Diễn biến dịch ngày 30/5: Bắc Giang sẽ tiêm vắc xin cho hơn 16 vạn người
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 năm 2021, theo đó, hơn 16 vạn người sẽ được tiêm chủng,
COVID 30/5
4 giờ trước
Trực tiếp Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
30/05/2021 07:03
TS. Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc (Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư) khuyến cáo người đã được tiêm vắc-xin COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vắc-xin vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác, đặc biệt là biện pháp 5K.
Theo TS. Thái, vắc-xin không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp.
Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vắc-xin mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vắc-xin.
Ngoài ra, vắc-xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc-xin có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
30/05/2021 07:04
Sáng 30/5 có 52 ca mắc mới COVID-19
Sáng 30/5, Bộ Y tế cho biết có 52 ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trong nước. Như vậy hiện Việt Nam có tổng cộng 5.406 ca ghi nhận trong nước và 1.502 ca nhập cảnh.
30/05/2021 07:08
Phát hiện 4/32 bệnh phẩm mang đột biến gien
Bộ Y tế cho biết, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư qua giải trình gien các mẫu bệnh phẩm COVID-19 đã phát hiện đột biến gien trong 4/32 mẫu bệnh phẩm.
GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết:“Chúng tôi phát hiện có đột biến mất Y144 trên protein S của virus B.1.167.2 (lần đầu phát hiện tại Ấn Độ). Đột biến này giống đột biến phát hiện trên biến thể B.1.1.7 (lần đầu phát hiện tại Anh)”.
Theo GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, dữ liệu B.1.167.2 trên GISAID hiện tại chưa ghi nhận đột biến mất Y144, nên đột biến này vẫn cần theo dõi và nghiên cứu thêm. GISAID là bản đồ cập nhật kết quả giải trình tự gien SARS-CoV-2, được các nhà học học trên toàn cầu cập nhật liên tục. Bản đồ này được các nhà khoa học tại các quốc gia cùng tham khảo, theo sát sự biến đổi của SARS-CoV-2.
30/05/2021 07:11
'Lá chắn' bảo vệ người dân phòng dịch
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, bắt đầu từ 0 giờ ngày 30/5/2021, thành phố sẽ kích hoạt hệ thống kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại 5 điểm vào thành phố, gồm: khu vực Siêu thị Go (Big C cũ) đường vào KDC Hưng Phú - quận Cái Răng; Tuyến Phạm Hùng - Ba Láng; Đoạn Quốc lộ 91 (nhịp dẫn Cầu Vàm Cống) quận Thốt Nốt; Đoạn đường tỉnh 919, huyện Vĩnh Thạnh (hướng Kiên Giang) và khu vực Bến phà Phong Hòa (quận Ô Môn).
Chị Lư Thị Ngọc Anh, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn Cần Thơ cho biết, Thành đoàn huy động nhanh, trước mắt là 500 lực lượng, sau đó sẽ lên 2.000 người tham gia tình nguyện viên. Tại các chốt trực, tình nguyện viên sẽ phối hợp với các ngành chức năng công an, quân đội, y tế để lấy thông tin dịch tễ, đo thân nhiệt và hướng dẫn người dân cài phần mềm bluezone từ các nơi vào thành phố Cần Thơ.
30/05/2021 07:14
Bắc Giang đề nghị hỗ trợ 500 tỷ đồng chống dịch
Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, từ ngày 7/5 đến ngày 29/5, tỉnh Bắc Giang có 3 ổ dịch, với 2.025 trường hợp F0, có 15.836 trường hợp F1 và 65.850 trường hợp F2. Tỉnh Bắc Giang đánh giá, đợt dịch này nguy hiểm, virus chủng của Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao và lan nhanh.
Dịch xảy ra trong khu công nghiệp nên kiểm soát khó khăn do có mật độ công nhân tập trung lớn, làm việc trong môi trường yếm khí, di chuyển rộng. Số ca mắc COVID - 19 chủ yếu là công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung và Quang Châu. Hiện có 131 trường hợp F0 là người thân tiếp xúc gần với công nhân mắc COVID- 19 và cán bộ y tế làm nhiệm vụ tại các cơ sở y tế điều trị bệnh nhân.
