Diện bao phủ tăng nhanh, quyền lợi người tham gia BHYT được bảo đảm

Số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đưa ra tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Luật BHYT (2014 - 2019) và xin ý kiến Dự thảo Luật BHYT sửa đổi.

Ngày 13/6/2014, Quốc hội ban hành Luật số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế năm 2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về BHYT và tác động tích cực đến quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, thực hiện Luật BHYT 5 năm qua, số người tham gia BHYT ở nước ta đã không ngừng tăng lên nhanh chóng, hiện tỷ lệ bao phủ đã đạt 90% dân số. Tính riêng từ năm 2015 đến năm 2019, toàn quốc tăng khoảng 15 triệu người tham gia BHYT.

 Sau 5 năm triển khai, thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 71,3% (2014) lên 89,8% (2019). Ảnh minh họa

Sau 5 năm triển khai, thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 71,3% (2014) lên 89,8% (2019). Ảnh minh họa

Theo TS. Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) sau 5 năm triển khai, thực hiện Luật BHYT, tỷ lệ tham gia BHYT đã tăng từ 71,3% (2014) lên 89,8% (2019), vượt chỉ tiêu của Chính phủ giao.

Thống kê cho thấy, số lần khám, chữa bệnh của người có thẻ BHYT tăng dần qua các năm từ năm 2015 (130 triệu lượt khám, chữa bệnh) đến năm 2018 đã có 176 triệu lượt khám, chữa bệnh bằng BHYT. Tỷ lệ lượt khám, chữa bệnh tại các cơ sở tuyến trung ương là 3,5%; tuyến tỉnh 25,8%; tuyến huyện chiếm tỷ lệ cao nhất, 70%, tuyến xã 0,7%. Tuy chỉ chiếm 3,5% số lượt khám, chữa bệnh nhưng chi phí mà quỹ BHYT thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trung ương chiếm hơn 18,9% tổng chi khám, chữa bệnh của quỹ BHYT.

Về quản lý và sử dụng quỹ BHYT, đến ngày 30/11/2019, số thu BHYT ước đạt 84.936 tỷ đồng, chi phí khám, chữa bệnh BHYT ước đạt 95.938 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 3 năm (2016, 2017, 2018), mặc dù quỹ BHYT bị bội chi, nhưng cân đối thu chi của quỹ vẫn có kết dư do số dư từ những năm trước chuyển sang. Đến hết năm 2018, dự kiến quỹ dự phòng BHYT còn khoảng trên 37.000 tỷ đồng.

Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng được cải thiện, nhiều loại thuốc mới, kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại khi đưa vào Việt Nam đều nhanh chóng được quỹ BHYT chi trả, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận thuận lợi, đảm bảo nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia. Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê đến năm 2018, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 37%, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, 5 năm qua, việc thực hiện chính sách BHYT có sự vào cuộc, phối hợp của cả hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương. Cải cách TTHC trong lĩnh vực BHYT được đẩy mạnh, người dân ngày càng thuận lợi do số cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT tăng hàng năm cùng với việc nâng cao chất lượng. Người tham gia cũng được tạo điều kiện trong KCB BHYT ban đầu tại bất kỳ cơ sở y tế tuyến xã trong phạm vi tỉnh và tuyến huyện trong phạm vi toàn quốc. BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động và tích cực cải cách hành chính trong lĩnh vực BHYT như ứng dụng CNTT trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thực tiễn quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong quy định và trong tổ chức thực hiện Luật. Vì vậy, ngày 22/5/2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch số 453/KH-BYT xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật BHYT sửa đổi phù hợp với tình hình mới. Tháng 12/2018, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo để xây dựng dự án Luật BHYT sửa đổi

Về dự thảo Luật BHYT sửa đổi được Bộ Y tế xây dựng có 12 chương, 61 điều. Mục tiêu sửa đổi nhằm: khắc phục các tồn tại, bất hợp lý sau 10 năm thực hiện Luật BHXH; đổi mới chính sách, pháp luật về BHYT trên cơ sở có kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về chính sách BHYT, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, học tập bài học kinh nghiệm về BHYT trên thế giới; đồng bộ với những quy định tại các luật có liên quan.

Theo các chuyên gia, kỳ vọng lớn nhất được đặt ra đối với dự thảo Luật BHYT sửa đổi đó là thực hiện được mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân, mọi người dân đều tham gia BHYT, quỹ BHYT phải đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT để giảm chi tiền túi cho người dân.

Lan Trần

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/kinh-doanh/dien-bao-phu-tang-nhanh-quyen-loi-nguoi-tham-gia-bhyt-duoc-bao-dam-324794.html