Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 4/3
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 4/3/2024.
Nga chiếm hàng loạt vị trí có lợi ở khu vực Avdiivka, phá hủy xe tăng Ukraine: Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/3 thông báo, các lực lượng vũ trang Nga tiếp tục chiếm các vị trí có lợi ở khu vực Avdiivka sau khi chiếm được thị trấn chiến lược này.
Bộ này cho biết: "Trên hướng Avdiivka, nhóm tác chiến Trung tâm của Nga tiếp tục chiếm lĩnh thêm các tuyến và vị trí có lợi, đánh bại các binh sĩ và vô hiệu hóa các thiết bị thuộc Lữ đoàn phòng thủ lãnh thổ số 107 của Ukraine gần Tonenkoye thuộc "Cộng hòa nhân dân Donetsk"."
Vẫn theo Bộ Quốc phòng Nga: "8 cuộc phản kích của các nhóm tấn công thuộc các lữ đoàn cơ giới 24, xung kích số 3 và không vận số 25 đã bị đẩy lui gần Petrovskoye, Leninskoye và Orlovka thuộc Donetsk".
Ukraine sử dụng 38 UAV tập kích bán đảo Crimea: Theo Bộ Quốc phòng Nga, phòng không nước này đã đánh chặn 38 UAV của Ukraine trong cuộc tập kích vào bán đảo Crimea rạng sáng 3/3.
Reuters dẫn lại thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ, Ukraine đã tiến hành một cuộc tập kích quy mô lớn bằng máy bay không người lái (UAV) vào bán đảo Crimea, rạng sáng 3/3 (theo giờ địa phương). Phòng không Nga đã đánh chặn được ít nhất 38 UAV Ukraine trong cuộc tấn công.
Theo nhiều nhân chứng, họ nghe thấy một số tiếng nổ từ thành phố cảng Feodosia trên bán đảo Crimea. Cùng thời điểm với cuộc tấn công, giao thông đường bộ gần Feodosia cũng bị hạn chế.
Tướng Mỹ thừa nhận kho vũ khí hạt nhân Nga lớn nhất và đa dạng nhất thế giới: Kho vũ khí hạt nhân của Nga được chính Tư lệnh Bộ chỉ huy Chiến lược của Mỹ thừa nhận là vượt trội kho của Mỹ cả về số lượng và chủng loại, tạo ra thách thức lớn cho thế thống trị quân sự của Mỹ.
Tướng không quân Mỹ Anthony Cotton mới đây phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ rằngNga sở hữu kho vũ khí hạt nhân vượt trội so với Mỹ và đang tích cực hiện đại hóa kho vũ khí này.
Vụ rò rỉ ghi âm về tấn công cầu Crimea có nguy cơ gia tăng rạn nứt trong NATO: Nhật báo Phố Wall (WSJ) cho rằng vụ rò rỉ đoạn ghi âm về kế hoạch quân đội Đức giúp Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công cầu Crimea có thể khắc sâu rạn nứt giữa Berlin và các đồng minh NATO.
Trước đó, hôm 1/3, Tổng biên tập Đài truyền hình RT (Nga) Margarita Simonyan công bố bản ghi cuộc trò chuyện được cho là giữa một số sĩ quan cấp cao của không quân Đức. Bà Simonyan tuyên bố, đoạn ghi âm do các quan chức an ninh Nga cung cấp. Trong bản ghi âm này, các quan chức Đức tranh luận về việc có nên gửi cho Ukraine tên lửa tầm xa Taurus hay không và bàn luận cách phủ nhận nếu Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công cầu Crimea chiến lược.
Nga cảnh báo Đức đanh thép về kế hoạch "tấn công Crimea": Phó đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Dmitry Polyansky ngày 2/3 tuyên bố, bằng chứng có chủ đích về việc quân đội Đức được cho là lên kế hoạch phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự đã cho thấy sự tương đồng với quá khứ đen tối thời Thế chiến hai của nước này.
"Đây hoàn toàn là một sự xấu hổ và mất mặt đối với nước Đức", ông Polyansky viết trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter).
Tuyên bố của nhà ngoại giao Nga được đưa ra sau khi tổng biên tập kênh RT của Nga, bà Margarita Simonyan, công bố đoạn ghi âm dài 38 phút chứa nội dung được cho là cuộc thảo luận giữa các sĩ quan Đức về việc tấn công Crimea.
Nga lên tiếng về "tối hậu thư" của Ukraine, Trung Quốc thúc đẩy hòa đàm: Sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin và Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Li Hui, Bộ Ngoại giao Nga hôm 3/3 tuyên bố các giải pháp chính trị và ngoại giao về Ukraine sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Moscow.
Ông Hui đã gặp ông Galuzin trong chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc tới châu Âu nhằm thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Hui dự kiến cũng đến thăm Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và trụ sở chính của EU tại Brussels.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, các bên đã nhất trí rằng "các thỏa thuận sẽ không đạt được nếu không có sự tham gia của Moscow và xem xét lợi ích của Nga trong lĩnh vực an ninh".
"Các tối hậu thư của Kiev và phương Tây đặt ra cho Nga và các "hình thức đối thoại" liên quan đến các tối hậu thư đó chỉ gây tổn hại đến triển vọng của thỏa thuận và không thể coi là nền tảng của thỏa thuận", Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Quốc hội Hungary chính thức phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO: Hôm 2/3, Quốc hội Hungary đã chính thức phê chuẩn việc Thụy Điển gia nhập NATO và chuyển dự luật này tới văn phòng Tổng thống Hungary để ban hành trong những ngày tới.
Các nhà lập pháp Hungary đã chính thức chấp thuận việc gia nhập NATO của Thụy Điển, xóa bỏ rào cản cuối cùng cho một bước đi lịch sử của quốc gia Bắc Âu này. Động thái của Hungary đã diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tới Budapest đã chấm dứt nhiều tháng trì hoãn việc Thụy Điển gia nhập NATO.
Trước đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh NATO để Thụy Điển gia nhập liên minh. Dự kiến, sau khi được phê chuẩn, dự luật này sẽ được Tổng thống Hungary ký ban hành trong 5 ngày tới.