Tỉnh Bắc Giang dự báo, những ngày tới, số lượng F0 tiếp tục tăng do hiện nay đang tập trung xét nghiệm lần 3 và lần 4 tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao. Qua test nhanh, số lượng công nhân bị phơi nhiễm cao. Song các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế. Các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng cũng ở trong khu cách ly, phong tỏa.
Theo ông Thái, nhu cầu kinh phí phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang rất lớn, ngân sách địa phương không đáp ứng được. Tổng nhu cầu kinh phí khoảng 666 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 500 tỷ đồng phục vụ phòng chống dịch.
Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị y tế, kỹ thuật, nhân lực để vận hành hoạt động đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng tại tỉnh.
Tỉnh đề nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Quân đoàn 2 hỗ trợ tiếp nhận toàn bộ công nhân của 2 cơ sở cách ly (2.300 người) tại tỉnh về cách ly tại Trường Quân sự tỉnh và doanh trại của Quân đoàn. Đồng thời, đề nghị Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng cho tỉnh Bắc Giang để quản lý cơ sở cách ly tập trung.
30/05/2021 07:31
30/05/2021 09:03
BV Bệnh Nhiệt đới TƯ yêu cầu Sở Y tế các tỉnh bố trí xe đưa BN mắc COVID-19 đã khỏi bệnh về địa phương
Theo Sở Y tế Hưng Yên, nhận được văn bản của Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương về việc thông báo bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh ra viện về nơi cư trú tiếp tục theo dõi, cách ly theo quy định (04 bệnh nhân), Sở Y tế Hưng Yên đã ban hành công văn về việc “Tiếp nhận người bệnh COVID-19 được xuất viện tại BV Bệnh Nhiệt đới TW khi có đủ điều kiện theo quy định”.
Theo đó, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu (01 xe), Trung tâm Y tế huyện Văn Giang (02 xe) và Trung tâm Y tế Thành phố Hưng Yên (01 xe) có trách nhiệm bố trí xe ô tô đón bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và đưa về nhà.
Người bệnh tiếp tục thực hiện nghiêm việc cách ly, phòng chống dịch theo quy định tại nhà dưới dự giám sát của y tế cơ sở thêm 14 ngày và theo dõi thân nhiệt tại nhà 02 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có dấu hiệu bất thường khác phải đến khám lại ngay tại các cơ sở y tế.
Phải lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR tại thời điểm ngày thứ 7 và ngày thứ 14, nếu trường hợp xét nghiệm tái dương tính phải báo cáo Sở Y tế để triển khai các biện pháp tiếp theo.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc thực hiện cách ly phòng, chống dịch đối với tất cả người bệnh theo đúng quy định và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Real-time RT-PCR cho tất cả bệnh nhân.
30/05/2021 09:04
Hải Dương: Khẩn cấp tìm người đi 2 chợ liên quan ca mắc COVID-19
TP Hải Dương vừa ra thông báo khẩn tìm người đến chợ Con và chợ An Ninh trên địa bàn có liên quan ca mắc COVID-19.
Cụ thể:
1. Khu vực chợ Con, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương tại vị trí và thời gian sau:
- Hàng rau của cô Xuê (cạnh dãy hàng hoa), 8h ngày 14/5/2021.
- Hàng rau chị Hạnh (dãy hàng rau), 8h ngày 20/5/2021.
- Hàng thịt lợn cô Oanh (dãy hàng thịt lợn), khoảng 8h - 8h30 các ngày 20 và 25/5/2021.
- Hàng cá, trứng, rau chị Hạnh (vị trí đối diện Nhà vệ sinh của chợ), 8h ngày 20/5/2021.
- Hàng gạo, bí chị Hương tại vỉa hè phố Chợ Con, địa chỉ khoảng số 25 hoặc 27 phố Chợ Con (đối diện nhà ông Toàn bán than, số 38 Chợ Con) và Hàng vịt trên vỉa hè phố Chợ Con (trước cửa nhà ông Ao), địa chỉ số 25 phố Chợ Con), trong khoảng thời gian từ 8h-8h30 ngày 25/5/2021.
