Điện ảnh - di sản chưa được gọi tên?

Những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, các bộ phim: 'Mùa gió chướng', 'Cánh đồng hoang', 'Nổi gió', 'Bao giờ cho đến tháng Mười'... không chỉ lưu lại ký ức tươi đẹp của điện ảnh mà còn đó những lát cắt lịch sử Việt Nam. Đó là ký ức về những nhà làm phim, những diễn viên gạo cội và những năm tháng mà rất nhiều trong số các thế hệ của chúng ta đã sống và đi qua…

“Cánh đồng hoang”, một trong những kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt. (Ảnh: Tư liệu).

“Cánh đồng hoang”, một trong những kiệt tác kinh điển của điện ảnh Việt. (Ảnh: Tư liệu).

Di sản rực rỡ của điện ảnh Việt

Nhắc đến “Cánh đồng hoang”, làm sao người ta quên cảnh Đồng Tháp Mười nước mênh mông trắng xóa. Cảnh vợ chồng Ba Đô (nghệ sĩ Lâm Tới - Thúy An) bỏ đứa con vào bao nhấn xuống nước để che mắt quân địch, đầy xúc động và ám ảnh phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh… Bên cạnh đó là những phim lấy cảm hứng từ văn học, văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, mang giá trị nghệ thuật cao: “Làng Vũ Đại ngày ấy”, “Thị xã trong tầm tay”, “Đến hẹn lại lên”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”, “Cô gái trên sông”, “Ván bài lật ngửa”, “Người đi tìm dĩ vãng”, “Mê Thảo - thời vang bóng”, “Mùa len trâu”, “Đời cát”, “Thung lũng hoang vắng”...

Lịch sử rực rỡ đưa phim nhà nước trở thành một phần không thể thiếu trong nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Thế nhưng, di sản điện ảnh nhà nước vẫn đang đứng trước nguy cơ mai một khi các hãng phim nhà nước liên tục gặp khó, xin giải thể, xuống cấp đến đau lòng khi cổ phần hóa như Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê - Hà Nội... Nơi ấy, khi NSND Trà Giang trở lại trong dịp kỷ niệm 70 năm Điện ảnh Việt Nam tháng ba năm nay, đã rớt nước mắt trước những cuộn phim đang xuống cấp. Bà là một trong số những diễn viên gạo cội đã sống, đã cống hiến cho điện ảnh Việt Nam những năm tháng chiến tranh bi hùng ấy…

Sức mạnh lớn nhất của điện ảnh là khả năng lưu giữ hình ảnh, những ký ức. Thời gian sẽ cuốn chúng ta đi, nhưng những gương mặt của điện ảnh luôn ở lại trong phim và trẻ mãi. Khuôn hình có lưu những khuôn mặt của các thế hệ diễn viên Việt Nam: Trà Giang trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, Tố Uyên trong “Chim vành khuyên”, Lê Vân trong “Bao giờ cho đến tháng mười”... mỗi khi được trình chiếu, tưởng như chỉ mới hôm qua và bộ phim lại được sống thêm một lần nữa.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Điện ảnh là di sản á?”, đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, các nhà sử học thường coi ngày khai sinh ra nghệ thuật điện ảnh là ngày 28/12/1895, khi buổi chiếu phim chuyển động và có thu tiền đầu tiên được anh em Auguste và Louis Lumìere tổ chức tại Paris, Pháp. Nhưng thực tế, điện ảnh khi sinh ra không được coi là bộ môn nghệ thuật. Phải rất lâu sau đó các nhà lưu trữ, nghiên cứu lịch sử, văn hóa… mới tìm cách phủ lớp nghĩa lên hai chữ điện ảnh. Thời gian dài sau đó việc nhìn nhận điện ảnh là di sản cần được lưu trữ, bảo tồn, phục chế, phát huy giá trị kinh tế và tinh thần của điện ảnh mới diễn ra.

Phim nhựa là thứ vật liệu vừa kì diệu vừa mong manh, tuổi thọ có giới hạn, đòi hỏi sự chăm sóc “tận tình, khắt khe, nghiêm cẩn”, đòi hỏi sự đầu tư không giới hạn, cả tiền của lẫn sức người... “Cách đây 3 năm, một câu hỏi rất lớn đặt ra trong tôi là “những thứ điện ảnh đẹp đẽ, nguyên bản, tinh tế mà mình đã từng tiếp cận ngày nay nó đang ở đâu?”. Câu hỏi này đã được tôi tìm ra khi tôi học về di sản, làm việc trực tiếp với những chuyên gia, nhà nghiên cứu.

