Điện ảnh và tuổi 16+

Việc dán nhãn, chia phim theo độ tuổi khán giả đã được thế giới áp dụng từ khá lâu; tại Việt Nam, quy định 4 mức độ dán nhãn, đó là P (phim phù hợp với khán giả ở mọi lứa tuổi), C13,C16, C18 (phim cho khán giả từ 13,16 18 tuổi trở lên), cũng có hiệu lực từ 1-1-2017.

Song cho tới tận bây giờ, sau rất nhiều lùm xùm khi sử dụng diễn viên nhí trong những cảnh quay được cho là nhạy cảm thì việc phân định độ tuổi diễn viên mới được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật Điện ảnh trong đợt này.

Theo NSND Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, cần cân nhắc kỹ tình huống liên quan đến nội dung “Cấm sử dụng lao động trẻ em dưới 16 tuổi tham gia các bộ phim hoặc các cảnh quay nhạy cảm về tình dục, bạo lực, sử dụng các chất kích thích”.

Ông Đặng Xuân Hải cho rằng, sáng tác điện ảnh đòi hỏi tính chân thực cao, làm sao để câu chuyện trên màn ảnh được khán giả cảm nhận như đời thực.

Nếu cấm trẻ em (diễn viên) dưới 16 tuổi trực tiếp tham gia (đóng, diễn) trong các cảnh quay dù có phần nào “nhạy cảm” về tình dục, bạo lực…, khiến đoàn phim buộc phải thay bằng các diễn viên trưởng thành (để không trái với Luật Lao động) thì tính chân thực của cảnh quay và rộng hơn là tổng thể tác phẩm điện ảnh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng nếu cho phép thì có thể trái với Luật Trẻ em.

Liên quan tới điều quy định mới được đưa vào dự thảo sửa đổi lần này, đạo diễn - NSND Thanh Vân cũng cho rằng, đây thực sự là một trong những yếu tố sát sườn với người làm phim.

Theo ông, quy định này hơi đối phó với hiện tượng cụ thể đã xảy ra trong phim Vợ ba, vốn gây xôn xao dư luận thời gian qua. Tuy nhiên, vị đạo diễn này cũng cho rằng, quy định mới chưa thực sự thấu đáo.

“Điện ảnh cũng như nghệ thuật là phản ánh những vấn đề của hiện thực xã hội. Mà trong khi đó, những câu chuyện như ấu dâm, mại dâm, bạo lực vị thành niên lại rất nhức nhối. Khi đạo diễn muốn tạo dựng một cảnh phim với một cháu từ 6-8 tuổi có tình huống như vậy thì phải lấy một diễn viên 17-18 tuổi đóng, như vậy có được không?”, đạo diễn Thanh Vân lấy ví dụ. Bởi nếu điều này được thông qua sẽ cản trở một mảng đề tài rất nhức nhối của xã hội là không thấu đáo.

Nên chăng, chúng ta học hỏi theo kinh nghiệm quản lý điện ảnh của một số nước trên thế giới khi ứng xử với những mảng đề tài tương tự.

Cụ thể như với những cảnh quay có liên quan tới nội dung này thì ngoài sự đồng ý của cha mẹ, người chịu trách nhiệm về cuộc sống của trẻ em còn cần phải có bác sĩ tâm lý, có đại diện của ủy ban bảo vệ trẻ em hoặc nhà trường…

“Nếu có 3 thành phần giám sát cảnh quay của diễn viên dưới 16 tuổi thì cũng có thể được thực hiện”, NSND Thanh Vân đề xuất. Theo nhiều người làm phim, được tổ chức kỹ càng như vậy mới có những bộ phim phản ánh về vấn nạn bạo lực tình dục, mà nạn nhân là trẻ em.

MAI AN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/dien-anh-va-tuoi-16-614322.html