2. Khu vực chợ An Ninh, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương trong khoảng thời gian 8h30-9h00, ngày 26/5/2021 tại các vị trí như sau:
+ Hàng rau, cá rô của cô The.
+ Hàng khoai tây của 2 vợ chồng trẻ và khoai sọ của hàng bên cạnh, cả 2 hàng khoai đều ở vị trí giữa chợ, đối diện dãy hàng thịt.
Trước đó, TP Hải Dương ghi nhận 1 ca COVID-19 được phát hiện qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng tại Phạm Hồng Thái, phường Quang Trung, TP Hải Dương. Bệnh nhân thường xuyên đi chợ An Ninh, chợ Con, tập thể dục buổi chiều tại công viên Bạch Đằng.
30/05/2021 09:11
Hơn 2.300 y bác sĩ và sinh viên ngành y đang hỗ trợ 'tâm dịch', gần 26.000 người khác sẵn sàng lên đường
Cục Khoa học Công nghệ vào Đào tạo, Bộ Y tế cho biết hiện đã có tổng số 2.343 cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y dược đang tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, trong đó: đợt 1 từ trước ngày 24/5 là 1.976 người và đợt 2 từ ngày 27/5 là 367 người.
Tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh tính đến chiều 29/5 là 1.685 người.
Báo cáo của Cục Khoa học công nghệ và đào tạo cũng cho biết, sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hiện tổng số cán bộ, giảng viên, học viên và sinh viên của 37 trường Đại học, Cao đẳng trên y dược trên toàn quốc đăng ký sẵn sàng tiếp tục lên đường tham gia hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang, Bắc Ninh là 24.175 người.
Liên quan đến công tác hỗ trợ nhân lực của Bộ Y tế và ngành y tế các địa phương cho điểm nóng Bắc Giang chống dịch COVID-19, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế- Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Giang cho biết, đến nay đã có 1400 cán bộ y tế các lực lượng gồm nhân viên y tế; lực lượng y tế quân đội, y tế công an và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng y dược tham gia vào tất cả các mặt trận phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
30/05/2021 09:15
TPHCM: Nhiều bệnh viện tạm ngưng hoạt động
Sáng ngày 30/5, Sở Y tế TPHCM biết, trong vòng 24 giờ, tính từ ngày 29/5 đến 8 giờ ngày 30/5, các bệnh viện (BV) được phân công đã tiếp nhận thêm 44 trường hợp bệnh nhân (BN) mắc COVID-19, trong đó: BV dã chiến Củ Chi (13 BN), BV điều trị COVID-19 Cần Giờ (28 BN), BV Bệnh Nhiệt Đới (1 BN), BV Nhi Đồng Thành phố (2 BN).
Cụ thể:
Được biết, BV Dã chiến Củ Chi nhận từ các Khu cách ly Quận Tân Bình (4), Khu cách ly Quận 8 (1), Khu cách ly TP Thủ Đức (5), Khu cách ly Quận Bình Thạnh (2), Bệnh viện Chợ Rẫy (1); BV Điều trị COVID-19 Cần Giờ nhận từ Khu cách ly và bệnh viện: Tân Bình (1), Gò Vấp (17), Bình Thạnh (5), Quận 5 (1), Quận 10 (2), Quận 1 (1), TP Thủ Đức (1); BV Bệnh Nhiệt Đới tiếp nhận 1 người bệnh tự đến; BV Nhi đồng Thành phố nhận từ Khu cách ly của Bình Thạnh (2).
Ngoài ra còn có một số bệnh viện, phòng khám tạm ngưng hoạt động khám bệnh ngoại trú (trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ) do chủ động phát hiện ca mắc qua khám sàng lọc và cấp cứu sàng lọc: 04 bệnh viện (Hoàn Mỹ Sài Gòn, Quận Tân Phú, Quân Dân Y Miền Đông, Quận Bình Thạnh) và 2 phòng khám đa khoa (PKĐK Hòa Hảo, PKĐK Trần Diệp Khanh).
