Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 17/4
Dưới đây là một số diễn biến nổi bật liên quan đến tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 17/4/2025.
Đặc phái viên Mỹ tiết lộ 5 vùng lãnh thổ là chìa khóa cho thỏa thuận Nga-Ukraine: Phát biểu với Fox News, ông Witkoff – người đã gặp Tổng thống Putin tại St. Petersburg hôm 11/4 – mô tả cuộc gặp là “mang tính xây dựng” và cho rằng nhà lãnh đạo Nga đã thể hiện mong muốn đạt được “một nền hòa bình lâu dài”, dù phải mất một khoảng thời gian để hai bên đạt được sự đồng thuận.
“Thỏa thuận hòa bình này liên quan đến cái gọi là 5 vùng lãnh thổ, nhưng thực tế nó còn rộng hơn rất nhiều. Tôi nghĩ chúng ta đang tiến gần tới một điều có thể rất quan trọng đối với cả thế giới”, ông Witkoff nói.
Dù không nêu cụ thể tên các vùng, ông Witkoff dường như ám chỉ đến Crimea, bán đảo đã sáp nhập vào Nga năm 2014, cùng các khu vực Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson đã sáp nhập vào Nga năm 2022 sau các cuộc trưng cầu ý dân ở mỗi vùng.
Ukraine tố Nga tấn công thành phố cảng Odesa: Chính quyền Ukraine mới đây cho biết, trong đêm 15/4, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay không người lái nhằm vào thành phố cảng Odesa bên bờ Biển Đen, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhiều tòa nhà dân cư và nhà kho.
Đáng chú ý, vụ tấn công xảy ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thư ký NATO Mark Rutte tới thăm Odesa cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. The Telegraph nhận định rằng, đây là một động thái răn đe từ phía Moscow.

Quân đội Ukraine trên chiến trường. Ảnh: Reuters
Ukraine tập kích Lữ đoàn tên lửa 448 của Nga, trả đũa cuộc tấn công Sumy: Quân đội Ukraine ngày 15/4 cho biết, các lực lượng nước này đã tấn công căn cứ của một lữ đoàn tên lửa Nga, đơn vị được cho là tiến hành cuộc tập kích vào thành phố Sumy của Ukraine cuối tuần qua.
Quân đội Ukraine cho rằng, Lữ đoàn tên lửa 448 của Nga đã tiến hành cuộc tấn công dữ dội vào Sumy. Theo TASS, quân đội Nga đang tiến vào khu vực Sumy của Ukraine đồng thời mở rộng vùng đệm xung quanh các làng Veselovka, Zhuravka và Basovka.
Mổ xẻ nguyên nhân khiến Ukraine mất thêm tiêm kích F-16: Ngày 12/4, Không quân Ukraine xác nhận một tiêm kích F-16 đã bị rơi trong khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tại miền Đông Ukraine. Đây là lần thứ 2 Ukraine mất tiêm kích phương Tây kể từ khi chính thức đưa vào tham chiến hồi tháng 8/2024.
Một kênh Telegram nổi tiếng với các tin tức đáng tin cậy dẫn lời nhân chứng nói rằng: “Có một tên lửa Nga đã bay rất gần một chiếc F-16 trên bầu trời Sumy”. Thông tin này làm dấy lên nghi vấn chiếc máy bay có thể đã bị bắn hạ bằng tên lửa không đối không tầm xa R-37 (RVV-BD) phóng từ Su-35, Su-57 hoặc MiG-31BM của Nga. Tên lửa này có tầm bắn lên tới 300 km nếu được phóng từ độ cao lớn.
Vắng Mỹ, châu Âu có đủ sức giúp Ukraine trụ vững trước cơn bão tấn công của Nga?: Trong bối cảnh thiếu vắng vai trò lãnh đạo từ phía Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu đã chủ động hơn trong nỗ lực hỗ trợ Ukraine những tháng gần đây. Các cuộc thảo luận của châu Âu về lực lượng đảm bảo hậu xung đột là cần thiết song cuộc giao tranh thực sự vẫn đang tiếp diễn và điều cấp bách là phải có kế hoạch ứng phó với việc nguồn viện trợ từ Mỹ sẽ không kéo dài.
Xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc trong khi viện trợ quân sự từ Mỹ đang dần khép lại. Trước tình hình đó, giới quan sát nhận định, để thay thế khoảng trống của Washington, châu Âu cần nhanh chóng triển khai các bước đi chiến lược nhằm giúp Ukraine trụ vững trước cơn bão đang tới gần.
Mỹ tiết lộ động cơ của Nga trong việc chấm dứt xung đột ở Ukraine: Trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra tại Washington ngày 15/4, Nhà Trắng xác nhận rằng một cuộc trao đổi mang tính xây dựng đã diễn ra giữa Mỹ và Nga, trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vẫn tiếp tục được tăng cường. Tuy nhiên, theo chính quyền Mỹ, bất kỳ tiến triển nào hướng tới quan hệ đối tác kinh tế song phương đều phải dựa trên một lệnh ngừng bắn.
“Nga có nhiều động cơ để kết thúc cuộc chiến với Ukraine, một trong số đó có thể là triển vọng về một mối quan hệ kinh tế mới với Mỹ. Nhưng điều kiện tiên quyết là phải có một lệnh ngừng bắn. Tổng thống và đặc phái viên Witkoff đã làm rõ điều này với phía Nga", bà Leavitt nói.
Nga nói Mỹ muốn hòa bình trong khi châu Âu chỉ muốn đối đầu: Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngày 15/4 tuyên bố rằng trong khi Nga và Mỹ đang hợp tác nhằm thúc đẩy hòa bình còn các quốc gia châu Âu lại tiếp tục theo đuổi con đường đối đầu và leo thang xung đột.
“Hiện nay, đang diễn ra một sự phối hợp rất nghiêm túc giữa Nga và Mỹ – và điều này được thực hiện nhân danh hòa bình. Trong bối cảnh đó, các nước châu Âu vẫn kiên quyết tiếp tục cuộc chiến", ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh rằng việc tăng cường hợp tác kinh tế giữa Washington và Moscow có thể mang lại sự ổn định trên toàn cầu.
Nhóm cố vấn của ông Trump bất đồng về cách tiếp cận với Nga: WSJ ngày 15/4 dẫn các nguồn tin giấu tên cho biết, nội bộ nhóm cố vấn cấp cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chia rẽ về việc liệu Nga có thực sự mong muốn giải quyết xung đột Ukraine thông qua con đường hòa bình hay không.
Một nhóm do Ngoại trưởng Marco Rubio và Đặc phái viên về Ukraine Keith Kellogg dẫn đầu đang kêu gọi Tổng thống Trump giữ thái độ thận trọng hơn với Nga. Tuy nhiên, ông Trump lại tỏ ra ủng hộ lập trường của Đặc phái viên Steve Witkoff - người được cho là tin tưởng hơn vào thiện chí của Điện Kremlin.
NATO thừa nhận tiến trình đàm phán hòa bình của Ukraine là không dễ dàng: Ngày 15/4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte cho rằng, nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thúc đẩy ngừng bắn và hòa bình lâu dài tại Ukraine là không dễ dàng. Tuy nhiên, NATO ủng hộ những nỗ lực đàm phán này của Mỹ và sẽ tiếp tục hỗ trợ an ninh cho Ukraine. Ông Rutte cũng lưu ý, chỉ trong ba tháng đầu năm 2025, các quốc gia thành viên NATO đã cam kết phân bổ hơn 20 tỷ euro hỗ trợ an ninh cho Ukraine.