Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 20/3
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 20/3/2023.
Ukraine tuyên bố phá hủy vũ khí của Nga ở Bakhmut: Lực lượng Biên phòng Lugansk của Ukraine ngày 18/3 đăng tải đoạn video mà họ nói là quay cảnh phá hủy một súng phóng lựu tự động AGS-17 của Nga ở Bakhmut. Nga hiện chưa bình luận về thông tin này.
Canada bắt đầu gửi xe tăng cho Ukraine: Bộ Quốc phòng Canada cuối tuần qua đã bắt đầu gửi xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine. Tất cả 8 xe tăng cùng thiết bị phụ trợ và đạn dược do Canada tài trợ, dự kiến sẽ đến Ukraine trong những tuần tới.
Dấu hiệu quân đội Ukraine tích trữ vũ khí để mở cuộc tấn công ở Zaporozhye: Theo TASS, có dấu hiệu cho thấy quân đội Ukraine đang tích trữ vũ khí và thực hiện trinh sát bằng hỏa lực để chuẩn bi mở một cuộc tấn công quy mô lớn, đồng loạt ở khu vực Zaporozhye.
Vladimir Rogov - chủ tịch phong trào “Chúng tôi sát cánh cùng Nga” nói với hãng tin TASS vào hôm 20/3: Quân đội Ukraine trên thực tế đã ngừng sử dụng đạn chính xác và UAV cảm tử ở khu vực Zaporozhye - đây là dấu hiệu cho thấy họ đang tập trung vũ khí trước khi mở cuộc tấn công lớn trong khu vực.
Mỹ phản đối lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine trong tình hình hiện nay: Theo người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, Washington phản đối bất kỳ sáng kiến hòa bình nào cho Ukraine nếu điều này đạt được trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hôm 19/3, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby, cho biết, Washington kiên quyết phản đối lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine vào thời điểm này, đồng thời coi bất kỳ sáng kiến hòa bình nào trong tình hình hiện nay đều là “không thể chấp nhận được”.
Căng thẳng gia tăng khi Slovakia và Ba Lan cam kết giao máy bay chiến đấu cho Ukraine: Slovakia và Ba Lan xác nhận sẽ chuyển giao máy bay chiến đấu tới Ukraine bất chấp cảnh báo từ Moscow rằng điều này sẽ làm leo thang xung đột vũ trang.
Trong khi Hungary tiếp tục trì hoãn bỏ phiếu về việc mở rộng liên minh quân sự NATO, làm gia tăng căng thẳng trong nhóm Visegrad gồm bốn quốc gia Trung và Đông Âu.
Thủ tướng Slovakia đã xác nhận rằng nước này sẽ chuyển giao 13 máy bay MiG-29 và một phần của hệ thống phòng không cho Ukraine sau một động thái tương tự trước đó của Ba Lan. Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ba Lan cam kết gửi 4 máy bay chiến đấu MiG-29 mà các phi công Ukraine đã được huấn luyện bay.
Nga lên tiếng sau khi Đại sứ Ba Lan nói về khả năng can dự xung đột ở Ukraine: Phản ứng về việc Đại sứ Ba Lan nói nước này “có lẽ tham gia vào xung đột ở Ukraine”, Thượng nghị sĩ cấp cao Nga Alexey Pushkov đã cảnh báo Warsaw về những hậu quả tiềm ẩn cũng như đặt câu hỏi về quyết định chiến đấu với Nga của nước này.
Ba Lan có thể sẽ "tham gia" vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nếu Kiev không thể bảo vệ "độc lập" của mình, Đại sứ Ba Lan tại Pháp Jan Emeryk Rosciszewski cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình LCI.
Ngoại trưởng các nước EU tìm thỏa thuận mua chung vũ khí cho Ukraine: Ngày 20/3, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu nhóm họp tại Bỉ thảo luận về vấn đề mua chung vũ khí hỗ trợ Ukraine.
Phát biểu trước báo giới trước thềm cuộc họp, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrel bày tỏ hy vọng, các bên sẽ đạt được thỏa thuận trong vấn đề này nếu không Liên minh châu Âu sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Mỹ gặp khó khi săn tìm đạn dược trên toàn cầu giúp Ukraine phản công: Trong bối cảnh Ukraine chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân, Mỹ đã tìm cách tiếp cận các quốc gia có kho dự trữ lớn trên thế giới nhằm cung cấp đạn dược cần thiết cho Kiev.
Nhu cầu của Ukraine về các hệ thống pháo trong nhiều tháng qua đã vượt xa dự báo của phương Tây, dẫn đến một cuộc săn lùng toàn cầu để có thêm đạn dược và buộc Mỹ phải tiếp cận kho vũ khí của họ ở nước ngoài để giúp Kiev chuẩn bị cho cuộc phản công vào cuối mùa xuân.
Vì sao Nga không triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine năm 2014?: Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chia sẻ lý do tại sao ông không phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào năm 2014.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Russia 1, Tổng thống Putin nói ông muốn giải quyết những biến động trong khu vực mà không tiến hành một cuộc tấn công.
“Chúng tôi nghĩ rằng có thể giải quyết tình hình một cách hòa bình. Chúng tôi chưa bao giờ lo lắng về bất kỳ cuộc đối đầu nào”, hãng tin TASS dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.
Ngoài ra, Tổng thống Putin cho rằng khả năng quân sự của Nga vào 2022 mạnh hơn so với năm 2014./.