Diễn biến chính tình hình chiến sự Nga - Ukraine ngày 8/6
Dưới đây là những diễn biến chính đáng lưu ý trong tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine ngày 8/6/2023.
Ukraine nói đạt được bước tiến ở Bakhmut, phủ nhận phản công quy mô lớn: Ngày 7/6, quân đội Ukraine cho biết, họ đã tiến thêm 1.100m tới gần phía Đông thành phố Bakhmut trong 24 giờ qua, đồng thời tuyên bố đây là bước tiến đầu tiên kể từ khi Nga nói rằng Ukraine đã bắt đầu phản công.
“Chúng tôi đã tiến thêm từ 200m đến 1.100m ở nhiều khu vực khác nhau trên tiền tuyến theo hướng Bakhmut trong ngày hôm qua”, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar viết trên Telegram hôm 7/6.
Theo bà Maliar, quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc tấn công trong khu vực Bakhmut trong nhiều ngày và quân đội Nga đang ở thế phòng thủ nhằm giữ vững các vị trí của họ.
Ông Patrushev: Nga muốn thay thế chế độ chính trị ở Ukraine: Lãnh đạo Hội đồng An ninh Nga, Patrushev, vừa khẳng định Nga muốn thay thế chế độ chính trị ở Ukraine. Theo ông Patrushev, Mỹ và Anh đứng đằng sau chính quyền Kiev.
Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev vừa tuyên bố, không có chiến tranh giữa dân tộc Nga và dân tộc Ukraine mà chỉ có việc Mỹ sử dụng Ukraine làm công cụ để phát động cuộc chiến chống lại Nga mà không hề tuyên chiến.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Belarus Alexander Volfovich vào ngày 7/6, ông Patrushev khẳng định rằng cần phải thay thế chế độ chính trị hiện nay tại Kiev mà theo ông là do Mỹ và Anh thiết lập nên. Thư ký Hội đồng An ninh Nga cho rằng cần phải trung lập hóa nhà nước Ukraine.
Nga tăng tốc sản xuất hệ thống phòng không hiện đại: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 7/6 đã yêu cầu tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey đẩy nhanh tốc độ vận hành các cơ sở sản xuất mới để sản xuất các hệ thống phòng không hiện đại cho quân đội.
Trong chuyến thăm các nhà máy sản xuất tên lửa sử dụng trong các hệ thống phòng không, Bộ trưởng Shoigu cho biết, hiện nay nhu cầu về các sản phẩm do tập đoàn Almaz-Antey sản xuất đang rất cao, chúng cũng đã chứng minh được hiệu quả trong khu vực chiến dịch quân sự đặc biệt.
Tổng thống Belarus: Nga đáng lẽ phải mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" sớm hơn: Mới đây Tổng thống Belarus Lukashenko tuyên bố rằng xung đột Nga - Ukraine sớm muộn gì cũng xảy ra và Moscow lẽ ra nên phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" của mình vào các năm 2014-2015 khi Ukraine "chưa có cả quân đội và quyết tâm".
Nhà lãnh đạo Lukashenko nói rằng "sai lầm duy nhất" của Minsk và Moscow là đã không giải quyết khủng hoảng Ukraine sớm hơn.
Nga tuyên bố thu giữ vũ khí cực hiếm của Ukraine: Quân đội Nga ngày 7/6 cho biết, các lực lượng nước này đã thu giữ một loại vũ khí cực hiếm và có giá trị của Ukraine trong cuộc giao tranh gần làng Novaya Tavolzhanka ở vùng Belgorod.
Vũ khí thu được là máy bay không người lái trinh sát PD-100 Black Hornet Nano do Anh sản xuất. Giao tranh diễn ra sau khi lực lượng đặc nhiệm Nga tiến hành cuộc phục kích nhằm vào tiểu đoàn Kraken của Ukraine, trang tin Avia.pro cho biết.
Cảnh báo hậu quả thảm khốc do vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka: Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm qua (7/6) cảnh báo nguy cơ thảm họa nhân đạo và môi trường quy mô lớn do vụ vỡ đập nhà máy thủy điện Kakhovka xảy ra trước đó một ngày ở khu vực Kherson.
Phát biểu đưa ra tại cuộc diện đàm giữa Nhà lãnh đạo Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Tayip Erdogan. Trong khi đó, các chuyên gia cũng đã đưa ra nhiều đánh giá về hậu quả của vụ vỡ đập này.
Tình trạng nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sau vụ vỡ đập Kakhovka: Thống đốc Vùng Zaporizhzhia, ông Yuri Malashko cho hay, tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia hiện vẫn ổn định sau vụ vỡ đập Kakhovka – nơi cung cấp nước làm mát cho nhà máy này.
Theo ông Malashko, nhà máy hiện vẫn ở trong tình trạng ổn định, mức độ phóng xạ trong và xung quanh cơ sở này vẫn trong phạm vi bình thường. Một số máy phát điện đang được sửa chữa và một số máy hiện không hoạt động. Mực nước trong bể làm mát ở mức 16,6 mét, cũng nằm trong phạm vi bình thương.
EU sẽ “hết tiền” dành cho hỗ trợ Ukraine vào năm 2024?: Trong buổi trình bày dự thảo ngân sách Liên minh châu Âu (EU) năm 2024, Ủy ban châu Âu hôm qua tuyên bố ngân sách dành cho việc hỗ trợ Ukraine đã cạn kiệt và khối này cần phải tìm kiếm các lựa chọn mới để tiếp tục.
Tại buổi họp, Ủy ban châu ÂU cũng đã ấn định mức chi tiêu trong năm tới là 189,3 tỷ euro (năm 2023 là 186,6 tỷ euro) và 113 tỷ euro thanh toán trợ cấp theo chương trình phục hồi đại dịch ”. Ngân sách hướng đến sáu ưu tiên: thỏa thuận xanh, số hóa, nền kinh tế cho tất cả mọi người, thúc đẩy lối sống châu Âu, các cam kết quốc tế và dân chủ./.