Điện ảnh Trung Quốc có hết hy vọng với tượng vàng Oscar?
Trong quá khứ, các nhà làm phim Đại lục chạy theo dòng phim cổ trang, võ thuật nhằm chinh phục giải thưởng danh giá.
Ngày 15/3, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) công bố danh sách đề cử giải thưởng điện ảnh Oscar lần thứ 93.
Ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc, Better Days - Em của thời niên thiếu vào danh sách 5 đề cử cuối cùng. Đại diện của Hong Kong (Trung Quốc) sẽ cạnh tranh với Another Round (Đan Mạch), Collective (Romania), The Man Who Sold His Skin (Tunisia) và Quo Vadis, Aida? (Bosnia & Herzegovina).
Như vậy sau 17 năm, điện ảnh Trung Quốc mới lại có một tác phẩm được đề cử tại hạng mục này. Trong lịch sử, hai bộ phim do Đại lục sản xuất từng cạnh tranh giải thưởng Phim quốc tế xuất sắc là Cúc Đậu (1990) và Anh hùng (2002).
Cơn khát chinh phục bức tượng vàng danh giá
Ngược trở lại năm 1938, The Good Earth - bộ phim kể về cuộc đấu tranh chống lại thiên tai, nạn đói của những người nông dân Trung Quốc giành tượng vàng Oscar tại hai hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc và Quay phim xuất sắc (phim trắng đen).
Đứng sau thành công của tác phẩm do 3 đạo diễn Sidney Franklin, Victor Fleming, Gustav Machatý bắt tay sản xuất, không thể thiếu đóng góp to lớn của cố diễn viên nổi tiếng Trung Quốc Vương Nguyên Long - người đảm nhận vị trí cố vấn kịch bản bộ phim. Lần đầu tiên trong lịch sử giải Oscar, một dự án có sự góp mặt của nhân tố xứ tỷ dân được xướng tên.
Một năm sau, James Wong Howe - nhà quay phim người Mỹ gốc Hoa được đề cử tại hạng mục Quay phim xuất sắc sau thành công của Algeria. Ông là người Trung Quốc đầu tiên giành giải thưởng này với hai bộ phim The Rose Tattoo (1955) và Hud (1963).
Thế nhưng, mối liên hệ giữa điện ảnh Trung Quốc và bức tượng vàng danh giá chỉ dừng lại ở đó. Các bộ phim Hoa ngữ hoàn toàn "vắng bóng" tại Lễ trao giải Oscar.
Phải đến những năm 1990, câu chuyện về điện ảnh Trung Quốc tại giải thưởng hàng đầu thế giới mới rẽ sang chiều hướng khác.
Năm 1991, bộ phim Cúc Đậu của đạo diễn Trương Nghệ Mưu nhận đề cử giải Oscar cho Phim quốc tế xuất sắc năm 1990. Đây là tác phẩm nội địa đầu tiên có cơ hội cạnh tranh giải thưởng này trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Năm 1994, Bá Vương biệt cơ và Hỷ yến lần lượt nhận đề cử Phim quốc tế xuất sắc tại Lễ trao giải Oscar. Đáng tiếc, tượng vàng không thuộc về hai tác phẩm của đạo diễn Trần Khải Ca và đạo diễn Lý An.
7 năm sau, bộ phim Ngọa hổ tàng long trở thành hiện tượng trong làng điện ảnh thế giới với 4 giải Oscar, bao gồm Phim quốc tế xuất sắc, Nhạc phim hay nhất, Quay phim xuất sắc và Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc trong tổng cộng 10 đề cử. Ngọa hổ tàng long cũng là bộ phim tiếng Hoa có doanh thu cao nhất mọi thời đại tại thời điểm đó, với 213,5 triệu USD.
Những năm sau, dù không giành thêm tượng vàng danh giá, các đề cử tại giải Oscar vẫn khiến các nhà làm phim Trung Quốc ấm lòng, tiếp tục nuôi hy vọng. Có thể kể đến Anh hùng (đề cử Phim quốc tế xuất sắc, 2003), Thập diện mai phục (đề cử Quay phim xuất sắc, 2005), Hoàng Kim Giáp (đề cử Thiết kế phục trang đẹp nhất, 2007).
Theo Tân Hoa Xã, tại Diễn đàn Điện ảnh Trung Quốc năm 2006, Hàn Tam Bình - Tổng Giám đốc của China Film Group Corporation lúc bấy giờ nhấn mạnh tầm quan trọng của giải Oscar đối với nền điện ảnh xứ tỷ dân.
"Tượng vàng danh giá tại Oscar không chỉ đánh dấu thành tựu của điện ảnh Trung Quốc những thập kỷ trước mà còn là dấu mốc lịch sử để lại cho muôn đời sau, trở thành nền tảng cho sự phát triển của phim nội địa", ông nói.
Đạo diễn nổi tiếng Trương Nghệ Mưu từng tiết lộ sức ảnh hưởng của giải thưởng danh giá này. "Nếu giành một giải thưởng thông thường, độ phủ sóng thương hiệu bộ phim tăng 20%. Nếu được xướng tên tại Oscar, con số này là 80%", cha đẻ Cao lương đỏ cho hay.
"Miếng mồi béo bở khiến một thời gian dài, nhiều đạo diễn Trung Quốc đua nhau chạy theo dòng phim võ thuật Trung Hoa huyền bí - thể loại từng giúp điện ảnh xứ tỷ dân 'lọt mắt xanh' của AMPAS. Những tên tuổi lớn như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca cũng bị cuốn vào trào lưu", Toutiao bình luận.
Bước ngoặt
Tuy nhiên, với hậu phương vững chắc đến từ thị trường hơn 1,4 tỷ dân, tầm quan trọng của giải Oscar đối với điện ảnh Trung Quốc giảm dần. Sau tác phẩm Anh hùng được đề cử Phim quốc tế xuất sắc vào năm 2003, phim Trung Quốc "vắng bóng" tại hạng mục này suốt 17 năm.
Dẫu vậy, ngành công nghiệp điện ảnh xứ tỷ dân vẫn phát triển nhanh chóng. Từ con số 5.000 rạp chiếu phim trong năm 2009, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều rạp chiếu phim nhất thế giới vào năm 2016.
Trong bối cảnh đó, tư duy của giới làm phim Đại lục thay đổi. Họ tập trung kể những câu chuyện cho khán giả trong nước, thay vì chạy theo một đề tài "lấy lòng" thị hiếu toàn cầu.
Năm 2018, Trung Quốc cử Chiến Lang 2 - bộ phim đề cao tinh thần dân tộc tranh giải Oscar. Một năm sau, Na Tra: Ma đồng giáng thế đại diện xứ tỷ dân ở đấu trường này. Không phải những cái tên về đề tài võ hiệp, cổ trang - thể loại thành công giúp Cúc Đậu hay Anh hùng nhận đề cử.
Tương tự, Em của thời niên thiếu mang một màu sắc khác biệt với Cúc Đậu và Anh hùng. Thế nhưng may mắn hơn, dự án của đạo diễn Tăng Quốc Cường xuất hiện trong danh sách đề cử của Oscar 2021.
"Trong quá khứ, Oscar từng được xem yếu tố cần và đủ để giúp điện ảnh Trung Quốc tiến ra thế giới. Tuy nhiên, nhìn từ Chiến lang 2, Na Tra: Ma đồng giáng thế và Em của thời niên thiếu, có thể thấy câu chuyện giờ đã khác. Tượng vàng Oscar không còn là mục tiêu quan trọng nhất điện ảnh Trung Quốc nhắm đến", Tân Hoa Xã nhận định.