TS Trần Hoài - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, hơn 4 thập kỷ trước, điện ảnh đã được coi là di sản. Bởi từ những năm 1980, UNESCO đã có những động thái bảo tồn, gìn giữ những giá trị, sản phẩm hình ảnh động, trong đó có coi điện ảnh là di sản cần phải giữ gìn. Năm 1992, UNESCO chính thức phát triển chương trình “Ký ức thế giới”, đưa ra những khái niệm ký ức và có các tác phẩm điện ảnh được ghi danh tại chương trình đó. Như vậy, thời đó đã có chương trình ghi danh một cách chính thức các giá trị loại hình di sản tư liệu, không chỉ có chữ viết, ghi âm mà còn có những bộ phim. Các giá trị của bộ phim không chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn nhấn mạnh về ký ức. Giá trị đó nằm ở ký ức của dân tộc, gia đình và ký ức của bản thân bộ phim làm ra nó. Đồng thời các bộ phim cũng phản ánh từng thời kỳ biến động xã hội, kinh tế, văn hóa của đất nước. Chính vì thế, tính giá trị ký ức ấy đã thể hiện và nâng cao nội hàm giá trị của di sản điện ảnh.

Di sản điện ảnh cần được luật hóa

Tròn 60 năm kể từ ngày ra đời, bộ phim Chị Tư Hậu đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển ca ngợi người phụ nữ trong chiến tranh, đồng thời là học liệu nghiên cứu học tập trong các trường nghệ thuật. (Ảnh: Tư liệu)

Tròn 60 năm kể từ ngày ra đời, bộ phim Chị Tư Hậu đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển ca ngợi người phụ nữ trong chiến tranh, đồng thời là học liệu nghiên cứu học tập trong các trường nghệ thuật. (Ảnh: Tư liệu)

Tại Việt Nam, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, “Điện ảnh mà là di sản á?” hay “Mấy cuốn phim này là di sản nỗi gì?” - là những nghi ngại đầy bất ngờ thời gian gần đây. Từ câu chuyện các cuốn phim của Hãng Phim truyện Việt Nam bị hư hại được các nhà làm phim lên tiếng cuối năm 2022 mới thấy rõ, chúng ta còn bối rối vì chưa biết xếp chúng vào loại hình gì. Trong khi Luật Di sản văn hóa hiện hành không có quy định về di sản tư liệu, Luật Điện ảnh cũng chưa đề cập đến nội dung này.

Thậm chí, chính những người đang hoạt động trong các lĩnh vực liên quan cũng chưa làm quen với cụm từ “di sản tư liệu”. Bởi vậy, sẽ thật khó khi muốn ghi danh, định danh di sản với những thước phim có giá trị cao về nghệ thuật, lịch sử…

Nói về giá trị của phim ảnh để có thể trở thành một di sản, TS. Trần Hoài cho rằng, giá trị của chúng không chỉ nằm ở khía cạnh vật thể mong manh và dễ biến mất dưới tác động của khí hậu, thời tiết, chiến tranh. Mà chứa đựng trong vỏ vật chất ấy là ký ức, lịch sử của một dân tộc, cộng đồng, phản ánh từng thời kỳ biến động về xã hội, kinh tế, văn hóa, ghi dấu những vùng đất, con người…

Không chỉ vậy, đó còn là ký ức của những nhà làm phim về công nghệ sản xuất, địa điểm thực hiện. Tri thức của các đạo diễn, quay phim trong thời kỳ sử dụng vật liệu nhựa như vật liệu hoàng kim để sản xuất điện ảnh. Cũng như ký ức về các điều kiện làm phim trong thời kỳ còn nhiều khó khăn và kỹ thuật hạn chế như giai đoạn chiến tranh hay bao cấp ở Việt Nam. Ký ức của mạng lưới những người sản xuất, bảo quản, giữ gìn phim.

