Điện ảnh tăng sức hút cho du lịch
Cùng với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, nhiều vùng đất trên khắp cả nước đã được biết đến nhiều hơn qua những thước phim. Nhận thấy tiềm năng của việc quảng bá thông qua điện ảnh, nhiều địa phương đã có những hoạt động thúc đẩy thu hút và phát triển du lịch từ màn ảnh nhỏ.
Điện ảnh có rất nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, đặc biệt là độ phủ sóng rộng rãi, kinh phí quảng bá qua điện ảnh thấp hơn nhiều so với các hoạt động xúc tiến khác. Du lịch văn hóa là một trong 13 ngành công nghiệp văn hóa được xác định trong Chiến lược các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, hiệu quả của quảng bá du lịch qua phim ảnh là điều dễ nhận thấy.
Khi bộ phim "A tourist’s guide to love" (Bí kíp tình yêu của một du khách) - phim đầu tiên được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp phép sau đại dịch Covid-19 chiếu trên Netflix vào tháng 5/2023 gây sốt tại Việt Nam và nhiều quốc gia, đã thổi làn gió mới cho hoạt động quảng bá du lịch sau đại dịch. Chỉ trình chiếu trong thời gian ngắn, phim vào tốp 10 ở 78 thị trường tại châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại Dương. Nhiều du khách quốc tế đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng, khi xem bộ phim này, họ muốn được đến Việt Nam.
Trước bộ phim "A tourist’s guide to love", nhiều địa danh Việt Nam hấp dẫn du khách thông qua những bộ phim điện ảnh đình đám. Điển hình như Ninh Bình tăng thêm sức hấp dẫn với khách quốc tế từ sau bộ phim "Kong - đảo Đầu Lâu" vào năm 2017. Hay bộ phim "Người tình", "Người Mỹ trầm lặng" mang đến sức quảng bá lớn đối với các điểm du lịch vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đồng Tháp, thành phố Hồ Chí Minh, Hội An (Quảng Nam).
Không chỉ có những bộ phim mang dấu ấn Hollywood tạo hiệu quả trong quảng bá du lịch, nhiều bộ phim điện ảnh Việt Nam sau khi trình chiếu đã tăng sức hút lớn cho các điểm đến. Chẳng hạn như bộ phim "Mùa len trâu", "Cánh đồng bất tận" khiến lượng khách đến miền Tây tăng đáng kể. Hà Giang tạo được sức hút lớn với du khách sau bộ phim "Chuyện của Pao" (đạo diễn Đỗ Quang Hải). Du lịch Phú Yên tăng doanh thu từ 13% lên 30% sau khi những cảnh sắc tuyệt đẹp xuất hiện trong bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" (đạo diễn Victor Vũ)... Trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 diễn ra tại Đà Lạt, phim "Em và Trịnh" đã được trao giải "Cao nguyên hùng vĩ" - một giải thưởng vinh danh tác phẩm có bối cảnh quay xuất sắc nhất tại Đà Lạt. Phim "Mắt biếc" cũng từng được trao tặng giải thưởng "Cảnh quay ở Huế đẹp nhất" tại LHP Việt Nam lần thứ 22. "Cây cô đơn" nơi nhân vật Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe cũng trở thành địa điểm được nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm đến chụp ảnh, du ngoạn.
Gần đây nhất, bộ phim "Tết ở Làng địa ngục" và "Kẻ ăn hồn" ghi hình tại làng Sảo Há, huyện Đồng Văn đã giúp địa danh này trở thành địa điểm du lịch hấp dẫn. Ngay sau khi bộ phim lên sóng, còn có rất nhiều bạn trẻ cũng về đây quay những video quảng bá cho địa danh này.
Theo các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để quảng bá du lịch thông qua điện ảnh, từ vị trí địa lý, khí hậu phong phú, thuận lợi; hệ thống di tích, di sản văn hóa đặc sắc; nhiều địa điểm, địa danh đáp ứng làm bối cảnh phim trường; lợi thế về nhân công…
Nếu khai thác tốt, điện ảnh sẽ không chỉ là một kênh quảng bá du lịch mà có tiềm năng trở thành một loại hình du lịch đầy sức hút với du khách.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/dien-anh-tang-suc-hut-cho-du-lich-213158.htm