hoạt và những pha phối hợp nhanh của các cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có đất dụng võ. Nếu Tiến Linh, Công Phượng, Quang Hải và Văn Đức chơi với phong độ tốt nhất, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội có được, chúng ta có thể nghĩ về một chiến thắng.
Việt Nam đã thua Trung Quốc 9 lần ở các cuộc đối đầu trong quá khứ. Tuy nhiên, chúng ta bây giờ đã rất khác, cả về chất lượng chuyên môn lẫn tinh thần thi đấu. Những “chiến binh sao vàng” có thể thay đổi lịch sử và làm nên cột mốc mới, giống như họ luôn khiến tất cả phải kinh ngạc trong mấy năm qua.