Có thể thấy, phim nhựa là chuẩn phim lâu đời nhất trong lịch sử điện ảnh nhân loại, có mặt ngay từ những ngày đầu sơ khai của điện ảnh. Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển với nhiều lần thay đổi về kích thước cũng như công nghệ, đặc biệt ngày nay, điện ảnh đã chuyển đổi số. Song những cuốn phim nhựa vẫn đóng vai trò không thể thay thế trong việc lưu giữ ký ức, lịch sử và sáng tạo của nhân loại được ghi lại một cách sống động nhất…

Cũng bởi vậy, việc bảo tồn di sản điện ảnh - phim nhựa ngày càng được thế giới quan tâm. Nhiều quốc gia dùng nhiều cách để bảo quản phim cũ, phim câm, phim nhựa, phim đen trắng... khỏi tác động của thời gian và môi trường, đồng thời phục chế, phát huy giá trị các phim này.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Viện Phim Việt Nam, nơi có chức năng lưu chiểu phim, lưu trữ phim và bảo quản tư liệu điện ảnh, kho của Viện ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại… Tuy nhiên, mỗi năm Viện chỉ có thể số hóa được khoảng 700 cuốn phim nhựa, phục chế được khoảng 100 phút phim.

Chưa kể, số hóa phim cũng không phải là một giải pháp tốt nhất. Theo ThS. Lê Tuấn Anh (Viện Phim Việt Nam), lưu trữ dữ liệu số hóa lâu dài sẽ vấp phải những vấn đề khó giải quyết, bởi các định dạng dữ liệu số thay đổi rất nhanh, sớm trở nên lỗi thời và rất khó tìm công cụ hay phần mềm để đọc các dữ liệu số đó. Thậm chí, mỗi lần thay đổi công nghệ, công việc số hóa sẽ phải bắt đầu lại từ điểm xuất phát, với bản phim nhựa. Trong khi đó, một bộ phim nhựa được lưu kho với điều kiện đủ tốt sẽ có tuổi thọ hàng trăm năm. Phim nhựa vẫn là vật liệu có độ phân giải cao nhất, công nghệ ổn định nhất, trong khi công nghệ số là đa chuẩn và liên tục cập nhật. Vì những lý do trên, các nhà lưu trữ vẫn coi phim nhựa là vật liệu lưu trữ chính…

Hy vọng di sản điện ảnh sẽ được bảo quản với nhiều bản phim, ở nhiều định dạng để chúng ta luôn có “phương án dự phòng” cho di sản quý báu này. Đồng thời, trước sự xuống cấp của Hãng phim truyện Việt Nam với câu chuyện nóng về bảo tồn di sản điện ảnh được quan tâm trong thời gian vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ nghĩ đến việc bảo tồn các bộ phim hoặc những cuộn phim nhựa sẽ là một thiếu sót lớn. Bởi đây là nơi lưu giữ ký ức một thời vàng son của điện ảnh Việt Nam, chứ không chỉ đơn thuần là một tòa nhà.

Nền điện ảnh Việt Nam tuy còn khiêm tốn nhưng đã được thế giới chú ý với nhiều bộ phim kinh điển như “Chị Tư Hậu”, “Cánh đồng hoang” hay “Bao giờ cho đến tháng Mười”… Bởi thực tế, một bộ phim dù có hay đến đâu, có giá trị có lớn đến mấy, nếu không còn được xem nữa, thì nó sẽ bị lãng quên.

PGS.TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề xuất: “Có những di sản chắc chắn dù chưa được công nhận nhưng nó vẫn di sản. Chẳng hạn như đoạn phim Bác Hồ phát biểu về tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, chắc chắn là di sản. Công việc bảo tồn tư liệu phim hay bảo tồn di sản nói chung nên thuộc về chính sách của Nhà nước, cần nguồn lực lớn, sự đồng thuận lớn và cả một hệ thống chính trị cũng như một hệ thống thiết chế văn hóa. Tôi nghĩ cần phải có một chiến lược từ bên ngành điện ảnh để có sự tư vấn chính sách đối với Đảng và Nhà nước cho công tác bảo tồn di sản phim ở Việt Nam. Phải được luật hóa được định nghĩa rõ ràng trong Luật Di sản. Một đoạn phim, một thước phim, một chi tiết thôi là một phần của lịch sử dân tộc, chúng ta cần phải huy động mọi nguồn lực để bảo tồn nguồn tư liệu quý giá này”…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dien-anh-di-san-chua-duoc-goi-ten-post493447.html