Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 21/6
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 21/6/2022.
Nga nói cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài, tuyên bố không còn tin tưởng phương Tây: Trong một cuộc trả lời phỏng vấn ngày 20/6, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết cuộc khủng hoảng ở Ukraine sẽ là một cuộc xung đột kéo dài và Nga không còn tin tưởng phương Tây nữa.
"Đúng, đây sẽ là một cuộc khủng hoảng kéo dài và chúng tôi sẽ không bao giờ tin tưởng phương Tây nữa", ông Peskov nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với NBC khi được hỏi liệu cuộc xung đột ở Ukraine có kéo dài hay không.
Nga không bảo đảm 2 lính đánh thuê Mỹ thoát án tử hình: Phát ngôn viên điện Kremlin, Dmitry Peskov, hôm 20/6 cho hay phía Nga không bảo đảm được 2 cựu binh Mỹ vừa bị bắt ở Ukraine sẽ không phải đối diện với án tử hình.
Tuyên bố trên được ông Peskov đưa ra trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với NBC News.
Phát ngôn viên Peskov nói với phóng viên thường trú Simmons của NBC News tại Moscow rằng "việc này tùy thuộc vào kết quả điều tra".
Hai lính đánh thuê người Mỹ bị bắt ở Ukraine hiện đang ở Donetsk: Hãng thông tấn Interfax ngày 21/6 dẫn nguồn tin cho biết, 2 lính đánh thuê người Mỹ bị bắt giữ mới đây hiện đang ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng ở miền Đông Ukraine.
Nếu thông tin trên được xác nhận, 2 công dân Mỹ Andy Huynh và Alexander Drueke có thể sẽ bị đưa ra xét xử tại tòa án DPR.
Ukraine cáo buộc Nga tập kết tàu chiến ở Biển Đen, chuẩn bị tấn công tên lửa: Trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 20/6, Cố vấn của Tổng thống Ukraine, ông Oleksiy Arestovych nói rằng Ukraine có nguy cơ hứng chịu cuộc tấn công mới, quy mô lớn của của Nga từ Biển Đen.
“Toàn bộ 6 tàu chiến mang tên lửa hành trình của Nga đang tập trung ở Biển Đen và nhiều khả năng đang chuẩn bị cho một cuộc phóng tên lửa quy mô lớn”, ông Arestovych cho biết.
Tướng Ba Lan: NATO nên ra tối hậu thư cho Nga: Tướng Ba Lan Stanislaw Koziej cho rằng NATO nên chuẩn bị áp dụng “biện pháp bảo vệ chống tên lửa” đối với Ukraine để bảo vệ biên giới và các nguồn cung cấp vũ khí của phương Tây.
Cựu lãnh đạo Cơ quan An ninh Quốc gia Ba Lan, Tướng Stanislaw Koziej, đã kêu gọi NATO đưa ra tối hậu thư cho Nga buộc Moscow ngừng các cuộc tấn công tên lửa ở phía Tây Ukraine gần biên giới NATO hoặc liên minh phải triển khai biện pháp “bảo vệ chống tên lửa” ở Ukraine.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Ba Lan vào tuần trước, ông Koziej nói rằng NATO nên bảo vệ các thiết bị quân sự mà các quốc gia phương Tây đang gửi tới Ukraine.
Các lực lượng Nga đang cố gắng phá hủy số vũ khí này bằng tên lửa tầm xa phóng từ Biển Đen hoặc nhờ sự hỗ trợ của lực lượng không quân chiến lược.
Tiến trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển vẫn “giậm chân tại chỗ”: Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, các cuộc thảo luận giữa nước này với Phần Lan và Thụy Điển về tư cách thành viên NATO sẽ tiếp tục, tuy nhiên chỉ khi các mối quan tâm của họ được giải quyết thì quá trình đàm phán này mới đạt tiến triển.
“Tiến trình của cuộc đàm phán sẽ phụ thuộc vào các bước thực hiện của hai nước. Các nhà chức trách Thụy Điển đã nói với chúng tôi rằng một đạo luật chống khủng bố mới sẽ có hiệu lực vào tháng 7”, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong cuộc họp báo hôm 20/6 khi bình luận về các cuộc đàm phán giữa nước này với Phần Lan và Thụy Điển.
EU gia hạn trừng phạt liên quan việc Nga sáp nhập Krym và Sevastopol: Ngày 20/6, Hội đồng Liên minh châu Âu đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt đối với Nga đến ngày 23 tháng 6 năm 2023 liên quan đến việc nước này sáp nhập bán đảo Krym và thành phố Sevastopol.
Vào tháng 6 năm 2014, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua các biện pháp trừng phạt, nhằm đáp trả việc Nga sáp nhập bán đảo Krym và thành phố Sevastopol. Kể từ đó đến nay, các biện pháp trừng phạt liên quan vấn đề này liên tục được gia hạn, kéo dài.
Nga đe dọa Litva sẽ gặp những hậu quả “nghiêm trọng”: Quan chức an ninh hàng đầu của Nga vừa tuyên bố, Moscow sẽ trả đũa việc “phong tỏa” vận tải đối với khu vực Kaliningrad.
Theo Nikolay Patrushev – người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, đòn trả đũa của Nga sẽ có tác động tiêu cực nghiêm trọng lên các công dân Litva./.