Điện ảnh Việt Nam - 50 năm một chặng đường
Trong khuôn khổ của Giải thưởng Cánh diều năm 2024, sáng 10-9, tại TP. Nha Trang, Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức hội thảo “Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường”. Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp cho điện ảnh Việt Nam có bước phát triển đột phá gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong kỷ nguyên công nghiệp hóa.
Phim Việt không ngừng đổi mới
Tại hội thảo, đại diện Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) và các nhà nghiên cứu, phê bình điện ảnh đánh giá, sau 50 năm đất nước thống nhất, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thành tựu, đề tài điện ảnh ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng. Sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và thương mại, giải trí là bước tiến đáng kể của phim truyện điện ảnh trên con đường tiếp cận kỹ thuật và nghệ thuật thể hiện tiên tiến, hiện đại của điện ảnh quốc tế. Đặc biệt, nhiều tác phẩm của dòng phim có đề tài về chiến tranh, cách mạng đã in đậm vào lòng công chúng như: Mùa gió chướng, Cánh đồng hoang, Cô gái trên sông, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát, Ai xuôi vạn lý, Hà Nội mùa đông 1946…, gần đây là Đào, phở và piano. Bên cạnh đội ngũ làm phim trong nước, những bộ phim của các đạo diễn Việt kiều cũng làm phong phú thêm cho điện ảnh nước nhà. “Từ năm 1975 đến nay, điện ảnh Việt Nam thống nhất đã trải qua từng giai đoạn phát triển với nhiều sự lột xác, tự làm mới mình. Với nỗ lực, sáng tạo không ngừng của tất cả những nhà hoạt động điện ảnh, cơ quan quản lý nhà nước, với sự hỗ trợ bằng những chính sách kịp thời của Nhà nước, với nền tảng vững chắc là cội nguồn văn hóa dân tộc, tính nhân văn của con người và đất nước Việt Nam, điện ảnh Việt Nam đã có nhiều thành tựu; nhiều tác phẩm, tác giả đã có được sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước, nhận được tình cảm yêu thương, trân trọng của nhiều thế hệ khán giả”, Tiến sĩ, NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá.
Sự phát triển của điện ảnh Việt Nam không chỉ về mặt đề tài, phương thức làm phim, mà còn ở tư duy làm phim, rõ nét nhất là ở dòng phim chiến tranh cách mạng. Càng về sau, những người làm phim đã khắc phục được cách làm phim công thức, đơn giản, sơ lược, một chiều, thay vào đó là những tác phẩm có chiều sâu, thể hiện một tầm nhận thức mới, tư duy mới khi khai thác những khía cạnh mới của chiến tranh nhìn qua số phận con người, nhất là không né tránh sự mất mát, hy sinh. Trong đó, bộ phim Bao giờ cho đến tháng Mười của NSND Đặng Nhật Minh đã được kênh truyền hình nổi tiếng CNN của Mỹ bình chọn là 1 trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại.
Tuy đã có nhiều thành công nhưng tại hội thảo cũng có những nỗi âu lo cho sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương bày tỏ lo ngại khi dòng phim chiến tranh cách mạng đang ngày càng “nhạt” dần, không có dấu ấn rõ nét trong đời sống điện ảnh hôm nay. Đơn cử như ở giải Cánh diều 2024, trong số 18 phim truyện dự giải chỉ có 2 phim về đề tài chiến tranh, cách mạng (Đào, phở và piano; Sao xanh nơi biển sóng). Bà Hồng cho rằng cần phải quan tâm, hỗ trợ dòng phim chiến tranh, cách mạng, bởi làm phim chiến tranh rất khó, đòi hỏi sự đầu tư lớn về kinh phí nên Nhà nước cần có chính sách, cơ chế để thúc đẩy hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân, khuyến khích văn nghệ sĩ nỗ lực theo đuổi đề tài này. Trong khi đó, nhà phê bình điện ảnh Tô Hoàng cho rằng, điện ảnh Việt Nam hiện nay có quá ít tác phẩm bám sát hiện thực đời sống, hình ảnh người lao động trên phim rất mờ nhạt. Nhiều tác phẩm nặng về tính giải trí, chạy theo thị hiếu “tầm thường” của công chúng, rất ít tác phẩm quan tâm khai thác vấn đề khoảng cách giữa giàu nghèo ngày càng giãn rộng, nhân cách, phẩm giá con người ngày càng xuống cấp...
Để điện ảnh Việt Nam vươn ra biển lớn
Tại hội thảo, nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề hội nhập quốc tế của điện ảnh Việt Nam; làm sao để tham gia chuỗi cung ứng điện ảnh toàn cầu. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam đã có những thành công nhất định ở các liên hoan phim quốc tế. Gần nhất có thể kể đến các phim: Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân được trao giải Camera vàng tại Liên hoan phim Cannes; Culi không bao giờ khóc của Phạm Ngọc Lân giành giải phim đầu tay tại Liên hoan phim Berlin (Đức), Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải thưởng “Khinh khí cầu vàng” - giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp)… Phần lớn các tác phẩm trên đều mang tính nhân văn sâu sắc, dàn dựng sáng tạo với sự tìm tòi làm phong phú thêm ngôn ngữ điện ảnh và mang những câu chuyện đặc sắc của đất nước, con người Việt Nam ra thế giới. Tuy nhiên, điện ảnh Việt vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường khẳng định vị thế trên bản đồ điện ảnh thế giới. “Tuy có những bước đi đầy hứa hẹn và ngày càng khởi sắc nhưng điện ảnh Việt chưa thực sự có nhiều đạo diễn có dấu ấn sáng tạo mạnh mẽ đủ sức tạo nên sức hút trên trường quốc tế, dẫn tới việc còn rất ít phim Việt có thể hiện diện, so tài sòng phẳng tại các liên hoan phim quốc tế hàng đầu thế giới… Một số đạo diễn dòng phim độc lập chạy theo thành tích, giải thưởng quốc tế nên đã hướng theo con mắt “người lạ”, chỉ xoáy sâu vào những khiếm khuyết, những mặt tối trong một bức tranh và thổi bùng nó lên như một vấn đề mang tính bản chất của đời sống đương đại...", nhà báo Trần Việt Văn (Báo Lao động) bày tỏ.
Nhiều đại biểu đã chỉ ra những hạn chế của điện ảnh Việt Nam như: Eo hẹp về kinh phí, thiếu chiến lược xúc tiến quảng bá..., nhưng điểm hạn chế lớn nhất điện ảnh Việt Nam cần phải vượt qua đó chính là vấn đề đào tạo con người và sự thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng để điện ảnh Việt Nam phát triển, hội nhập quốc tế là một con đường dài, cần có sự đồng bộ của nhiều giải pháp. Bên cạnh vấn đề nhân lực, cần triển khai đồng bộ về xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” như: Tạo ra không gian sáng tạo cho nghệ sĩ sáng tạo; đầu tư xây dựng trường quay quốc gia có bối cảnh nội, bối cảnh ngoại, bối cảnh dưới nước với trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phục vụ khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại; đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn vốn, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tiếp cận thị trường khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập quốc tế ở lĩnh vực điện ảnh...