Điểm yếu của phim kinh dị đầu năm 2022

Trong ba tháng qua, điện ảnh Việt chào đón nhiều tựa phim kinh dị mới ra rạp. Tuy nhiên, các tác phẩm đều gặp nhiều điểm yếu trong cách triển khai câu chuyện.

Mùa phim Tết 2022 mở màn bằng tựa phim kinh dị Nhà không bán. Tới giữa tháng hai, phòng vé Việt chào đón sự ra đời của Chuyện ma gần nhà khai thác yếu tố kinh dị từ những truyền thuyết ma quỷ. Đầu tháng ba, tác phẩm Người lắng nghe phát hành. Từ 18/3, khán giả lại được thưởng thức tiếp phim kinh dị Bóng đè của đạo diễn Lê Văn Kiệt.

Vậy là trong chưa đầy hai tháng, khán giả yêu điện ảnh Việt Nam đã được thưởng thức tới bốn tác phẩm nội địa khai thác mảng đề tài kinh dị. Từ đầu năm đến nay, chỉ có 10 tác phẩm điện ảnh nội địa mới ra rạp, nhưng bốn trong số này đã là phim kinh dị, tương đương tỷ lệ 40% và mật độ 2 tác phẩm mới/tháng.

Số lượng phim, và thành công thương mại của Nhà không bán cùng Chuyện ma gần nhà cho thấy nhu cầu ra rạp thưởng thức các tác phẩm rùng rợn của khán giả là không hề nhỏ. Tuy nhiên, phản hồi của người xem về chất lượng chùm phim lại phản ánh câu chuyện ngược lại. Cả bốn tác phẩm kinh dị đều bị chê vì những lý do khá tương đồng.

Nhân vật thiếu thuyết phục

Trong số bốn phim kinh dị đã ra mắt, ngoại trừ Nhà không bán, chiến dịch quảng bá cho ba tác phẩm còn lại đều gắn liền bộ phim mới với từ khóa “lần đầu tiên”. Chuyện ma gần nhà là tác phẩm kinh dị đầu tiên làm theo phong cách phim hợp tuyển tại Việt Nam; Người lắng nghe là phim đầu tiên khai thác sâu đề tài trị liệu tâm lý; Bóng đè cũng được quảng bá là tác phẩm đầu tiên khai thác hiện tượng bóng đè.

Đây nên được coi là dấu hiệu đáng mừng cho điện ảnh Việt khi các nhà làm phim đã chủ động tìm kiếm đề tài mới, câu chuyện mới cho đứa con tinh thần của mình thay vì đóng khung trong motif người đóng giả ma dọa người, kẻ ác phải đền tội trước pháp luật… Tuy nhiên, những “lần đầu tiên” này cũng đặt cho nhà làm phim nhiều thử thách.

Chuyện ma gần nhà thu 58,7 tỷ đồng từ phòng vé.

Chuyện ma gần nhà thu 58,7 tỷ đồng từ phòng vé.

Lấy ví dụ Người lắng ngheBóng đè. Chất liệu chính của hai bộ phim là trị liệu tâm lý và hiện tượng bóng đè dưới góc độ khoa học. Khác với Chuyện ma gần nhà - những truyền thuyết đô thị luôn có dị bản nhờ vào sự nôm na truyền miệng - tâm lý là một ngành khoa học, do đó mọi kiến thức được trình bày trong phim đều cần phải chính xác, rõ ràng và dễ hiểu với khán giả.

Những kiến thức y khoa này không phải là “trang sức” thêm vào để khiến bộ phim có vẻ nguy hiểm mà chính là manh mối để từ đó khán giả hiểu được thế giới của tác phẩm cũng như tin vào câu chuyện của nhân vật. Đáng tiếc, cả Người lắng ngheBóng đè đều chưa làm tốt việc phổ cập kiến thức khoa học này.

Nhân vật Tường Minh (Quang Sự) trong Người lắng nghe tự nhận là bác sĩ tâm lý, nhưng chuyên môn của anh không được thể hiện trên màn ảnh. Thay vào đó, Minh lại tỏ ra vượt trội trong việc điều tra dữ liệu dân cư. Nhân vật được khắc họa như một tay thám tử tư có chút hiểu biết tay ngang về tâm lý học.

Tương tự, trong Bóng đè, nhân vật của Diệu Nhi xuất hiện với vai trò cô giáo, nhưng sau cùng lại thừa nhận mình là nhà khoa học chuyên nghiên cứu hiện tượng bóng đè. Viện nghiên cứu của cô trông như một nơi giam giữ các bệnh nhân tâm thần bị đem làm thí nghiệm phi pháp (hoặc nơi nuôi nhốt ma quỷ, quái vật trong The Cabin in the Wood). Còn cách vị bác sĩ trình bày kiến thức với chất giọng trơn tuột, vội vã càng khiến cô trông đáng ngờ hơn hơn đáng tin.

