Điện ảnh khó mơ xa khi nhân lực thiếu và yếu
Nhân lực điện ảnh Việt thiếu và yếu là nỗi băn khoăn của người trong giới khi nghĩ đến bước phát triển ngang tầm khu vực
Điện ảnh Việt đang phát triển, với doanh thu mỗi năm lên đến hàng ngàn tỉ đồng nhưng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này đang hết sức bấp bênh. Nếu muốn phát triển ngang tầm các nước trong khu vực, ngành điện ảnh cần phải có chiến lược đào tạo căn cơ nguồn nhân lực đủ đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại mới.
Thiếu cả lượng và chất
Trong hội nghị - hội thảo lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam, do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức tại TP HCM, vấn đề nguồn nhân lực cũng được đặt ra một cách quyết liệt. Hiện tại, Việt Nam có hai cơ sở đào tạo chính quy là Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM. Các khoa chủ yếu tập trung đào tạo đạo diễn, diễn viên, quay phim, biên kịch... các khâu quan trọng không kém khác không có hoặc đào tạo chắp vá. Nhân lực chủ yếu của điện ảnh Việt hiện nay từ nguồn Việt kiều, du học tự túc ở các nước trở về. Một số lượng không nhỏ là từ những lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển sang làm điện ảnh, có cả nguồn nhân lực tay ngang, tự học qua thực tiễn công việc. Trong số đó, lực lượng đạo diễn có thành tích doanh thu trên thị trường Việt tính đến nay đa phần là Việt kiều: Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Ngô Thanh Vân, Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Leon Quang Lê... và một vài đạo diễn du học trở về như Phan Gia Nhật Linh. "Nhân lực của điện ảnh Việt hiện nay thiếu người giỏi nghề ở tất cả các khâu từ đạo diễn, biên kịch, đạo diễn hình ảnh..." - nhà sản xuất Jenni Trang Lê nhận định. Vào lúc cao điểm, các nhà làm phim gặp cảnh chẳng thuê được người. Nhà sản xuất BeBe Phạm từng than vãn khi làm phim "798 Mười", tháng 6-2017, có đến 7 phim Việt bấm máy cùng lúc, chẳng thuê được đạo diễn hình ảnh. Thời gian bấm máy buộc phải lùi lại khiến diễn viên chính Trường Giang bỏ sang dự án "Siêu sao siêu ngố" vì trùng lịch quay, kéo theo một loạt thay đổi sau đó. "Chúng ta thiếu nhân lực cả chất và lượng ở nhiều khâu nên nếu muốn tăng số lượng phim, có thị phần rộng hơn cũng sẽ không ít khó khăn. Nguồn nhân lực tay nghề cao kín lịch cả năm. Nguồn đào tạo trong nước chưa đủ để nhà làm phim yên tâm sử dụng" - đạo diễn Võ Thanh Hòa (tốt nghiệp Khoa Phim Trường Lasalle của Singapore) nhận định.
Nữ đạo diễn trẻ Luk Vân cho biết việc thiếu người giỏi, chuyên sâu các lĩnh vực của điện ảnh là do việc đào tạo ở trường chỉ cung cấp kiến thức căn bản. Các giảng viên cũng ít người đang trực tiếp làm nghề, tiếp cận thực tiễn điện ảnh Việt nên sinh viên theo học chán nản. Với những người có khả năng du học tự túc, phần lớn họ ở lại nước ngoài làm việc trong các khâu hậu kỳ phim, không quay về.
Cần chiến lược cụ thể
Trong hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam - nói rằng: "Để có nguồn nhân lực chuyên môn cao trong lĩnh vực điện ảnh, rất cần các chính sách, chủ trương thiết thực nhằm đào tạo, xây dựng, củng cố và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng như tạo ra môi trường phát triển chung với sự đóng góp nhiều bên cho điện ảnh". Dự thảo cũng đề ra chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nhân lực điện ảnh: "Hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và từ nguồn xã hội hóa đổi mới, nâng cao chất lượng giáo trình và cải tiến phương pháp giảng dạy tại các trường điện ảnh quốc gia; hỗ trợ cử sinh viên xuất sắc đi đào tạo ngắn hạn hoặc dài hạn về nghệ thuật, kỹ thuật, quản lý sản xuất, phát hành, phổ biến phim ở các nước có nền điện ảnh phát triển". Tuy nhiên, theo TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, góp ý: "Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đào tạo nhân lực điện ảnh là cần thiết nhưng mới chỉ được trình bày chung chung, không thuyết phục, khó khả thi".
Những giải pháp đưa sinh viên sang nước ngoài học tập tương tự cách làm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan được ủng hộ. "Đây là giải pháp tốt nhưng phải đồng bộ. Tức là, đào tạo tất cả các thành phần liên quan đến bộ phim chứ không phải đạo diễn, biên kịch, quay phim. Ngoài ra, khâu tuyển chọn và khuyến khích cũng rất quan trọng mới tìm được người tài thực sự" - đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định.
Theo giới chuyên môn, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có thể áp dụng trong nước thông qua đầu tư tốt cho các trường đào tạo chính quy. Ngày nay, việc các trường liên kết mời chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, liên kết các công ty sản xuất tư nhân để giúp sinh viên vừa học vừa hành không quá khó khăn. Một số ý kiến cho rằng Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh nếu được hiện thực hóa cũng sẽ góp sức vào công cuộc đào tạo nhân lực chứ không chỉ dồn hết vào đặt hàng sản xuất phim.
Dự kiến đưa 930 tài năng ra nước ngoài đào tạo
Nhiều người trong giới cho rằng trước thực trạng nhân lực yếu kém, Việt Nam muốn có nền điện ảnh phát triển bền vững, nhà quản lý phải xây dựng chiến lược "trồng người" quy mô, đồng đều. "30 năm trước, Hàn Quốc đưa sang Mỹ đào tạo cả một thế hệ từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, dựng phim... Hiện nay, họ gặt hái quả ngọt là những thành tựu vượt tầm châu Á. "Điện ảnh Việt cũng từng có "thế hệ vàng" được đào tạo ở Liên Xô giai đoạn trước, từng tạo ra những tác phẩm kinh điển. Sau giai đoạn này, thế hệ trẻ Việt chủ yếu làm điện ảnh theo kiểu truyền nghề, một số cá nhân có khả năng tài chính mới tự túc ra nước ngoài học tập. Khi quay về, gặp điện ảnh trong nước không có trình độ đồng bộ, họ chán nản chuyển nghề, uổng phí tiền của, chất xám" - nhà sản xuất Hồng Ánh bày tỏ.
PGS-TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thông tin đến năm 2026 dự kiến Việt Nam đưa 930 tài năng ở các lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có điện ảnh, sang nước ngoài học tập. 12 tài năng đầu tiên đã được đưa đi, trong đó có 10 người đi Mỹ, 2 người đi Úc. Đề án này đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016, bắt đầu thực hiện từ năm 2017, kinh phí chủ yếu lấy nguồn ngân sách nhà nước.