Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 18/3
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 18/3/2023.
Ngoại trưởng Ukraine nói nếu Bakhmut thất thủ, các thành phố khác sẽ nối bước: Việc Nga giành được Bakhmut có thể khiến các thành phố khác đang nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine dễ bị tấn công hơn, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho hay.
Phản ứng của Nga sau khi quốc gia NATO đầu tiên cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine: Quyết định của Ba Lan khi cung cấp cho chính quyền Kiev chiến đấu cơ MiG-29 sẽ không tác động đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga mặc dù điều này có lẽ sẽ gây ra nhiều đau đớn hơn cho người dân Ukraine, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định với báo giới ngày 17/3. Với ông, kế hoạch của Ba Lan nhằm cung cấp tiêm kích MiG-29 cho Ukraine là một bằng chứng nữa cho thấy một số nước NATO, trong đó có Ba Lan "liên quan ngày càng nhiều" vào cuộc xung đột hiện nay.
Nga nắm giữ “chìa khóa” để giành thành trì quan trọng của Ukraine ở Donbass: Quân đội Ukraine triển khai ở Avdeyevka thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng có thể sắp bị quân đội Nga bao vây, ông Yan Gagin, cố vấn Lãnh đạo DPR cho hay ngày 17/3.
"Khả năng cao là Avdeyevka sẽ trở thành một lòng chảo trong những tuần tới bởi các lực lượng của chúng tôi đang tiến vào các khu vực quanh thành phố này", ông Gagin nói. Theo ông, quân đội Nga đã kiếm soát một số khu vực đóng vai trò như "chìa khóa” để giành Avdeyevka trong khi pháo và chiến đấu cơ của Moscow đang tăng cường hoạt động theo hướng này. Nằm ở phía Bắc Donetsk, Avdeyevka có dân số khoảng 30.000 người. Trong cuộc giao tranh ở Donbass, thành phố này là thành trì quan trọng của quân đội Ukraine.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO: Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/3 đã thông qua việc Phần Lan gia nhập NATO sau nhiều tháng trao đổi, song cho biết các cuộc thảo luận với Thụy Điển sẽ tiếp tục.
Mỹ và Israel lo ngại Iran cùng lúc sở hữu tiêm kích Su-35 và “rồng lửa” S-400: Các quan chức Israel cho rằng, khả năng Iran mua các hệ thống tên lửa phòng không S-400 tiên tiến của Nga có thể làm phức tạp thêm nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này.
Nga lên tiếng sau khi Tòa Hình sự quốc tế phát lệnh bắt Tổng thống Putin: Moscow không có nghĩa vụ công nhận "lệnh bắt" Tổng thống Vladimir Putin mà Tòa Hình sự quốc tế (ICC) thông báo ngày 17/3, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay.
"Chúng tôi coi lệnh này là sự xúc phạm và không thể chấp nhận được", ông Peskov nhận định với báo giới khi được hỏi về lệnh bắt nhà lãnh đạo Nga.
"Giống như nhiều quốc gia khác, Nga không công nhận quyền thực thi pháp lý của tòa án này. Theo đó, Liên bang Nga coi bất kỳ tuyên bố chính thức nào của cơ quan trên là không có giá trị và không có hiệu lực về mặt pháp lý".
Anh tìm mua vũ khí mới sau khi chuyển hết pháo tự hành AS90 cho Ukraine: Quân đội Anh đã quyết định thay thế các tổ hợp pháo tự hành AS90 mà trước đó nước này cam kết sẽ viện trợ cho Ukraine, bằng các khẩu pháo tự hành Archer của Thụy Điển, thông tin được truyền thông trích dẫn nguồn tin từ bộ quốc phòng nước này cho biết.
Tổng thống Mỹ lên tiếng về Tòa Hình sự quốc tế trong vụ yêu cầu bắt Tổng thống Nga: Sau khi Tòa Hình sự quốc tế (ICC) phát lệnh bắt Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Biden đã lên tiếng về thẩm quyền của tòa này và bình luận về trát trên của ICC. Tổng thống Mỹ Biden thừa nhận rằng Washington không công nhận Tòa Hình sự quốc tế (ICC) nhưng đồng ý với các tuyên bố của tòa này cho rằng Tổng thống Nga Putin đã "phạm các tội ác chiến tranh" ở Ukraine.
Nga cảnh báo 2 quốc gia cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine: Hôm 17/3, Slovakia đã trở thành quốc gia thứ 2 sau Ba Lan tuyên bố cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine. Cùng với đó, Ba Lan đang tính cách đưa hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ sản xuất tới gần biên giới Nga. Moscow ngay lập tức đưa ra những lời cảnh báo./.