TPHCM hiện không có các bệnh viện, phòng khám bị phong tỏa (cách ly toàn bộ nhân viên và người bệnh trong cơ sở) do phát hiện ca mắc trong quá trình khám và điều trị.
30/05/2021 11:55
Đến sáng 30/5, có 4.056 công nhân thuộc 9 doanh nghiệp tại Bắc Giang được được đi làm trở lại. Tất cả phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cả 9 doanh nghiệp nói trên được sản xuất theo giấy phép của Ban quản lý các Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Bắc Giang. Đây là một trong những biện pháp của kế hoạch khôi phục sản xuất trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát chủ động.
Bắc Giang đang là địa phương có ca nhiễm COVID-19 đứng đầu cả nước, với 2.029 người bệnh được phát hiện từ ngày 7/5 đến sáng 30/5. Tỉnh này đã đưa ra kế hoạch phát triển kinh tế với phương châm “chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch” trong đó cho phép các nhà máy đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch được hoạt động trở lại.
Đến nay, có 9 công ty được hoạt động trở lại gồm 2 doanh nghiệp đi làm từ ngày 28/5 là Cty Newwing, Fuhong PC; từ ngày 29/5 là Cty S-Connect BG Vina và từ ngày 30/5 gồm các doanh nghiệp Si Flex; Cty TNHH chính xác Fuyu; Cty TNHH Gigalane; Jeil Tech; Cty New Hope; Cty đặc khu New Hope.
Các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử (cho Samsung, Foxcom); thiết bị vi tính; thức ăn chăn nuôi…
Trong số các doanh nghiệp trên, Cty Newwing có số lượng công nhân đi làm lại nhiều nhất (1.294 công nhân); Cty Fuhong PC với 2 nhà máy ở Quang Châu và Đình Trám có tổng số 1.295 công nhân… Tổng cộng, có 4.056 công nhân được đi làm trở lại sau gần 1 tháng thực hiện các biện pháp cách ly, phong tỏa.
Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang yêu cầu các doanh nghiệp khi hoạt động trở lại phải thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19 như người lao động xét nghiệm có xét nghiệm âm tính, tuân thủ giãn cách khi lao động, có chỗ ăn ngủ...
Trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4 đến nay, cả nước hiện có 3.837 ca nhiễm nhưng riêng Bắc Giang chiếm đến hơn 50% với 2.029 ca (số liệu tính đến sáng 30/5).
Dự kiến, lượng người mắc COVID-19 sẽ tiếp tục gia tăng nhưng tại các điểm nóng như Bắc Giang, Bắc Ninh (776 ca), đa phần ca mắc mới đều là người được cách ly trước đó, hiếm xảy ra trong cộng đồng.
Bắc Giang và Bắc Ninh là 2 địa phương tập trung rất nhiều khu công nghiệp với hàng chục vạn công nhân và là nơi có nhiều “ông lớn” như Samsung, Canon, Foxcom... Chính quyền 2 tỉnh đã lên kế hoạch cho một số nhà máy đủ điều kiện phòng chống dịch bệnh được hoạt động trở lại.
30/05/2021 12:02
Bình Dương lập các khu chữa trị COVID-19 sức chứa lớn trước đợt dịch khó kiểm soát
Đợt dịch lần thứ 4 xuất hiện ở Việt Nam với chủng mới lây lan nhanh, khó kiểm soát. Trước tình hình này, Bình Dương đề xuất hạn chế tiếp nhận chuyên gia nước ngoài, đồng thời lên phương án lập các khu điều trị COVID-19 với sức chứa hàng trăm ca.
Theo TS.BS Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, đến thời điểm hiện tại địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng trong đợt dịch thứ 4 này. Tuy nhiên, địa phương giáp với TP.HCM, nơi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong những ngày qua, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây lan vẫn rất cao với chủng vi rút mới có chu kỳ lây nhanh nên khó kiểm soát hơn.
