Diễn biến dịch COVID-19 đáng lo ngại tại Brazil và các nước Mỹ Latinh

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực châu Mỹ, ngày 9/6, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Paulo Guedes cho biết chính phủ nước này sẽ gia hạn khoản viện trợ kinh tế dành cho người lao động phi chính thức bị ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 thêm hai tháng nữa.

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện tại Breves, bang Para , Brazil, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 tới bệnh viện tại Breves, bang Para , Brazil, ngày 8/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Chính phủ Brazil đã đưa ra chương trình hỗ trợ khẩn cấp về tài chính dành cho những lao động phổ thông ở nước này rơi vào cảnh thất nghiệp do tác động từ đại dịch COVID-19. Trung bình mỗi người lao động sẽ được trợ cấp 600 real (khoảng 120 USD)/mỗi tháng từ tháng 4-6/2020.

Theo Bộ trưởng Guedes, một điểm khác của chương trình trợ cấp trong thời gian kéo dài gia hạn đó là trợ cấp hằng tháng cho người lao động sẽ được trả làm 2 đợt thay vì một đợt như chương trình cũ. Theo đó, mỗi người lao động sẽ nhận được hỗ trợ trị giá 300 real (khoảng 60 USD) cho mỗi đợt. Ngoài ra, Chính phủ Brazil cũng sẽ lên kế hoạch thống nhất cơ sở dữ liệu của 38 triệu người lao động nước này được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ khẩn cấp trên với các chương trình an sinh xã hội khác.

Cùng ngày, Tòa án tối cao Tối cao Liên bang (STF) của Brazil đã ra phán quyết buộc Bộ Y tế nước này phải nối lại việc công bố hằng ngày toàn bộ số liệu liên quan tới đại dịch COVID-19. Quyết định trên được STF đưa ra sau khi nhận được yêu cầu xem xét từ một số đảng đối lập liên quan tới những thay đổi về cách thống kê và công bố số lượng ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 mà chính phủ nước này áp dụng từ hôm 4/6.

Phán quyết của STF cho rằng Bộ Y tế cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp thống kê hiệu quả đã được quốc tế thừa nhận và áp dụng, trong đó có quy trình thu thập, phân tích và công bố các dữ liệu dịch tễ nổi bật và cần thiết cho các kế hoạch của cơ quan nhà nước, cũng như giúp dân chúng tiếp cận thông tin một cách minh bạch.

Trước những chỉ trích gay gắt của dư luận trong nước trong những ngày qua liên quan tới việc thông tin về tình hình dịch bệnh, Chính phủ Brazil đã buộc phải quay trở lại cách công bố số liệu dịch bệnh như trước đây, trong đó bao gồm việc thông tin tổng số ca nhiễm bệnh, số ca nhiễm mới và công bố vào 20h tối hằng ngày. Theo thống kê cập nhật, hiện Brazil đã ghi nhận 707.402 ca mắc COVID-19 và 37.134 trường hợp tử vong, tăng tương ứng trong 24 giờ qua là 15.654 ca nhiễm mới và 679 người tử vong.

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại Lima, Peru, ngày 11/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 tại Lima, Peru, ngày 11/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, tại Peru, quốc gia có số ca mắc COVID-19 xếp ngay sau Brazil và nhiều thứ 2 tại khu vực Nam Mỹ, ngày 9/6, cho biết số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 203.736 người, trong đó có 5.738 ca tử vong, tăng tương ứng 4.040 ca nhiễm bệnh và 167 ca tử vong trong 24 giờ qua. Hiện Chính phủ Peru đang nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 với việc tuyên bố kéo dài lệnh giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc tới ngày 30/6 và gia hạn tình trạng khẩn cấp y tế đến ngày 7/9 để đảm bảo tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch.

Một quốc gia Nam Mỹ khác là Argentina cũng thông báo ghi nhận thêm 1.141 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 24.761 ca, trong đó có 717 ca tử vong, tăng 24 ca so với trước đó 24 giờ. Theo Bộ Y tế nước này, các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Argentina vẫn tập trung chủ yếu tại thủ đô Buenos Aires và các khu đô thị vành đai, nơi tập trung khoảng 13 triệu người sinh sống.

