Điện ảnh Công an nhân dân: Những dấu ấn nổi bật
55 năm xây dựng và phát triển, Điện ảnh CAND tự hào với bề dày truyền thống, ghi dấu ấn qua hàng trăm tác phẩm ý nghĩa, phản ánh chân thực cuộc sống, chiến đấu và bảo vệ bình yên Tổ quốc. Đến nay, Điện ảnh CAND vẫn tiếp tục khẳng định vị thế và bản sắc trong nền điện ảnh Việt Nam.
Năm 1967, tổ Điện ảnh thuộc Cục Tuyên huấn, Bộ Công an được thành lập. Những người làm Điện ảnh CAND thế hệ đầu tiên đã vượt qua sự thiếu thốn để có những thước phim sống động về những chiến sĩ CAND chiến đấu trong mưa bom bão đạn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Năm 1969, bộ phim tài liệu đầu tiên của Điện ảnh CAND mang tên "Lên đường" ra đời… đã tạo hiệu ứng tốt; động viên, cổ vũ tinh thần chiến đấu của cả dân tộc.

Dự án phim “Mặt nạ” của Điện ảnh CAND quy tụ nhiều diễn viên nổi tiếng.
Năm 1970, lãnh đạo Bộ Công an ra quyết định chính thức thành lập Điện ảnh CAND. Những chiến sĩ của Điện ảnh CAND đã có mặt ở hầu hết các chiến trường khốc liệt, vừa chiến đấu, vừa ghi lại những hình ảnh chân thực về cuộc sống chiến đấu của quân và dân ta. Bộ phim "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" gồm 9 tập đã ra đời trong những năm tháng chiến tranh vẫn còn ác liệt đó. Đây không chỉ là phim nhựa đầu tiên mà còn đánh dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Điện ảnh CAND, sự ra đời của thể loại phim hình sự trinh thám - một đặc sản của Điện ảnh CAND.
Theo Đại tá, đạo diễn Nguyễn Văn Thu - nguyên Giám đốc Điện ảnh CAND: "Đội Điện ảnh Công an Nhân dân" là đơn vị báo hình của lực lượng Công an nhân dân. Những thước phim tư liệu quý hiện còn lưu trữ được về Công an TP Hà Nội chữa cháy kho xăng Đức Giang, Công ty dệt 8/3, ga Hà Nội… Các hình ảnh tư liệu về cứu sống các nạn nhân bị đánh bom ở phố Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viện Bạch Mai… cảnh máy bay ném bom thị xã Phủ Lý, hình ảnh các chiến sĩ Cảnh sát giao thông ở Ngã Ba Đồng Lộc, vùng giới tuyến Vĩnh Linh, chiến trường Quảng Trị, các chuyên đề về Chiến tranh biên giới, các địa bàn nóng bỏng, các đơn vị điển hình, vùng sâu vùng xa... đã nói lên điều đó".
Thời điểm phát triển rực rỡ của Điện ảnh CAND là vào năm 1992, Điện ảnh CAND lúc đó với tên gọi là Xưởng phim Công an nhân dân, do Đại tá, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Xuân Liễu làm giám đốc. Thời kỳ này, trung bình mỗi năm Điện ảnh CAND cho ra đời 1 phim truyện nhựa, 3 - 4 phim tài liệu với những đề tài phong phú, khai thác sâu về cuộc sống của người chiến sĩ Công an. Một loạt tác phẩm như: "Bài học nhớ đời", "Kế hoạch P76", "Người không mang họ", "Đứa con kẻ tử thù", "Bí mật thành phố cấm", "Đêm giông"… đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của công chúng. Trong đó, bộ phim "Người không mang họ" của đạo diễn Phan Vũ, Quốc Long, Nguyễn Chiến, hợp tác với Công ty Điện ảnh và băng hình TP Hồ Chí Minh được chiếu ở hầu hết các rạp chiếu phim cả nước, mang lại doanh thu cao nhất.
