Điện ảnh tư nhân: Một trách nhiệm khác
Sau cơn tranh cãi nảy lửa trong cộng đồng mạng liên quan đến đợt phim chiếu Tết vừa rồi, có khá nhiều câu hỏi được gợi ra dành cho điện ảnh Nhà nước đặt hàng. Nhiều ý kiến đóng góp, đề nghị thay đổi từ khâu chính sách cho tới phương thức hành động để làm sao phim Nhà nước đặt hàng trở nên hiệu quả hơn. Song, chưa thấy bất kỳ một câu hỏi nào dành cho điện ảnh tư nhân với trách nhiệm truyền bá các thông điệp và giá trị quốc gia, dân tộc trong các sản phẩm của mình.
Khi nói tới trách nhiệm này, ắt hẳn sẽ có nhiều người vội vã phản bác, thậm chí cười nhạo, và cho rằng “điện ảnh tư nhân chả cần phải mang trách nhiệm nào khác ngoài trách nhiệm với nghệ thuật, với đầu tư cả”. Nhưng, đó là những phản bác sai lệch hoàn toàn. Nếu nhìn vào vấn đề này cả về lý thuyết lẫn thực tế, rõ ràng điện ảnh tư nhân Việt Nam đã và đang thản nhiên bỏ qua trách nhiệm quan trọng này.
Thứ nhất, nhà sản xuất phim cần có trách nhiệm với ai là việc cần làm rõ. Họ (nhà sản xuất phim) cần có trách nhiệm với nghề nghiệp của mình, tức là điện ảnh. Họ cũng cần có trách nhiệm với cộng đồng công chúng mình hướng tới. Và, công chúng đó là ai? Với điện ảnh Việt Nam, công chúng là người Việt Nam. Vì thế, điện ảnh tư nhân cũng cần phải mang trách nhiệm rất Việt Nam là khơi gợi lòng tự hào về các giá trị, di sản của quốc gia, dân tộc và lòng ái quốc trong mỗi người.
Nói gì thì nói, có nghệ thuật đến mấy đi nữa, điện ảnh cũng chỉ là một phương tiện chuyển tải thông điệp. Ở khía cạnh này, thậm chí điện ảnh còn là công cụ tuyên truyền đắc lực. Hãy nhìn những gì các nhà sản xuất điện ảnh tư nhân nước ngoài đã và đang làm nhiều thập niên qua, chúng ta sẽ hiểu. Hollywood luôn đề cao chủ nghĩa anh hùng Mỹ, giấc mơ Mỹ và các giá trị Mỹ. Chính Hollywood đã khiến nhiều người có quan niệm lệch lạc về thế giới Trung Đông, Đông Âu nhiều năm qua.
Trong khi đó, điện ảnh Trung Quốc luôn đề cao giá trị quân tử của người Hoa, sự đoàn kết của người Hoa, cách vùng lên chống lại kỳ thị của người Hoa v.v... và v.v... Nói chung, điện ảnh Trung Quốc nhiều năm qua đã xây dựng hoàn hảo niềm tự hào Trung Hoa để quảng bá ra ngoài. Còn điện ảnh Hàn Quốc thì khỏi nói. Họ đã thành công rực rỡ trong việc tạo ra làn sóng Hàn Quốc mạnh mẽ đủ áp đặt sự xâm lấn văn hóa lên các vùng lãnh thổ khác...
Tuyên truyền một cách khéo léo đã được rất nhiều nhà sản xuất phim tư nhân ở nước ngoài thực hiện một cách bền bỉ nhiều năm qua. Bộ phim “Dunkirk” là một ví dụ. Nó đề cao vai trò của người Anh và gần như hạ thấp toàn bộ vai trò của người Pháp trong Thế chiến II. Nó làm dư luận Pháp không hài lòng. Song song, đã có nhiều bộ phim về đề tài này cũng mặc định cho khán giả thấy chiến thắng phát xít là của phương Tây đơn thuần chứ không có chút dính dáng nào đến các lực lượng quan trọng khác trong lịch sử.
Bây giờ quay lại với điện ảnh tư nhân Việt Nam. Những nhà sản xuất đã thực hiện được trách nhiệm tuyên truyền ấy chưa? Tại sao cứ phải đặt gánh nặng tuyên truyền lên vai của điện ảnh Nhà nước đặt hàng? Sự thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hồi 2015-2017 đã cho thấy nếu làm một phim lãng mạn, điện ảnh Nhà nước đặt hàng hoàn toàn có cách để có lãi, nhận được nhiều khen ngợi. Song, nhiệm vụ tuyên truyền luôn là nhiệm vụ lớn trên mặt trận văn hóa và sự phó mặc nhiệm vụ ấy cho Nhà nước đang cho thấy sự ích kỷ của những nhà làm phim tư nhân.
Có một điểm cũng nên lưu tâm chính là xì xào bấy lâu nay xoay quanh việc nhiều hãng phim tư nhân lớn ở Việt Nam đã bán đa số cổ phần cho một hãng phim nước ngoài để lách Luật Điện ảnh khi nhà làm phim nước ngoài muốn tham gia làm phim trong lãnh thổ Việt Nam. Đây chính là điểm cần thanh tra kỹ trong điện ảnh. Bởi, một khi đã bán mình cho một ông chủ, họ sẽ chỉ còn trách nhiệm với ông chủ ấy mà thôi, không khác gì một nô lệ.