Chỉ tính riêng tại thủ đô Buenos Aires đã ghi nhận 11.965 ca nhiễm, tăng 535 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, trong khi tỉnh Buenos Aires cũng xác nhận thêm 545 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm tại tỉnh này lên 9.590 ca. Các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Argentina chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm trước đó. Cụ thể 41,4% ca nhiễm là do tiếp xúc gần với người bệnh, 38% nhiễm từ cộng đồng, 4% là từ nước ngoài về trong khi số còn lại chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Tại Haiti, chính phủ nước này ngày 9/6 xác nhận ông Emmanuel Cantave, Quốc vụ khanh phụ trách Các vấn đề xã hội, đã qua đời do nhiễm virus SARS-CoV-2. Ông Cantave là quan chức cao cấp nhất tại Haiti nói riêng và vùng Caribe nói chung tử vong vì mắc COVID-19. Theo số liệu do nhật báo Le Nouvelliste công bố, tới ngày 9/6 Haiti ghi nhận 3538 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 54 ca tử vong

Tại khu vực Bắc Mỹ, ngày 9/6, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca mắc COVID-19 đã tăng thêm 4.199 người, nâng tổng số ca bệnh lên 124.301 người, trong đó có 14.649 ca tử vong, và 50.677 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Theo Bộ Y tế nước này, ngoài các ca tử vong trong nước, 1.268 ca tử vong là người Mexico được ghi nhận ở nước ngoài, trong đó chủ yếu tập trung tại Mỹ. Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 có thể lên đến 35.000 người. Hiện Mexico đã tiến hành 357.055 xét nghiệm.

Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với tổng số ca nhiễm và tử vong tính đến ngày 9/6 lần lượt là 1.973.803 và 111.751 ca, sau khi ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới và 819 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Mặc dù số ca tử vong có tăng so với trước đó 1 ngày hơn 100 ca (ngày 8/6 Mỹ ghi nhận 689 ca tử vong-mức thấp nhất trong vòng 1 tuần qua) song Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca tử vong dưới 1.000 ca trong vòng 2 tuần. Trước đó, vào trung tuần tháng 4, số ca tử vong mỗi ngày tại nước này xấp xỉ 3.000 ca.

Cùng ngày, Bộ quốc phòng Mỹ cho biết, nhiều thành viên trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ được triển khai tới thủ đô Washington để tuần tra và ngăn chặn các cuộc biểu tình bạo lực gần đây đã bị phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, Bộ này không tiết lộ chính xác có bao nhiêu thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Mỹ bị nhiễm.

Cũng tại Mỹ, theo kênh truyền hình CNN của nước này, có ít nhất 28 bang tại Mỹ không tuân thủ các hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về báo các các trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 mới. Theo đó, các bang đã không báo cáo các trường hợp có khả năng nhiễm bệnh. Một số các bang có dân số lớn được kênh truyền hình CNN nêu tên không tuân thủ hướng dẫn của CDC gồm California, Florida, New York và Texas. Việc nhiều bang không tuân thủ hướng dẫn của CDC trong việc báo cáo các trường hợp mới sẽ gây khó khăn chính quyền trong việc đưa ra quyết định về việc nới lỏng các hạn chế xã hội cũng như cách thức mở của lại nền kinh tế.

Tại khu vực Trung Mỹ, số ca mắc COVID-19 tiếp tục gia tăng trong tuần qua khi nhiều quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp cách ly và từng bước mở của lại nền kinh tế. Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã ghi nhận 35.372 ca bệnh, trong đó có 996 ca tử vong, tăng tương ứng 1.119 ca nhiễm bệnh và 28 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua.

Ngọc Tùng-Hoài Nam-Lê Hà-Việt Hùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/dien-bien-dich-covid19-dang-lo-ngai-tai-brazil-va-cac-nuoc-my-latinh-20200610112520373.htm