Điện ảnh Việt Nam có bước đột phá lớn
Sáng 10-9, tại TP Nha Trang (Khánh Hòa), Hội Điện ảnh Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo 'Điện ảnh Việt Nam từ khi đất nước thống nhất: 50 năm - một chặng đường'.
TS Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: “Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã qua chặng đường dài hơn 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh đã làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng và sự nghiệp đổi mới, mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng, góp phần tích cực xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà".
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Thanh, trong giai đoạn 1975-1988, toàn ngành đã sản xuất được 71 bộ phim truyện (so với 48 phim của giai đoạn 1965-1975), 520 phim tài liệu (so với 217 phim giai đoạn 1965-1975). Tính đến năm 1988, trong vòng 13 năm (1975-1988), điện ảnh Việt Nam đã sản xuất được 220 bộ phim truyện, 650 phim tài liệu và hơn 100 phim hoạt hình. Trong những năm đầu thống nhất, phim về đề tài chiến tranh chiếm tỷ lệ khá cao, gần 100/220 phim của giai đoạn này; chỉ từ năm 1981 trở đi mới giảm dần để khai thác các đề tài khác.
Ông Thanh nhận định: “Phim Việt Nam có những nét đặc trưng rất riêng, trong đó tính chiến đấu và tinh thần dân tộc thể hiện rất rõ. Ngoài yếu tố chủ quan, các yếu tố khách quan đã tác động mạnh mẽ đến hiệu quả thể hiện nghệ thuật của tác phẩm”.
Ngoài những bộ phim mang tính giải trí, hài kịch, gia đình, giai đoạn từ sau 2020, những bộ phim mang tính lịch sử, tái hiện cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của đất nước cũng được phát triển và được công chúng đón nhận như: Đào, phở và piano; Hồng Hà nữ sĩ; Đất rừng phương Nam…
TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VH-TT-DL) cho biết, trong giai đoạn sắp tới, ngành điện ảnh Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp phát triển ngành đã được đề ra. Theo đó, phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý toàn diện cho hoạt động điện ảnh trong nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập tế quốc tế. Triển khai đồng bộ về xây dựng cơ chế chính sách để phát triển công nghiệp điện ảnh dân tộc, nhân văn, hiện đại, thị trường điện Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức các sự kiện điện ảnh và đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến hoạt động điện ảnh, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người, bản sắc văn hóa Việt Nam; xây dựng các chương trình hành động như: Xây dựng thành phố Điện ảnh; Việt Nam - điểm đến của nhà sản xuất phim quốc tế…
Chủ động khai thác những bộ phim có chất lượng, phong phú về thể loại nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt chú trọng phục vụ đồng bào vùng miền núi, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nông thôn, phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại.
Cùng với đó, cấp ngân sách xây dựng hệ thống số hóa kho phim nhựa do Việt Nam sản xuất (từ năm 1945 đến nay) và đồng bộ hệ thống công nghệ lưu trữ quốc gia kỹ thuật số để phổ biến và khai thác rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước trên các nền tảng truyền thông, đặc biệt là nền tảng xem phim trực tuyến, thực hiện hiệu quả mục tiêu "Người Việt xem phim Việt", lan tỏa tinh thần "Người Việt yêu phim Việt".
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dien-anh-viet-nam-co-buoc-dot-pha-lon-post758164.html