Điện ảnh Việt không thiếu kịch bản hay, nhân sự tốt

Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, điện ảnh Việt Nam khó có thể vươn tầm thế giới bởi thiếu và yếu cả nhân lực lẫn kịch bản.

Phim 'Kong: Đảo Đầu Lâu' được quay tại nhiều địa điểm ở Việt Nam.

Phim 'Kong: Đảo Đầu Lâu' được quay tại nhiều địa điểm ở Việt Nam.

“Nhiều người than vãn điện ảnh Việt Nam thiếu kịch bản, thiếu nhân sự tốt... Với tôi, đó không phải nguyên nhân chính nhất. Kịch bản hay không thiếu, nhân sự cũng vậy”, đạo diễn Lương Đình Dũng thẳng thắn.

Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, điện ảnh Việt Nam khó có thể vươn tầm thế giới bởi thiếu và yếu cả nhân lực lẫn kịch bản. Không chỉ vậy, phim Việt còn thiếu nét đặc trưng và nhiều trở lực khác khiến nền điện ảnh nói chung cứ đi những bước giật lùi. Vậy sự thực như thế nào? Làm cách nào để điện ảnh Việt vươn cao?

Điện ảnh thay đổi xã hội

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

Đạo diễn Lương Đình Dũng.

“Tôi cũng không rõ ngành Điện ảnh Việt Nam được đầu tư bao nhiêu tiền mỗi năm, nhưng tôi nghĩ rằng quá ít ỏi để làm ra những bộ phim đủ sức quảng bá và ảnh hưởng ra nước ngoài. Vậy ngành Điện ảnh có ước mơ cũng khó làm được, còn chúng tôi - những nhà làm phim khát vọng được làm những điều ấy cũng không thể” - diễn Lương Đình Dũng

Đạo diễn Lương Đình Dũng - người gây chú ý khi bộ phim “578: Phát đạn của kẻ điên” được lựa chọn tham dự tại nhiều kỳ liên hoan phim và tranh giải thưởng quốc tế - đưa ra những phân tích về những điểm mạnh, điểm yếu cùng những bước đi của điện ảnh Việt.

Theo vị đạo diễn này, trên thế giới nhiều hãng sản xuất ô tô và nước giải khát sẵn sàng đầu tư trực tiếp để sản xuất một bộ phim điện ảnh phát hành, thông qua đó quảng bá những sản phẩm cao cấp của họ một cách hiệu quả nhất. Vẫn cái túi ấy, chai rượu ấy, chiếc xe ấy nhưng giá thì tận mây xanh mà đắt hàng. Còn ở ta, sản phẩm ngon nhưng sao vẫn rẻ?

“Nguồn thu từ phát hành của bộ phim có thể thu lại nhiều hơn cả vốn đầu tư, ngoài việc quảng bá nó còn mang lại những giá trị xã hội tích cực khác. Thậm chí có quốc gia thực hiện những bộ phim với mục tiêu kích thích tinh thần quân đội một cách hiệu quả.

“Điện ảnh là phương tiện mạnh mẽ nhất giúp thay đổi xã hội”, vì vậy chúng ta cần tận dụng tối đa, không nên để “biên giới điện ảnh” này bị bỏ ngỏ”, đạo diễn Lương Đình Dũng nhận định.

Ông Dũng cho rằng, nhiều người than vãn Việt Nam thiếu kịch bản, thiếu nhân sự tốt... Với tôi, đó không phải nguyên nhân chính nhất. Kịch bản hay không thiếu, nhân sự cũng vậy. Ở Việt Nam hiện tại có nhiều thành viên ê-kíp tốt và có thể mời những ê-kíp làm phim lớn - kể các thành viên làm nên những bộ phim đoạt Cannes hay Oscar.

Để sản xuất một chiếc ô tô có thể nhập linh kiện ở nhiều nước khác nhau, sản xuất một bộ phim cũng thế. Phim hay ô tô cũng là một sản phẩm pha trộn cả yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật. Sản xuất một chiếc ô tô phức tạp gấp nhiều lần làm một bộ phim, nhưng một bộ phim doanh thu có bằng hàng trăm ngàn chiếc xe.

Nếu chúng ta chờ đào tạo thì chẳng biết đến bao giờ mới đầy đủ nhân sự tổng hòa cho một bộ phim, chưa kể “chất lượng cập kênh”. Thay bằng cách đó, ta đưa những ê-kíp tốt về Việt Nam làm phim, cũng là cách đào tạo các nhân sự làm phim cho Việt Nam một cách hiệu quả.

