'Điểm yếu' của nhiều doanh nghiệp TP.HCM
Sáng ngày 9/7, tại 'Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024' tổ chức bởi Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn, phối hợp với Viện Sáng kiến Việt Nam, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, các tham luận cũng như báo cáo đã chỉ ra năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TP.HCM đang đáng lo ngại.
Doanh nghiệp giảm sút cả về "chất" và "lượng"
Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp TP.HCM được TS. Huỳnh Thế Du - Giảng viên Đại học Indiana (Mỹ), đại diện nhóm nghiên cứu, công bố tại Diễn đàn, lực lượng doanh nghiệp TP.HCM đang có phần chững lại hoặc giảm sút cả về số lượng cũng như chất lượng, so với một số tỉnh - thành lớn trong cả nước. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp TP.HCM cũng là vấn đề quan ngại, cần các doanh nghiệp nhìn nhận đúng đắn.
Thành phố chỉ có duy nhất một doanh nghiệp góp mặt trong 10 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất cả nước vào năm 2022; không có doanh nghiệp nào trong 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam theo xếp hạng của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (VNR500). Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty niêm yết có xu hướng đi xuống rõ rệt.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, bên cạnh con số 8.576 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,9% so với cùng kỳ, thì số doanh nghiệp giải thể là 1.771 doanh nghiệp, và 20.633 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 12,2% so với cùng kỳ…
Những điểm yếu
Đề dẫn tại Diễn đàn Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp cấp tỉnh 2024, TS. Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Thành viên Ban tổ chức, đề dẫn rằng, theo khung phân tích năng lực cạnh tranh của Giáo sư Michael Porter, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cấp tỉnh được xem xét trên 4 yếu tố: Về chiến lược, tầm nhìn và quản trị của doanh nghiệp; Hợp tác và trình độ phát triển của cụm ngành; Khả năng thích ứng với môi trường kinh doanh; Khai thác các yếu tố hay tài nguyên sẵn có của từng địa phương…
Trong đó, các yếu tố cần sự cải thiện từ chính nội tại doanh nghiệp như khả năng ra chiến lược, tầm nhìn và quản trị của doanh nghiệp hay khả năng hợp tác và trình độ phát triển của cụm ngành... đều bộc lộ những yếu điểm "chí mạng".
Phỏng vấn đại diện các chủ tịch Hiệp hội, Hội, Câu lạc bộ doanh nghiệp, đại diện doanh nghiệp... về thực trạng doanh nghiệp trong thời gian qua, đều bộc lộ những yếu điểm, chủ yếu liên quan tới năng lực quản trị, chiến lược và sự liên kết giữa các cụm ngành.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập toàn diện, việc nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo vị thế thương hiệu, mà còn tạo uy tín, thế mạnh cho địa phương, tỉnh thành nơi doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cũng thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Năng lực quản trị doanh nghiệp và năng lực quản trị của chính quyền địa phương là mối quan hệ cần thiết, phải đồng bộ và không thể tách rời. Vì vậy, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh thì sẽ mất lợi thế không chỉ trong nước mà còn trên thị trường thế giới.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sẽ góp phần nâng hạng chỉ số cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho địa phương, xây dựng được đội ngũ doanh nghiệp vừa mạnh, vừa tinh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/diem-yeu-cua-nhieu-doanh-nghiep-tp-hcm-312025.html