Điện ảnh Việt Nam 2024: Khát vọng vươn tầm

Điện ảnh Việt Nam khép lại năm 2024 với nhiều dấu ấn khá ấn tượng. Tuy nhiên, trên hành trình nỗ lực vươn tầm ra thế giới, điện ảnh Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII-2024.

Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII-2024.

Dấu ấn tại các liên hoan phim quốc tế

Năm 2024, trong 6 bộ phim Việt tham gia các Liên hoan phim (LHP) quốc tế và khu vực uy tín, có 5 phim được xướng tên ở 9 hạng mục trao giải.

Đó là “Cu Li không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân giành được giải Phim đầu tay xuất sắc nhất (GWFF Best First Feature Award) tại LHP Berlin; “Mưa trên cánh bướm” của đạo diễn/ biên kịch Dương Diệu Linh giành được 2 giải thưởng quan trọng: Phim hay nhất (Iwonderfull Grand Prize) và Phim sáng tạo nhất (Circolo del Cinema Verona) tại Tuần lễ Phê bình phim quốc tế (Settimana Internazionale della Critica) của LHP quốc tế Venice 2024; “Cái giá của hạnh phúc” của Nguyễn Ngọc Lâm đoạt 3 giải thưởng ở các hạng mục “Best Actor in a Indie Film 2024” - ông Đinh công Thoại do Thái Hòa thủ vai, “Best Cinematography 2024”, “Best Original Score 2024” tại LHP quốc tế Milan 2024; “Là mây trên bầu trời của ai đó” của bộ đôi nhà sản xuất Trịnh Tú Trung, đạo diễn Vương Khang đã thắng giải thưởng đặc biệt từ Ban giám khảo (Special Jury Awards) tại LHP châu Á - Thái Bình Dương 2024. Một cái tên khác của điện ảnh Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” cũng đạt giải trong năm nay là phim “Những con voi bên vệ đường” của đạo diễn Đàm Quang Trung giành 2 giải ở hạng mục Phim ngắn Đông Nam Á, gồm giải: Đạo diễn xuất sắc cho Đàm Quang Trung và giải thưởng ARRI Quay phim xuất sắc cho Vũ Hoàng Triều tại LHP quốc tế Singapore (SGIFF) 2024.

Tuy không đạt giải và gây tranh cãi vì không được cấp phép phổ biến tại Việt Nam nhưng bộ phim “Trong lòng đất”(Viet and Nam) của Trương Minh Quý về đề tài đồng tính cũng để lại dấu ấn khi là bộ phim Việt duy nhất lọt vào danh sách các bộ phim tranh giải ở hạng mục Un Certain Regard (nhãn quan độc đáo) tại LHP Cannes danh giá năm nay.

Đạo diễn Dương Diệu Linh (giữa) cùng ê-kíp “Mưa trên cánh bướm” nhận giải thưởng tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế Liên hoan phim Venice 2024.

Đạo diễn Dương Diệu Linh (giữa) cùng ê-kíp “Mưa trên cánh bướm” nhận giải thưởng tại Tuần lễ phê bình phim quốc tế Liên hoan phim Venice 2024.

Bùng nổ doanh thu, nở rộ Liên hoan phim

Cùng với các phim điện ảnh tranh giải quốc tế, điện ảnh Việt Nam năm 2024 còn ghi dấu ấn trong nước với nhiều phim đạt doanh thu “khủng” khi ra rạp: “Mai”, Lật mặt 7”, “Làm giàu với ma”, “Ma da”... Tính đến ngày 1-12-2024, tổng số doanh thu phòng vé được Box Office Vietnam cung cấp đã hơn 4.400 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục 4.100 tỷ đồng của năm 2019- thời điểm trước đại dịch COVID-19. Con số tổng này còn tiếp tục tăng bởi trong tháng 12 có 4 bộ phim ra rạp “Công tử Bạc Liêu”, “Kính vạn hoa” phiên bản điện ảnh, “Chị dâu”...

2024 cũng được xem là năm nở rộ LHP được tổ chức nhiều nhất từ trước đến nay tại Việt Nam. Ngoài LHP quốc tế Hà Nội (HANIFF) được tổ chức từ 2010 và LHP Châu Á quốc tế Đà Nẵng (DANAFF) được tổ chức lần thứ 2, năm 2024, lần đầu tiên TP Hồ Chí Minh tổ chức LHP quốc tế (HIFF). Cùng đó là một loạt LHP khác nhau vào dịp cuối năm như LHP phim Nhật JFF (Japanese Film Festival), LHP châu Âu (EUFF), LHP Đức KinoFest, LHP Hoạt hình Dòng Khát Vọng.

