Điện Biên Đông cần đẩy nhanh thực hiện các dự án chậm tiến độ
ĐBP - Thời gian qua, huyện Điện Biên Đông đã đầu tư xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn. Tuy nhiên tiến độ thi công chậm, dẫn đến có công trình đã vượt quá thời gian thực hiện hợp đồng, một số công trình khác có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Công nhân Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Nam Đạt Điện Biên thi công công trình sửa chữa, nâng cấp trụ sở UBND xã Pu Nhi.
Nằm ngay trung tâm thị trấn Điện Biên Đông, Dự án Sửa chữa, cải tạo nhà khách UBND huyện Điện Biên Đông là công trình chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập huyện. Mục tiêu đầu tư nhằm giúp huyện hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo phục vụ ăn, nghỉ cho các đoàn công tác, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến thăm và làm việc với huyện, các kỳ họp HĐND và các hội nghị do huyện tổ chức... Công trình có tổng mức đầu tư 13,5 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện năm 2020 - 2021 với quy mô đầu tư gồm: Xây dựng mới nhà khách 3 tầng; sửa chữa, cải tạo nhà khách 2 tầng; xây dựng mới nhà đặt máy bơm; xây dựng mới cổng và cải tạo tường rào, sân bê tông; một số thiết bị. Đơn vị thi công là Công ty TNHH Đức Đoàn, thời gian thi công 12 tháng (từ 11/8/2020 - 10/8/2021) nhưng đến nay dù đã quá thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng nhưng công trình vẫn chưa hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Lí giải về nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ nhiều tháng qua, ông Nguyễn Quốc Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình huyện Điện Biên Đông chia sẻ: Do đơn vị thi công bố trí rất ít nhân lực, máy móc, thiết bị tại công trình nên tiến độ thực hiện rất chậm. Dù đại diện chủ đầu tư đã nhiều lần đôn đốc nhưng nhà thầu thi công chỉ tăng cường nhân lực được vài hôm rồi lại “đâu đóng đấy” với lí do cần phải bố trí giải ngân thêm vốn. Vì vậy, đến nay công trình mới hoàn thành được khoảng 80% khối lượng thi công.
Cũng là một trong những dự án trọng điểm trên địa bàn huyện đang được thi công, công trình Sửa chữa, nâng cấp đường trụ sở xã mới - bản Chua Ta B, xã Tìa Dình nhằm đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân trong xã và các khu vực lân cận, nhất là khu trung tâm xã Tìa Dình đến khu vực trụ sở xã mới; từng bước kết nối giao thông đến các bản Nà Nếnh A, B, C (xã Pú Hồng), góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công trình có chiều dài 3.082m từ Trạm Y tế xã đến bản Chua Ta B, tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng được khởi công từ giữa tháng 9/2021 và dự kiến hoàn thành vào giữa tháng 9/2022. Tuy vẫn còn trong thời gian thực hiện hợp đồng nhưng công trình có nguy cơ bị chậm tiến độ khi đến hết tháng 5/2022 đơn vị thi công là Công ty TNHH Xây dựng và Vận tải Trọng Sỹ Điện Biên mới hoàn thành được khoảng 65% khối lượng thi công. Trong khi thời gian thực hiện theo hợp đồng chỉ còn hơn 4 tháng, lại đang trong mùa mưa nên việc thi công gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, do giá cả vật tư, nhiên liệu tăng cao cũng khiến việc tập kết vật liệu xây dựng của nhà thầu còn chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Ngoài ra, một số công trình khác cũng được đánh giá chậm tiến độ so với biểu đồ tiến độ thi công trong hồ sơ dự thầu và đứng trước nguy cơ không hoàn thành theo đúng thời gian trong hợp đồng, như: Dự án Sửa chữa, nâng cấp trụ sở UBND xã Pu Nhi (thời gian hoàn thành vào 25/8/2022 nhưng mới hoàn thành khoảng trên 60% khối lượng thi công); Dự án Sửa chữa, nâng cấp đường Háng Lìa - Tìa Dình (thời gian hoàn thành vào 16/9/2022 nhưng mới đạt khoảng 65% khối lượng thi công).
Để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt là các công trình bị chậm tiến độ hoặc có nguy cơ chậm tiến độ, theo ông Nguyễn Quốc Tiến sắp tới đơn vị sẽ tăng cường công tác giám sát, tập trung đôn đốc các nhà thầu tăng cường nhân lực; bố trí đầy đủ phương tiện, máy móc, thiết bị; chủ động tập kết vật liệu thi công đảm bảo tiến độ công trình. Đồng thời phối hợp kiểm soát chặt chẽ quy trình, chất lượng trong quá trình thi công; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thi công để phối hợp giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà thầu thi công để công trình sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng, đảm bảo hiệu quả nguồn vốn đầu tư.