Điện Biên cần phấn đấu sớm đạt huyện nông thôn mới
ĐBP - Tiếp tục chương trình giám sát chuyên đề về 'Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020', ngày 24/3, Tổ giám sát số 1 do đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh làm tổ trưởng thực hiện giám sát trên địa bàn huyện Điện Biên.
Đồng chí Lò Văn Muôn, Chủ tịch HĐND tỉnh và thành viên đoàn giám sát kiểm tra đường giao thông nông thôn bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn.
Giám sát tại xã Mường Pồn và kiểm tra một số công trình, dự án NTM trên địa bàn xã, tổ giám sát ghi nhận những kết quả xã đã đạt được như: cơ bản hoàn thành 16/19 tiêu chí; có 4 bản được công nhận bản đạt chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17%. Tuy nhiên xã Mường Pồn vẫn còn một số khó khăn, như: còn 3 tiêu chí (giao thông, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo) chưa đạt; một số chỉ tiêu trong các tiêu chí chưa đạt theo quy định; các giải pháp để đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững, lâu dài còn hạn chế; việc phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân vẫn còn thấp.
Theo báo cáo của UBND huyện Điện Biên, hết năm 2020, có 12 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí bình quân đạt 15,9 tiêu chí/xã. Đến nay huyện có 19 thôn, bản đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu. Thực hiện xây dựng huyện NTM, huyện Điện Biên đã đạt 6/9 tiêu chí của Bộ tiêu chí huyện NTM. Huyện có 12 xã biên giới, đến nay có 4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí; 4 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 2 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và không có xã dưới 5 tiêu chí. Số tiêu chí đạt bình quân 14,25 tiêu chí/xã. Tổng nguồn vốn huy động trong giai đoạn 2016 - 2020 hơn 1.291 tỷ đồng; trong đó vốn huy động người dân và cộng đồng hơn 92,6 tỷ đồng.
Trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM, huyện còn gặp nhiều khó khăn: Hạ tầng kinh tế, tỷ lệ cứng hóa hệ thống giao thông trục thôn, bản, đường ngõ xóm thấp; hệ thống kênh mương cấp 3 phục vụ tưới tiêu chưa được kiên cố chiếm tỷ lệ cao; toàn huyện có 20 thôn, bản chưa có điện; không đạt mục tiêu về xóa nhà ở tạm, nhà dột nát. Với tiêu chí về văn hóa - xã hội, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao; danh hiệu gia đình, thôn, bản đạt chuẩn văn hóa chưa bền vững. Việc nhân rộng các mô hình, dự án phát triển sản xuất hạn chế; các chuỗi liên kết sản xuất chưa bền vững…
Huyện Điện Biên kiến nghị tỉnh sớm có nghị quyết, kế hoạch về Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; xem xét, ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với thực tế địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh đối với các sản phẩm nông nghiệp đã được chứng nhận OCOP; ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng nông thôn của xã Thanh Hưng và các xã trong kế hoạch đạt chuẩn NTM nâng cao và kiểu mẫu.
Thay mặt tổ giám sát, đồng chí Lò Văn Muôn đánh giá cao nỗ lực của huyện Điện Biên trong thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn nhiều tồn tại, bất cập cần làm rõ, như: Việc ban hành Nghị quyết về xây dựng NTM; công tác quản lý quy hoạch nông thôn mới; mức chi cho chi phí thiết kế đường giao thông; công tác quản lý công trình hạ tầng sau đầu tư; việc khắc phục, sửa chữa những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thanh tra, giám sát; định hướng của huyện đối với các sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm hàng hóa; thực hiện chính sách nhà ở cho hộ nghèo, nhiều hộ thuộc đối tượng được vay vốn nhưng không có tên trong danh sách được vay vốn… Đồng chí Lò Văn Muôn đề nghị thời gian tới huyện Điện Biên cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM, đặc biệt phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc; rà soát, đánh giá lại công tác xây dựng NTM nâng cao đối với các thôn, bản. Trong quá trình thực hiện các tiêu chí tránh tình trạng áp dụng cứng nhắc; quyết tâm xây dựng đạt huyện NTM trong nhiệm kỳ này.