Trước tình hình trên, để phòng, chống dịch hiệu quả, Bình Dương chủ động lên các phương án không để rơi vào thế bị động. Hiện, bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đang là cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 chủ lực.
Trong trường hợp số ca mắc COVID-19 vượt trên 40 sẽ chuyển toàn bộ bệnh nhân từ khoa nhiễm sang khoa lao phổi - tâm thần thuộc cơ sở 2 của bệnh viện để điều trị. Nếu ca bệnh vượt trên 100 sẽ triển khai bệnh viện dã chiến tại khoa lao phổi - tâm thần (cơ sở mới) gồm 140 giường, có thể mở rộng đến 240 giường khi cần thiết. Khi ca bệnh vượt trên 240 sẽ thành lập bệnh viện dã chiến khác tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng hoặc Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên (cơ sở cũ).
Trong trường hợp, ca mắc COVID-19 vượt đến 70% khả năng đáp ứng của bệnh viện dã chiến sẽ chuyển các ca bệnh nhẹ về điều trị tại các Trung tâm Y tế trên địa bàn.
Cùng với phương án chữa trị bệnh, Bình Dương đề xuất hạn chế tiếp nhận chuyên gia nước ngoài đến làm việc. Theo đó, ông Lê Phú Hòa - Giám đốc Sở Ngoại vụ Bình Dương kiến nghị hạn chế tiếp nhận chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào làm việc bởi thời gian gần đây có nhiều chuyên gia xin vào làm việc nhưng không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Đơn cử, trước đó tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng nhận được thông báo về danh sách 4 chuyên gia người Trung Quốc hoàn thành cách ly ở Lạng Sơn vào Bình Dương lưu trú.
Ngày 19/5, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng đã liên hệ với công ty tiếp nhận 4 chuyên gia này tại Khu công nghiệp đô thị huyện Bàu Bàng, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.
Kết quả, có 3 chuyên gia người Trung Quốc về tại khu ký túc xá của công ty này. Những người này có thực hiện cách ly y tế tại nơi lưu trú tuy nhiên không khai báo y tế, không thông báo cho cơ sở y tế sau khi hoàn thành cách ly và không thực hiện các yêu cầu về phòng chống dịch đã ký cam kết. Trường hợp còn lại về thị xã Tân Uyên, Bình Dương.
Trước sự việc trên, Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng đề nghị chưa để các chuyên gia này vào làm việc cho đến khi có ý kiến của Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Bàu Bàng và Ban quản lý khu công nghiệp.
Liên quan 1 trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương liên quan đến ổ dịch TP.HCM, ngành y tế Bình Dương đã tiến hành xác định được 4 trường hợp F1 tiếp xúc với ca bệnh này, tiến hành cách ly tập trung, lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính. Qua công tác giám sát, ngành còn phát hiện được 8 trường hợp tại phường Tân Phước Khánh, TX.Tân Uyên có tiếp xúc với ca dương tính thuộc hội thánh tại TP.Hồ Chí Minh. Các trường hợp hiện đang cách ly tập trung tại Trung tâm Y tế TX.Tân Uyên. Các mẫu xét nghiệm ban đầu chạy bằng X-pert cho kết quả âm tính với COVID-19.
Về công tác phòng, chống dịch tại khu công nghiệp, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bình Dương đã thành lập 3 đoàn kiểm tra và đã có 1.010 doanh nghiệp gửi báo cáo tự đánh giá an toàn COVID-19.
Tại 22 điểm cách ly tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã được lắp đặt camera và kết nối được với hệ thống dữ liệu Bộ Y tế để phục vụ công tác quản lý, giám sát người cách ly.
(Hương Chi)
30/05/2021 12:55
30/05/2021 13:06
Bắc Giang sẽ tiêm vắc xin cho hơn 16 vạn người
UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Kế hoạch Triển khai thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 3 năm 2021. Những người được tiêm sẽ thuộc các đối tượng được ưu tiên và người lao động trên địa bàn tỉnh.