Việc xem nhẹ, hoặc thể hiện chưa tới, các căn cứ khoa học khiến khán giả khó hình dung được vấn đề của bộ phim và đặt nghi ngờ ngược lại cho nhân vật bác sĩ/nhà khoa học - đối tượng đáng lẽ phải là ngọn hải đăng cho nhân vật chính vốn đang vật lộn với những bất ổn trong đầu. Từ đây, những “lần đầu tiên” đáng lẽ đầy ý nghĩa lại nhanh chóng bị lu mờ, nhường chỗ cho những màn hù dọa hay các diễn biến tâm lý đã cũ mòn.

Những kịch bản đánh đố khán giả

Chuyện ma gần nhà khiến khán giả hụt hẫng vì kịch bản rời rạc, rắm rối. Phim bắt đầu với “cái cớ” là một nhóm bạn cũ gặp mặt hàn huyên rồi rủ nhau kể chuyện kinh dị. Các câu chuyện được kể đều lấy bối cảnh những khu chung cư, lần lượt xoay quanh một nữ diễn viên, một nhà ảo thuật và một nhà ngoại cảm. Mỗi câu chuyện đều có sự xuất hiện của một truyền thuyết ma quỷ: cô Mía, hồn ma xe hủ tiếu, ma không đầu…

Phim tạo được hiệu ứng ban đầu tốt nhờ đánh trúng tâm lý hiếu kỳ của khán giả, nhưng nhanh chóng vấp phản hồi tiêu cực vì nội dung rối rắm, khó hiểu. Bộ phim xoay quanh ba câu chuyện ma, nhưng thực chất là bốn mạch truyện. Trong đó, cốt truyện thứ tư, xoay quanh nhóm người kể có thể coi là xương sống kết nối tất cả. Tuy nhiên, đây lại là phần bị lãng phí khi không tạo được mối dây liên kết giữa thực và ảo, giữa người kể và lời kể của chính họ.

Người lắng nghe từng được gửi tham dự các LHP trong khu vực trước khi chính thức ra rạp.

Người lắng nghe từng được gửi tham dự các LHP trong khu vực trước khi chính thức ra rạp.

Về phần ba câu chuyện ma, việc phim chỉ cốt tung càng nhiều tình huống càng tốt mà không có sự kết nối, giải thích vào phút cuối khiến người xem không tránh khỏi hoang mang, khó chịu. Những khoảng trống thông tin cũng là công cụ hù dọa hữu hiệu - nó đẩy khán giả tới chỗ sợ hãi chính giả thiết mình vẽ ra. Nhưng quá nhiều câu hỏi không lời đáp lại tạo ra một mớ bòng bong chẳng ai muốn gỡ.

Với Bóng đè, kịch bản phim thiếu mạch lạc, chồng chéo nhiều vấn đề đã bỏ rơi khán giả giữa mê cung tình tiết mà không có lấy một manh mối trong tay. Mở đầu phim, cha con nhân vật chính (Quang Tuấn) chuyển về căn nhà cũ nát ở vùng quê hẻo lánh để tạm quên đi cái chết của vợ. Tại đây, hai cô con gái liên tiếp trông thấy những bóng đen bí ẩn di chuyển giữa các căn phòng vắng người.

Tình hình trở nên tồi tệ khi không gian sống nơi đây khiến căn bệnh tâm lý của cô con gái út (Mai Cát Vi) thêm trầm trọng. Sự xuất hiện của nhân vật cô giáo (Diệu Nhi) và mối quan hệ mập mờ giữa người này và bố hai đứa trẻ cũng không cung cấp thêm manh mối nào khả dĩ. Phim liên tục ném các tình tiết mới cho khán giả, trong khi không mảy may quan tâm đến việc giải đáp những câu hỏi trước đó.

Càng về cuối, tác phẩm càng lê thê, mệt mỏi và xa rời vấn đề ban đầu. Thậm chí, khi phim đã bước vào hồi ba, tức sẽ còn rất ít thời gian trước khi kết thúc, nhà làm phim vẫn tiếp tục xây dựng thêm mâu thuẫn. Tới một thời điểm, khán giả chỉ còn quan tâm đến việc bao giờ phim kết thúc thay vì tò mò, lo lắng cho số phận của nhân vật.