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cùng 3 diễn viên NSND Minh Châu, Hoàng Hà và Lê Thị Hà Phương trên thảm đỏ Liên hoan phim Berlin 2024 (từ trái sang) - Ảnh: LHP Berlin

Đạo diễn Phạm Ngọc Lân cùng 3 diễn viên NSND Minh Châu, Hoàng Hà và Lê Thị Hà Phương trên thảm đỏ Liên hoan phim Berlin 2024 (từ trái sang) - Ảnh: LHP Berlin

Trăn trở vươn tầm

Dẫu đạt thành tích khủng về doanh thu phim chiếu rạp, tên phim Việt Nam được xướng lên tại các LHP quốc tế và khu vực năm 2024 cũng như những năm gần đây có phần nhỉnh hơn trước, nhưng thẳng thắn nhìn nhận thì điện ảnh Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn so với thị trường điện ảnh thế giới. Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ năm 2010 đến nay, điện ảnh Việt Nam đã tham gia gần 150 LHP quốc tế với 330 lượt đầu phim; nhưng nhìn vào số lượng và các hạng mục đạt giải tại các LHP quốc tế, khu vực có thể thấy điện ảnh Việt Nam chỉ đang ở tầm trung. Đặc biệt, tất cả tác phẩm điện ảnh mang yếu tố thị trường, nghệ thuật, đạt doanh thu cao tại Việt Nam được gửi tham dự giải thưởng danh giá Oscar những năm gần đây đều bị đánh giá kịch bản cũ, không có yếu tố mới lạ, cách làm phim thiếu ấn tượng. Ngoài “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng được đề cử tại giải Oscar năm 1993 đến nay, các phim Việt tham dự giải đều không lọt vào vòng đề cử (không tính “Đào, phở và piano” chưa công bố)...

Có thể nói, chưa bao giờ nhiều vấn đề của điện ảnh Việt Nam lại được bàn sâu như năm 2024. Tại các hội thảo điện ảnh diễn ra trong năm, khi đề cập nguyên nhân khiến điện ảnh Việt Nam chưa vươn tầm quốc tế, hầu hết giới chuyên môn đều có “mẫu số chung” khi cho rằng, rào cản chính vẫn là do bản thân nội tại của ngành điện ảnh chưa có nguồn nhân lực đủ tài năng, sức sáng tạo; năng lực quảng bá phim ra quốc tế của các nhà sản xuất còn hạn chế... Theo đánh giá của giới chuyên môn, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng điện ảnh Việt Nam hiện vẫn đang thiếu những sản phẩm bứt phá về mặt nghệ thuật, nội dung lẫn bản sắc dân tộc và khá mờ nhạt thông điệp mang tính toàn cầu. Nhất là cách kể chuyện trong từng tác phẩm chưa thực sự tạo dấu ấn của riêng mình. Nói như đạo diễn gạo cội Ðặng Nhật Minh rằng, điều điện ảnh Việt cần khi hội nhập quốc tế là phải làm sao để người ta xem phim mình nhận ra đấy là con người, văn hóa, tâm hồn Việt Nam đích thực, không lai căng, không bắt chước.

Nhìn từ bộ phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương” của nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm kể về tập tục “cướp vợ” của đồng bào vùng cao Tây Bắc chinh phục được những giám khảo quốc tế khó tính để nằm trong shortlist 15 Phim tài liệu xuất sắc tại giải Oscar lần thứ 95, có thể thấy, cô đã có cách kể chuyện ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, gửi gắm được thông điệp có tính toàn cầu. Nên dẫu ngôn ngữ, văn hóa khác biệt, khán giả quốc tế vẫn cảm nhận, đồng cảm... Nói vậy, để thấy, dẫu hành trình vươn tầm ra thế giới của điện ảnh Việt Nam còn muôn trùng gian khó phía trước, nhưng vẫn có thể vượt qua nếu nội tại ngành điện ảnh thực sự đổi mới sâu sắc. Trong sự chuyển mình đó, tất nhiên, không thể không có trách nhiệm hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước...

KHÁNH YÊN

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/dien-anh-viet-nam-2024-khat-vong-vuon-tam-post308004.html