Họ bao gồm người làm trong các cơ sở y tế, người tham gia phòng chống dịch COVID-19; những người cung cấp dịch vụ thiết yếu như vận tải, điện nước, giáo viên, người làm trong cơ quan hành chính; công nhân tại các nhà máy đủ điều kiện an toàn để sản xuất.
Các cơ quan chức năng trong tỉnh sẽ thống nhất lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên lịch tiêm cho các doanh nghiệp, xây dựng và tổ chức kế hoạch tiêm. Thời gian thực hiện bắt đầu từ 29/5 với kế hoạch từng ngày, từng đợt cụ thể do Sở Y tế ban hành.
Những địa điểm tiêm vắc xin tuyến tỉnh gồm CDC Bắc Giang, Bệnh viện Sản Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Trung tâm tiêm chủng VNVC Bắc Giang (xong trước ngày 15/6).
Tại TP Bắc Giang và các huyện trong tỉnh sẽ sử dụng cơ sở Trung tâm y tế làm địa điểm tiêm vắc xin (xong trước ngày 15/6). Các xã, phường tại Bắc Giang cũng được lựa chọn điểm để tiêm đồng loạt hoặc cuốn chiếu, xong trước ngày 25/6.
Riêng các doanh nghiệp trên địa bàn Bắc Giang sẽ có kế hoạch theo ngày, tiêm xong trước 15/6. Thuốc được sử dụng là vắc xin Astra Zeneca.
Tỉnh Bắc Giang cũng quy định, số buổi tiêm chủng tại mỗi địa điểm phụ thuộc vào số người cần tiêm trong địa bàn nhưng mỗi buổi tiêm không được quá 100 người/bàn tiêm. Các điểm tiêm phải được bố trí thông thoáng, người ra vào một chiều, không sử dụng điều hòa…
Những người đang có triệu chứng ốm, sốt, viêm đường hô hấp phải chủ động không đi tiêm. Trường hợp phát hiện người nghi mắc COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với trường hợp mắc trong vòng 14 ngày, lực lượng chức năng phải dừng buổi tiêm và quản lý đối tượng theo quy định.
Các trung tâm, cơ sở y tế phải bố trí cán bộ để theo dõi, thu thập phản ứng sau tiêm chủng, báo cáo về CDC. Các trường hợp không may bị tai biến sau tiêm phải được cấp cứu, điều trị rồi báo cáo về Sở Y tế trong vòng 24 giờ.
Về kinh phí, Trung ương sẽ hỗ trợ mua vắc xin, bơm kim tiêm, hộp an toàn cho Bắc Giang với tổng số khoảng 150.000 liều. Kinh phí của địa phương sẽ được chi trả cho hoạt động tập huấn, in ấn, vận chuyển…
Trong đợt bùng phát thứ 4 của dịch COVID-19 từ ngày 27/4 đến nay, cả nước hiện có 3.893 ca nhiễm nhưng riêng Bắc Giang chiếm đến hơn 50% với 2.074 ca (số liệu tính đến trưa 30/5). (Xuân Ân)
30/05/2021 15:31
Binh chủng Hóa học đưa 15 xe đặc chủng ‘càn quét’ 4 huyện ở Bắc Giang
Sau khi giúp Bắc Ninh khử trùng, tiêu độc, lực lượng thiện chiến của Binh chủng Hóa học nhanh chóng cơ động lực lượng, khí tài tới Bắc Giang chi viện cho Quân khu 1, Quân đoàn 2 dập dịch COVID-19 đang bùng phát ở đây.
30/05/2021 16:29
Nhiều nhân viên lấy mẫu xét nghiệm ở Bắc Giang ngất do nắng nóng
Từ ngày 26/5 tới nay, công tác test kháng nguyên nhanh thay thế xét nghiệm Realtime RT-PCR nhằm sàng lọc nhanh những người có nguy cơ cao đã được triển khai khẩn trương, đặc biệt tại tâm dịch huyện Việt Yên.