Sự rắm rối của Bóng đè - bên cạnh một kịch bản không làm rõ được vấn đề nhưng tham lam ý tưởng và yếu ớt trong khâu triển khai - còn thêm trầm trọng bởi khâu dựng phim không tốt. Kết quả, mạch phim vốn lỏng lẻo vì tình tiết rời rạc đã hoàn toàn đứt gãy trong hồi ba. Theo dõi bộ phim, khán giả thường trực cảm giác chưng hửng vì những nhân vật đột ngột biến mất rồi xuất hiện, hành động không tuân theo bất kỳ logic hay tuyến tính nào.

Những vấn đề muôn thuở

Trong Nhà không bán, bà Ngọc (NSND Kim Xuân) là Việt kiều về nước. Nhân chuyến đi, bà cũng muốn bàn bạc với em trai dự định bán căn nhà đã tồn tại hơn tám thập kỷ do cha để lại. Tuy nhiên, việc bán chác chẳng dễ dàng vì những hiện tượng ma quái cứ liên tiếp xảy ra, dọa dẫm cả khách mua lẫn chủ nhà nhiều phen mất vía.

Trở lại ngôi nhà xưa rồi khám phá ra những bí ẩn đen tối còn bị che giấu là một trong các mở bài cơ bản của thể loại kinh dị. Trong những năm qua, khán giả đã chứng kiến nhiều phim Việt được xây dựng theo công thức này như Cô hầu gái (2016), Bắc kim thang (2019), Lật mặt: Nhà có khách (2019) hay thậm chí Bóng đè (2022)…

Lạm dụng các pha hù dọa bất ngờ (jump scare) cũng là một vấn đề mà nhiều bộ phim gặp phải. Việc lặp đi lặp lại các kịch bản tình huống đã cũ - âm thanh với âm lượng lớn kết hợp động tác con ma nhảy bổ vào màn hình - xét cho cùng lại khiến khán giả mệt mỏi nhiều hơn thích thú, rùng rợn.

Điểm sáng hiếm hoi của Bóng đè nằm ở diễn xuất của hai diễn viên nhí Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi.

Điểm sáng hiếm hoi của Bóng đè nằm ở diễn xuất của hai diễn viên nhí Lâm Thanh Mỹ và Mai Cát Vi.

Trong Bóng đè, không dưới hai lần kịch bản phim hù dọa khán giả bằng chi tiết bóng đen ma quái chạy đi chạy lại rồi đột ngột nhảy bổ vào nhân vật. Ở Chuyện ma gần nhà, hình ảnh các hồn ma không đầu cũng được sử dụng lại nhiều lần. Phim gây hụt hẫng khi thường xuyên cắt cảnh bằng tình tiết nhân vật tỉnh dậy từ giấc mộng.

Người lắng nghe cũng bị chê khi lặp đi lặp lại hình ảnh hồn ma với mái tóc đen dài. Vì hồn ma này chỉ có một kịch bản hù dọa duy nhất cho vô số lần xuất hiện, nên thay vì reo rắc nỗi kinh hoàng, nó lại được mô tả là chướng ngại thách thức lòng kiên nhẫn của người xem.

Sự tiến bộ của công nghệ giúp nhà làm phim có thêm nhiều lựa chọn khi xây dựng các khung cảnh ma quái trên màn ảnh. Một trong số đó là việc xây dựng hình ảnh các hồn ma bằng công nghệ CGI. Tuy nhiên, cách làm này bộc lộ sự lợi bất cập hại khi hồn ma khủng khiếp đang ám các nhân vật lại trông như ngáo ộp tấu hài vì cách thể hiện chưa tới. Những “nạn nhân” mới nhất của xu hướng này chính là tập đoàn ma cỏ trong Nhà không bánBóng đè.

Sau ba tháng đầu năm ồ ạt đổ bộ phòng chiếu, thể loại kinh dị đang tạm vắng bóng trong số các dự án phim Việt đã công bố lịch phát hành. Tuy nhiên, gạn đục khơi trong vẫn có thể thấy những hứa hẹn ẩn chứa trong mỗi tựa phim kinh dị ra mắt thời gian qua. Đó là tinh thần không ngại thử thách, dám khám phá những hướng đi mới.

Bên cạnh đó, phản hồi trái chiều thời gian qua của khán giả cũng cho thấy hào hứng của họ dành cho dòng phim kinh dị nội địa chưa bao giờ sụt giảm. Đây có thể coi như những tín hiệu dự báo tích cực từ cả hai phía nhà làm phim và người thưởng thức cho tương lai của phim kinh dị Việt Nam.

Hải Anh

Ảnh: CJ, Mega GS, ProductionQ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/diem-yeu-cua-phim-kinh-di-dau-nam-2022-post1303543.html