Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 1/11
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 1/11/2022.
Anh cảnh báo hậu quả nghiêm trọng nếu Nga dùng vũ khí hạt nhân ở Ukraine: Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về những hậu quả nghiêm trọng nếu sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Trong một tuyên bố trước các nghị sĩ Anh, Ngoại trưởng James Cleverly nhấn mạnh, việc sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, có thể kích nổ một "quả bom tấn” gây ảnh hưởng tới toàn thế giới. Ông cũng nhấn mạnh rằng với Anh và tất cả các đồng minh, bất kỳ hành động sử dụng vũ khí hạt nhân nào cũng sẽ thay đổi bản chất của xung đột, do đó sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.
Mỹ chuẩn bị điều tàu sân bay lớn nhất thế giới đến châu Âu: Nhóm tác chiến tàu sân USS Gerald Ford của Hải quân Mỹ dự kiến sẽ thăm cảng Portsmouth ở miền Nam nước Anh vào giữa tháng 11, theo UK Defense Journal.
Thời điểm chính xác nhóm tác chiến tàu sân bay USS Gerald Ford tới cảng của Anh chưa được tiết lộ. Theo UK Defense Journal, việc công bố thông tin này ở thời điểm hiện tại “có thể không phải là ý tưởng tốt nhất trên quan điểm an ninh”.
Tình báo Ukraine: Nga có thể sớm sử dụng tên lửa đạn đạo Iran để tấn công: Người phát ngôn của cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine, ông Andriy Yusov ngày 31/11 cảnh báo rằng, Nga có thể sớm sử dụng tên lửa đạn đạo do Iran sản xuất để tấn công Ukraine.
Ông Andriy Yusov cho biết: “Nga đang gặp khó khăn do kho dự trữ tên lửa của họ ở mức thấp. Vì thế, họ có thể sẽ sử dụng vũ khí Iran để tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng dân sự của chúng tôi. Đây là điều mà chúng tôi đang tính đến. Ukraine đang chuẩn bị đối phó với mối đe dọa này”.
Trực thăng Nga Ka-52 tránh được 4 quả tên lửa Stinger của đối phương: Bộ Quốc phòng Nga vừa thông báo, một trực thăng tấn công Ka-52 của họ trong quá trình tác chiến ở Ukraine đã đối mặt với 4 quả tên lửa Stinger của đối phương nhưng hệ thống mồi nhiệt của máy bay đã vô hiệu hóa được tên lửa.
Tối 31/10, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin nói rằng Bộ Quốc phòng Nga vừa đăng tải một đoạn video ghi cảnh tác chiến của trực thăng tấn công Cá sấu Ka-52 và Mi-28, trong đó các kíp lái tấn công các cứ điểm và xe thiết giáp của đối phương trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Bộ Quốc phòng Nga dẫn lời Dimitry - một cơ trưởng Ka-52 nói: “Có 4 quả tên lửa Stinger phóng về máy bay của chúng tôi nhưng đều bị đẩy trật hướng khỏi máy bay, trong khi chúng tôi đánh trúng tất cả mục tiêu và trở về an toàn”.
Na Uy - Quốc gia NATO nâng mức cảnh báo quân đội vì xung đột Nga-Ukraine: Thủ tướng Jonas Gahr Store cho biết, Na Uy đang ở trong tình huống an ninh “nghiêm trọng” nhất trong hàng thập kỷ qua.
Na Uy đã nâng mức độ sẵn sàng của các lực lượng vũ trang, cảnh báo rằng Nga có thể “dùng tới các biện pháp khác” trong cuộc xung đột với Ukraine.
Tuyên bố trên được Thủ tướng Jonas Gahr Store đưa ra hôm 31/10. Theo đó, nhà lãnh đạo Na Uy ra lệnh cho các lực lượng vũ trang chuyển từ trạng thái sẵn sàng cấp độ 0, tức là “tình huống bình thường”, sang trang trạng thái sẵn sàng cấp độ 1.
Đường ống Dòng chảy phương Bắc bị xé toạc dài 40m: Tối 31/10, Tổng thống Putin gọi loạt vụ nổ đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc là "hành vi khủng bố". Ông cho biết, hãng Gazprom của Nga đã được phép kiểm tra đường ống này.
Tổng thống Nga Putin đã mô tả với phóng viên về những gì các nhà điều tra của Gazprom chứng kiến sau khi đi kiểm tra các nơi xảy ra nổ trên 2 tuyến đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc ở đáy Biển Baltic.
Tổng thống Putin: Cáo buộc Nga làm nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc là “vô nghĩa”: Ngày 31/10, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, cáo buộc Nga làm nổ đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc là vô nghĩa.
“Ai đó đã cố nghĩ rằng Nga làm nổ đường ống. Thật khó để tưởng tượng điều vô nghĩa này. Ai đó đã nghĩ ra đủ điều vô lý”, Tổng thống Putin nói.
Hành lang ngũ cốc Biển Đen có nguy cơ bị chặn: Các bên gấp rút tìm giải pháp: Trước nguy cơ hành lang ngũ cốc Biển Đen bị Nga phong tỏa, Liên Hợp Quốc và các bên liên quan đang gấp rút tìm giải pháp để khôi phục thỏa thuận.
Một ngày sau khi Nga tuyên bố đình chỉ vô thời hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hôm qua (31/10), Ukraine vẫn quyết tâm tiếp tục vận chuyển các chuyến hàng theo tuyến đã định và cho một số tàu chở ngũ cốc rời cảng.
Nga đóng “hành lang ngũ cốc” trên Biển Đen: Việc đi lại qua hành lang ngũ cốc hiện không thể thực hiện được do Ukraine sử dụng tuyến đường này cho các hoạt động quân sự, Moscow tuyên bố.
Quân đội Nga đã đóng cửa “hành lang ngũ cốc” được sử dụng để vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine qua Biển Đen. Bộ Quốc phòng Nga cho hay Moscow đưa ra quyết định như vậy là do Ukraine đã sử dụng tuyến đường này để tiến hành các cuộc tấn công.
Nga muốn đảm bảo an toàn cho hành lang ngũ cốc: Tổng thống Nga cho rằng, Liên Hợp quốc cần làm việc với Ukraine để đảm bảo an toàn cho hành lang ngũ cốc.
Ngày 31/10, trong cuộc họp báo ở Sochi, Tổng thống Putin tuyên bố, Nga không dừng, mà đình chỉ tham gia thỏa thuận ngũ cốc. Đồng thời, theo ông, Liên Hợp Quốc cần làm việc với Ukraine để họ đảm bảo an toàn cho các tàu di chuyển theo hành lang nhân đạo trên Biển Đen./.