Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 22/7

Dưới đây là một số diễn biến quan trọng liên quan đến tình hình chiến sự ở Ukraine ngày 22/7.

Anh viện trợ lô vũ khí “khủng” cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cho biết, nước này sẽ gửi cho Ukraine vũ khí chống tăng, máy bay không người lái, pháo và hàng chục nghìn viên đạn.

Theo ông Wallace, Ukraine sẽ nhận được hơn 20 khẩu pháo M109 và 26 khẩu L119, cũng như hệ thống radar phản pháo và hơn 50.000 viên đạn cho các hệ thống pháo từ thời Liên Xô. Ngoài ra, Anh cũng sẽ gửi 1.600 vũ khí chống tăng cũng như máy bay không người lái cho Kiev. Lô vũ khí này sẽ được gửi đến Ukraine trong những tuần tới.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Ukraine có thể gây thiệt hại lớn cho lực lượng Nga. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết, Quân đội Ukraine có khả năng đạt được lợi thế trên chiến trường và gây tổn thất lớn cho Nga.

Trong một phát biểu qua video, ông Zelensky cho biết cuộc họp với các chỉ huy cấp cao của Ukraine đã thảo luận về việc cung cấp vũ khí hiện đại, đồng thời tăng cường các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga. “Các lực lượng của chúng tôi có tiềm năng mạnh mẽ để tiến công trên chiến trường và gây ra những tổn thất mới đáng kể cho các lực lượng Nga”, ông nói.

Ukraine ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc với Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc, hãng tin Strana của Ukraine cho biết. Văn bản được Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Alexander Kubrakov, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ký tại Istanbul.

Theo thỏa thuận, Ukraine sẽ kiểm soát các cảng Odessa, Chernomorsk và Yuzhny, nơi tổ chức xuất khẩu ngũ cốc. Ngoài ra, không có tàu nào ngoài các tàu được sử dụng để xuất khẩu ngũ cốc và các sản phẩm lương thực và phân bón liên quan được phép lưu lại các cảng này.

Trước đó, có thông tin cho rằng buổi lễ ký kết thỏa thuận ngũ cốc sẽ diễn ra trong ngày 22/7 tại Istanbul. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu dự kiến đại diện cho Moscow ký thỏa thuận này.

Hungary đề nghị Nga cung cấp thêm 700 triệu m3 khí đốt. Đề xuất được đưa ra nhân chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu ngày càng diễn biến phức tạp.

Theo Ngoại trưởng Szijjarto, mục đích chuyến thăm Nga của ông lần này nhằm đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng an toàn cho Hungary. Ông cho biết, ở Hungary khí đốt đang được bơm một cách có hệ thống vào các kho chứa khí đốt dưới lòng đất, hiện tại đã đạt mức 27,3%, trong khi ở châu Âu tỷ lệ này chỉ là 13%.

Nga tuyên bố phá hủy 4 hệ thống HIMARS ở Ukraine. Từ 5-20/7, đã có 4 xe bệ phóng HIMARS và một xe vận tải kiêm nạp đạn bị phá hủy, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết trong thông báo ngày 22/7.

Cùng ngày, ông Serhiy Leshchenko, cố vấn của Chánh văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết, Ukraine sẽ tiếp tục sử dụng HIMARS để “gây ra nhiều tổn thất cho phía Nga”. “Nga đang cố gắng ngăn chặn nguồn cung cấp vũ khí từ phương Tây và đe dọa các đồng minh của Ukraine bằng sức mạnh hư cấu của các lực lượng vũ trang của Nga”.

Mỹ nói Nga chưa phá hủy được bất kỳ hệ thống HIMARS nào ở Ukraine. Phát biểu trong một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd J. Austin, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley cho biết: "Cho đến nay, những hệ thống này vẫn chưa bị Nga loại bỏ. Họ (Ukraine) đang sử dụng rất hiệu quả chúng cũng như triển khai các vũ khí chính xác để nhắm vào các mục tiêu".

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng khen ngợi việc Ukraine sử dụng các vũ khí trên khi cho rằng: "Ukraine sử dụng HIMARS vô cùng hiệu quả và bạn có thể thấy tác động của nó trên chiến trường".