Ngoài ra, Điện ảnh CAND còn hợp tác với các tổ chức, nhà làm phim nước ngoài và có nhiều bộ phim tạo được tiếng vang và ảnh hưởng sâu rộng: như "Trở lại với cuộc đời"; "Người thừa"; "Ảo vọng một chân trời"… Nhiều bộ phim ra đời sau khi Điện ảnh CAND tích cực cử các đoàn nghệ sĩ sang giúp nước bạn Lào, Campuchia xây dựng đội ngũ Điện ảnh - truyền hình và phối hợp sản xuất phim về tình hữu nghị giữa 3 nước Đông Dương: "Thắm tình hữu nghị" của đạo diễn, NSƯT Nguyễn Thanh Loan; "Truyền thống Công an Lào" của đạo diễn, NSƯT Lê Quang Phú…
Năm 2011, khi Truyền hình CAND - ANTV thành lập, phủ sóng toàn quốc, nhiều chương trình đặc sắc, trong đó có "Hành trình phá án" cùng các phim tài liệu hấp dẫn đã liên tục lên sóng hằng tuần, mang đậm dấu ấn điện ảnh. Một số phim tài liệu đã đạt được giải thưởng cao tại các liên hoan phim quốc gia. Đề tài trinh thám điều tra cũng được Điện ảnh CAND phát huy với bộ phim "Ma rừng" ra mắt đúng dịp Tết Nguyên đán 2014.
* * *
Có một khoảng lặng kéo dài cho đến 2018, điện ảnh CAND, Cục Truyền thông CAND (Bộ Công an) trở lại ấn tượng với những bộ phim truyền hình hấp dẫn, tiếp tục ghi dấu ấn trong lòng công chúng. Đầu tiên phải kể đến series phim truyền hình "Đội điều tra số 7". Hai phần của "Đội điều tra số 7" trở thành món ăn tinh thần của khán giả yêu phim truyền hình Việt mỗi tối. Sau phần 2, nhà sản xuất, ê-kíp sáng tạo của "Đội điều tra số 7" vẫn tiếp tục theo đuổi dự án này nhằm hướng tới mục tiêu nhiều tham vọng. Đó là xây dựng "vũ trụ điện ảnh" - "thế giới điện ảnh" với màu sắc riêng của CAND. Trong thế giới đó, các nhân vật ở các phần phim khác nhau nhưng liên quan đến nhau.
Trung tá Trần Nam Chung, Giám đốc Điện ảnh CAND cũng bày tỏ: "Năm 2025 là năm rất quan trọng của toàn lực lượng CAND. Những bộ phim do Điện ảnh CAND sản xuất kỳ vọng được góp một phần nhỏ để vinh danh hàng vạn cán bộ, chiến sĩ CAND đã hy sinh vì Tổ quốc trong suốt 80 năm qua. Dưới góc độ nghệ thuật, Điện ảnh CAND luôn mong muốn đưa đến với công chúng cả nước những sản phẩm điện ảnh có chất lượng tốt nhất, ý nghĩa và nhân văn nhất. Đó là tâm huyết của tập thể cán bộ, chiến sĩ Điện ảnh CAND và cũng là kỳ vọng của lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Truyền thông CAND về sự quay trở lại của Điện ảnh CAND".
Riêng về mảng phim truyện, phim truyền hình, Điện ảnh CAND đã và đang triển khai nhiều dự án lớn. Ngay sau khi hoàn thiện "Đội điều tra số 7" phần 2, nhà sản xuất đã bắt tay chuẩn bị cho phần 3 của phim nhằm kịp thời ra mắt khán giả vào năm 2025. Dự án phim truyện truyền hình về Kế hoạch CM12, dự kiến gồm 20 tập cũng bắt đầu khởi động. Kế hoạch CM12 là chiến công lớn mang ý nghĩa sâu sắc về nghiệp vụ phản gián, để lại nhiều bài học quý báu cho công tác đấu tranh chống các thế lực thù địch hiện nay.
