Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 2/5
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 2/5/2025.
Châu Âu lo phải “gánh” Ukraine thay Mỹ: Nếu Mỹ rút khỏi nỗ lực trung gian hòa bình tại Ukraine, châu Âu lo ngại sẽ phải gánh vác vai trò dẫn dắt, cả về mặt viện trợ quân sự lẫn ngoại giao.

Ukraine khai hỏa lựu pháo D30 về phía quân đội Nga gần Toretsk. Ảnh: Reuters
Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản: Mỹ và Ukraine ngày 30/4 đã ký thỏa thuận khoáng sản sau nhiều tháng đàm phán và có thời điểm căng thẳng giữa lãnh đạo hai nước.
Thỏa thuận trên đã được ký bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko. Thỏa thuận này cho phép Mỹ được tiếp cận nguồn đất hiếm và các tài nguyên thiên nhiên khác của Ukraine đồng thời cho phép thành lập một quỹ đầu tư chung cho hoạt động tái thiết Ukraine.
Cái giá thực sự phương Tây phải trả trong cuộc xung đột ở Ukraine: Sự khác biệt trong tầm nhìn an ninh hiện nay của liên minh phương Tây đã vượt xa câu hỏi làm thế nào để kết thúc xung đột ở Ukraine. Nỗi lo ngại Nga đã đưa họ xích lại gần nhau và giờ chính nỗi lo đó lại đang chia rẽ họ.
Nga biến Kharkov thành “trận địa tử thần”: Theo Reuters, cuộc tấn công hàng loạt vào thành phố Kharkov nằm ở phía đông bắc Ukraine là mục tiêu thường xuyên của máy bay không người lái và tên lửa Nga. Thị trưởng Ihor Terekhov cho biết cuộc tấn công gần đây nhất vào hôm 29/4, ghi nhận ít nhất 30 người bị thương.
Mỹ và Ukraine từ tranh cãi nảy lửa tại Phòng Bầu dục đến ký thỏa thuận khoáng sản: Mỹ và Ukraine đã ký thỏa thuận thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine ngày 30/4. Đây là thỏa thuận được mong đợi từ lâu trao cho Washington quyền khai thác khoáng sản đất hiếm của Kiev. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lẽ ra đã ký kết thỏa thuận trong chuyến thăm Washington vào tháng 2/2025 nhưng thỏa thuận đã không được ký khi chuyến thăm này bị cắt ngắn sau cuộc họp gây tranh cãi tại Phòng Bầu dục.
Nga phá hủy khí tài bọc thép, xuyên thủng phòng tuyến Ukraine: Đêm 29/4, các kíp lái xe tăng T-72B3M thuộc nhóm tác chiến Sever của Nga đã tiến hành tấn công các điểm phòng thủ cấp trung đội và phá hủy khí tài bọc thép của lực lượng vũ trang Ukraine ở hướng Kharkov.
Mỹ - Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản, chuyển từ hỗ trợ quân sự sang hỗ trợ kinh tế: Sau 2 tháng trì hoãn, Mỹ và Ukraine hôm qua (30/4) đã ký thỏa thuận khoáng sản, đánh dấu sự chuyển dịch của chính quyền Tổng thống Donald Trump từ hỗ trợ quân sự sang hỗ trợ kinh tế cho quốc gia châu Âu này.
Phản ứng của Nga sau khi Mỹ và Ukraine đạt được thỏa thuận khoáng sản: Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thành công trong việc gây sức ép buộc chính quyền Kiev phải sử dụng tài nguyên khoáng sản quốc gia để thanh toán cho viện trợ quân sự từ Mỹ.
“Ông Trump cuối cùng đã buộc chính quyền Kiev phải dùng tài nguyên khoáng sản để trả cho viện trợ từ Mỹ. Giờ đây, một đất nước đang bên bờ vực biến mất sẽ phải dùng chính tài sản quốc gia của mình để chi trả cho vũ khí", ông Medvedev viết trên Telegram.
Đặc phái viên Mỹ nói Ukraine sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ: Chính quyền Kiev sẵn sàng chấp nhận các nhượng bộ lãnh thổ trên thực tế nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine, dù không muốn công nhận điều đó trên phương diện pháp lý, Đặc phái viên đặc biệt của Tổng thống Mỹ về Ukraine và Nga, ông Keith Kellogg cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Fox News.
“Không phải công nhận về mặt pháp lý vĩnh viễn mà là chấp nhận trên thực tế vì phía Nga hiện đang kiểm soát những vùng đó và họ (Ukraine-ND) đã chấp nhận điều này", ông Kellogg nói. Theo đặc phái viên Mỹ: “Họ hiểu rằng nếu có một lệnh ngừng bắn được thiết lập, đồng nghĩa với việc giữ nguyên hiện trạng kiểm soát lãnh thổ thì đó là điều họ sẵn sàng chấp nhận. Họ đã xác định ranh giới và họ sẵn sàng tiến tới điểm đó".