“Ai cũng hiểu 1 hay 2 bộ phim Việt bùng nổ ở nước ngoài cấp độ nào đi nữa, cũng không mang đầy đủ mọi góc cạnh đặc sắc của Việt Nam đến với thế giới. Thời đại “nền kinh tế hình ảnh” được nhiều nước tận dụng thông qua điện ảnh.

Chúng ta phải “phóng loạt” cùng một lúc nhiều dự án thì điện ảnh Việt Nam mới lan tỏa một cách hiệu quả. Hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm của Việt Nam sẽ theo đó đến với khách hàng quốc tế, không chỉ dừng lại ở giá trị kinh tế mà điện ảnh còn góp phần nâng tầm vị thế hình ảnh của Việt Nam”, đạo diễn Lương Đình Dũng phân tích.

Đừng chờ vào may mắn

Phim '578: Phát đạn của kẻ điên' được lựa chọn tham dự tại nhiều kỳ liên hoan phim và tranh giải thưởng quốc tế.

Phim '578: Phát đạn của kẻ điên' được lựa chọn tham dự tại nhiều kỳ liên hoan phim và tranh giải thưởng quốc tế.

Nhiều người quan tâm thông tin về những bộ phim quay tại Việt Nam, như: Người tình (1992), Người Mỹ trầm lặng (2002), Hai cô con gái ông chủ vườn thuốc (2006), Kong: Đảo Đầu Lâu (2017)… và thường nói rằng tại sao đạo diễn Việt không tận dụng các cảnh quay đẹp nhằm quảng bá hình ảnh đất nước mình?.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, đó là câu hỏi khó trả lời. Thái Lan hay các quốc gia khác có rất nhiều phim nước ngoài đến quay nhưng hiệu ứng không có gì quá to lớn.

Nếu ngành điện ảnh tại quốc gia đó không có tính chủ động để cân bằng điện ảnh nội địa phát triển ra bên ngoài. Một đất nước như Việt Nam đầy ắp vẻ đẹp và phong phú từ văn hóa đến con người thì không nên chờ vào vận may của một vài phim điện ảnh từ bên ngoài.

“Kể cả chúng ta có chính sách mở cửa để tạo sức hút với các đoàn làm phim nước ngoài cũng không tạo ra được khác biệt. Do không nhà sản xuất quốc tế nào có thể sẵn sàng đảo câu chuyện phim từ châu Âu hay một nước châu Á khác chỉ vì bối cảnh phim ở Việt Nam.

Trừ khi Việt Nam là chủ đầu tư hoặc may mắn có câu chuyện phim liên quan hoặc cần bối cảnh ở Việt Nam mà thôi. Như vậy cho thấy việc một vài phim quay ở Việt Nam có ầm ĩ truyền thông thì vẫn không tạo được trào lưu nổi bật”, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết.

Vậy các đạo diễn Việt Nam có đủ tầm làm phim để chiếu ra nước ngoài - ngang ngửa với các đạo diễn nước khác không? Ông Dũng xác tín rằng, đạo diễn Việt Nam làm được điều đó: “Tôi từng quay 2 bộ phim “Cha cõng con” và “578” - bộ phim là những cảnh đẹp của Việt Nam và được chiếu ở quốc tế. Tuy nhiên, gần như không có sự ủng hộ nào của các khu du lịch và vẫn phải trả tiền như các dịch vụ khác, rất hiếm mới có được sự ủng hộ của lãnh đạo một tỉnh”.

Khi phim “578” được chiếu tại 2 liên hoan phim lớn ở châu Âu, đoàn làm phim hứng khởi gặp địa phương xin phối hợp cùng quảng bá du lịch ra với bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, câu trả lời là “không có kế hoạch quảng bá trong phim”. Điều này chứng tỏ, dù các đạo diễn muốn quảng bá cảnh đẹp Việt Nam, nhưng không dễ thực hiện.

Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định đạo diễn Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm được những bộ phim lớn tầm cỡ và ngang bằng như nhiều quốc gia. Nhà làm phim quốc tế cũng sẵn sàng phối hợp với đạo diễn Việt Nam làm những bộ phim Việt đặc biệt. Sự kết hợp các nhà làm phim quốc tế là cách nhanh và hiệu quả để đốt cháy giai đoạn của ngành điện ảnh ở nhiều quốc gia.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dien-anh-viet-khong-thieu-kich-ban-hay-nhan-su-tot-post639838.html