Song song với phim về Kế hoạch CM12, Điện ảnh CAND cũng tích cực chuẩn bị cho phim truyện truyền hình 20 tập, chuyển thể từ tiểu thuyết "Mặt nạ" của tác giả Lê Duy Nghĩa. Đây là tác phẩm về lực lượng Tình báo CAND và là tác phẩm hướng tới kỷ niệm 80 năm truyền thống lực lượng Tình báo CAND. Dự kiến, bộ phim này sẽ được thực hiện tại phía Nam, với sự tham gia của nhiều gương mặt điện ảnh uy tín tại TP Hồ Chí Minh.
Theo Trung tá Vũ Liêm, Phó Giám đốc Điện ảnh CAND: "Tiểu thuyết "Mặt nạ" được viết dựa trên câu chuyện có thật về một cán bộ Tình báo CAND Việt Nam trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, tái hiện cuộc chiến thầm lặng đầy thách thức, hiểm nguy của lực lượng CAND Việt Nam chống lại những đối thủ tầm cỡ hàng đầu thế giới. Đặc biệt, cuộc chiến ấy lại diễn ra ở bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhằm ngăn chặn tận gốc những tham vọng xâm chiếm và làm suy yếu hậu phương lớn miền Bắc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chiến thắng cuối cùng đã thuộc về những người chiến sĩ của lực lượng CAND Việt Nam. Vì vậy, với việc triển khai sản xuất bộ phim "Mặt nạ", Điện ảnh CAND đã cho thấy bước đi mạnh dạn, sự mở rộng biên độ trong việc khắc họa hình ảnh người chiến sĩ CAND, góp phần mang đến những thước phim chân thực, hấp dẫn cho khán giả".

“Đội điều tra số 7” - phần 2 gây ấn tượng mạnh mẽ trong lòng công chúng
NSND Trung Anh chia sẻ rằng anh hào hứng tham gia một vai diễn trong phim "Mặt nạ". Theo anh: "Điện ảnh CAND có thế mạnh về đề tài. Đặc biệt, mảng tình báo, hình sự là những đề tài hấp dẫn khán giả. Khi còn bé, tôi vẫn nhớ một bộ phim nổi tiếng của Điện ảnh CAND, đó là "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn", tôi nhớ cô Mai Châu đóng vai một điệp viên rất ấn tượng, rồi phim "Người không mang họ”. Rõ ràng, Điện ảnh CAND đã có những bộ phim truyện được đông đảo công chúng đón nhận. Qua một số phim truyền hình được đầu tư bài bản vừa rồi cho thấy một bước tiến của Điện ảnh CAND. Chúng ta cần thêm nhiều kịch bản về mảng đề tài này, được viết một cách đời sống và bình dị, chắc chắn sẽ thu hút được sự quan tâm của khán giả".
* * *
55 năm kể từ ngày thành lập, Điện ảnh CAND đã khẳng định thế mạnh của mình ở mảng phim tài liệu với hàng vạn mét phim tư liệu, hàng trăm bộ phim tài liệu tuyên truyền đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và ngành Công an, đóng góp đáng kể vào thành tựu chung của Điện ảnh nước nhà.
Năm 2025, Điện ảnh CAND đang triển khai những dự án phim đặc biệt. Trong đó, phim "Người Công an cách mạng" và "Những người con của nhân dân" do Bộ Công an đầu tư sản xuất, hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2025). Đây cũng là những dự án quan trọng nhất về phim tài liệu của Điện ảnh CAND từ trước đến nay. Ngoài ra, bộ phim tài liệu lịch sử tiến tới kỷ niệm 80 năm Truyền thống lực lượng CAND, phim về thân thế sự nghiệp những người đứng đầu lực lượng CAND qua các thời kỳ cũng đang được triển khai.
Đạo diễn, biên kịch phim tài liệu Trần Hoàng Thiên Kim chia sẻ: "Phim tài liệu là một mảng phim hấp dẫn và có nhiều chuyện để chia sẻ. Tôi thường làm phim tài liệu về các đơn vị, những tấm gương điển hình người tốt việc tốt trong lực lượng CAND. Đến những vùng sâu, vùng xa, nơi tận cùng của những thiếu thốn gian khổ, mới cảm nhận được sự vất vả gian nan của người chiến sĩ CAND mà những lời nói đôi khi không thể diễn tả được hết…".