Việc triển khai test nhanh tại các điểm nóng về dịch được thực hiện theo cách thức: nhân viên y tế chia thành các nhóm nhỏ đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để lấy mẫu. Đối với phương pháp test nhanh, 15 phút sẽ có kết quả, độ chính xác lên tới 70-75%.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, 700 nhân viên y tế liên tục đi lấy mẫu test nhanh hàng ngày, thời tiết nắng nóng khắc nghiệt 35-37 độ C, nhân viên y tế trong bộ đồ bảo hộ kín, một số sinh viên bị ngất.
30/05/2021 16:40
30/05/2021 16:40
30/05/2021 21:14
Đồng Nai tạm dừng vận chuyển hành khách đi và đến các vùng dịch
Ngày 30/ 5, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản hỏa tốc tạm dừng một số hoạt động để tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo đó, từ 0 giờ, ngày 31/5, tỉnh Đồng Nai tạm dừng thêm các loại hình hoạt động bao gồm: nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự trên địa bàn tỉnh (khuyến khích sinh hoạt, lễ nghi tôn giáo theo hình thức trực tuyến); các địa điểm du lịch, tham quan, di tích; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí, sân Golf, các điểm tập thể dục thể thao ngoài trời tập trung trên 10 người, các hoạt động tại phố đi bộ, công viên công cộng, các điểm truy cập Internet, các cơ sở spa, cơ sở làm đẹp (cắt – uốn tóc nam nữ, nail…).
Đối với các cơ sở, các hộ gia đình hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn, thức uống đường phố, vỉa hè, nhà hàng: không được phục vụ quá 10 khách cùng 1 thời điểm, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch và giữ khoảng cách các bàn 2 mét, tăng cường hình thức bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến.
Với hoạt động GT-VT: Dừng các hoạt động vận chuyển của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt liên tỉnh đi/đến TP HCM, Hà Nội, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh và các tỉnh, thành có dịch bệnh, trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, xe chở bệnh nhân, xe chở người hết thời gian cách ly, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, xe vận chuyển phục vụ phòng chống dịch và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chuyên chở vật liệu sản xuất, hàng hóa.
Các trường hợp được phép hoạt động là đường bộ, đường thủy, thực hiện vận chuyển hành khách tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 20 người trên phương tiện (không áp dụng đối với xe giường nằm và xe cải tạo ghế ngồi đã đảm bảo giãn cách tối thiểu theo quy định), hành khách buộc phải mang khẩu trang và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Trên xe phải có dung dịch sát khuẩn phục vụ hành khách. Thực hiện khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển hằng ngày. (Mạnh Thắng)
30/05/2021 21:16
Sau Lâm Đồng, Đắk Lắk dừng tất cả xe chở khách đi, đến địa phương có dịch
Tối 30/5, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành công văn “khẩn” về việc tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi, đến các địa phương có ca nhiễm trong cộng đồng để phòng chống dịch COVID-19 bắt đầu từ 0 giờ ngày 31/5/2021 cho đến khi có thông báo mới.
Theo đó, UBND tỉnh cho tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng, taxi, xe du lịch từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Bắc Giang và ngược lại; hạn chế tối đa xe đi, đến các tỉnh, thành phố có dịch COVID-19 như: Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bình Phước và các địa phương khác theo cập nhật của Bộ Y tế; với các xe vận chuyển hành khách đi qua hoặc đến tỉnh/thành phố có dịch không được dừng đón trả khách.
Chủ phương tiện phải cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo thực hiện nghiêm yêu cầu 5K (khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập - khai báo y tế); ghi chép đầy đủ thông tin tài xế, phụ xe và hành khách di chuyển, đặc biệt là hành khách đi và đến từ các tỉnh/thành phố đang có dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, chở tối đa không quá 50% sức chứa và không quá 20 người/chuyến…
UBND tỉnh cũng yêu cầu hạn chế tối đa phương tiện cá nhân di chuyển từ tỉnh đến các vùng có công bố dịch, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Những trường hợp cố tình vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Hiện tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 3 ca mắc COVID-19, nhiều trường hợp đang cách ly để phòng chống dịch. Các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh là những địa phương ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. (Huỳnh Thủy)