Belarus có thể công nhận độc lập các vùng ly khai của Ukraine nếu cần thiết, Tổng thống Alexander Lukashenko cho biết, khi trả lời phỏng vấn AFP.

Theo Tổng thống Lukashenko, việc chưa chính thức công nhận độc lập các vùng ly khai Ukraine không cản trở Minsk hỗ trợ các vùng này. “Hiện vẫn chưa cần thiết phải làm như vậy. Tuy nhiên, nếu Crimea, Lugansk, Donetsk cần thực phẩm hay các vật liệu xây dựng, chúng tôi sẽ giúp họ. Chúng tôi sẽ công nhận nếu cần thiết. Nhưng có gì khác biệt nếu tôi công khai công nhận họ? Việc hợp tác với Crimea, Lugansk và Donetsk có nghĩa là chúng tôi đã công nhận các vùng này trên thực tế. Tôi sẽ công nhận các vùng này bằng một sắc lệnh tổng thống, nếu cần thiết”.

Tổng thống Belarus cảnh báo "vực thẳm hạt nhân" nếu cuộc chiến ở Ukraine kéo dài. Tổng thống Lukashenko cho rằng Ukraine có thể chấm dứt xung đột bằng cách bắt đầu các cuộc đàm phán với Nga và chấp nhận các yêu cầu của Moscow.

“Chúng ta phải dừng lại, đạt được thỏa thuận, chấm dứt tình trạng lộn xộn và cuộc chiến ở Ukraine. Hãy dừng lại và chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp tục tồn tại. Không cần phải đi xa hơn. Xa hơn sẽ là vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Chúng ta không cần phải đi đến đó”, ông Lukashenko nói với AFP.

Tình báo Anh nói Nga sắp cạn kiệt nguồn lực ở Ukraine. Người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) ông Richard Moore cho rằng Nga đang chật vật duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine và do vậy, Ukraine sẽ có cơ hội phản công.

Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen, ông Moore cho rằng những gì mà Nga gặt hái được trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine là “rất nhỏ” và rằng Nga “sắp cạn kiệt nguồn lực”.

Một nửa số điệp viên Nga ở châu Âu bị trục xuất kể từ xung đột Ukraine, người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6) ông Richard Moore cho hay.

Theo ông Moore nói rằng việc trục xuất khoảng 400 nhà ngoại giao Nga khỏi các nước ở phần lục địa của châu Âu, bao gồm cả Pháp và Đức, đã làm giảm đáng kể năng lực thu thập tình báo của điện Kremlin.

Nga thêm 5 nước vào danh sách các quốc gia không thân thiện. Sputnik dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí của chính phủ Nga ngày 22/7 cho biết, Nga đã mở rộng danh sách các nước không thân thiện thêm 5 quốc gia, bao gồm Hy Lạp, Đan Mạch, Slovenia, Croatia và Slovakia.

Danh sách cũng chỉ ra số lượng cá nhân trên lãnh thổ Nga mà cơ quan đại diện ngoại giao của các nước không thân thiện và cơ quan lãnh sự của họ có thể ký hợp đồng lao động. Theo đó, Hy Lạp có 34 người, Đan Mạch 20 người và Slovakia 16 người. Slovenia và Croatia sẽ không thể thuê nhân viên trong các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của họ.

Nga bổ sung 39 người Australia vào danh sách cấm vận, trong đó có nhiều người làm việc trong các cơ quan hành pháp và an ninh của nước này. Đây là những người có liên quan đến việc thực thi pháp luật, lực lượng an ninh tại cửa khẩu, các nhà thầu, các nhân viên làm việc trong Bộ Nội vụ, trong các cơ quan thực thi pháp luật tại các bang và vùng lãnh thổ của Australia.

Tuyên bố của phía Nga cho biết, sở dĩ Nga đưa thêm 39 công dân Australia vào danh sách trừng phạt vì “chính quyền Australia vẫn tiếp tục đánh vào tình cảm của những người dân Nga và theo đuổi việc mở rộng biện pháp trừng phạt” nên Nga “có quyền thực hiện các biện pháp đối phó”. Tuyên bố của Nga cũng để ngỏ khả năng nước này sẽ tiếp tục mở rộng danh sách trừng phạt.

Hoàng Phạm/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dien-bien-chinh-tinh-hinh-chien-su-nga-ukraine-ngay-227-post958458.vov