Điện Biên long trọng tổ chức Lễ hội Thành Bản Phủ
Nhân dịp kỷ niệm 270 năm Chiến thắng của nghĩa quân Hoàng Công Chất giải phóng Mường Thanh (1754-2024); 255 năm Ngày mất của vị thủ lĩnh Hoàng Công Chất (1769-2024), ngày 2/4, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) long trọng tổ chức Lễ hội Thành Bản Phủ.
Đây cũng là sự kiện văn hóa tiêu biểu trong chuỗi 169 sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia-Điện Biên 2024 gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Thành kính tưởng nhớ công ơn thủ lĩnh Hoàng Công Chất và tướng Ngải, tướng Khanh đã cùng nhân dân các dân tộc Mường Thanh chiến đấu anh dũng đánh tan giặc Phẻ bảo vệ bản mường núi rừng Tây Bắc, giữ vững biên cương bờ cõi 270 năm về trước, phát biểu tại lễ khai hội, đồng chí Bùi Hải Bình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Điện Biên cho biết, hằng năm, vào ngày 24-25 tháng 2 (âm lịch), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Điện Biên đều long trọng tổ chức lễ hội Thành Bản Phủ. Qua đó nhằm giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam.
Tại Di tích lịch sử Thành Bản Phủ, hiện có tấm bia ghi rõ: Hoàng Công Chất có tên thật là Hoàng Công Thư; quê ở thôn Hoàng Xá, xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo nổ ra vào năm 1739 ở vùng Sơn Nam (Nam Định-Thái Bình-Hưng Yên). Đến năm 1748 nghĩa quân về vùng thượng du Thanh Hóa, theo đường rừng núi tiến lên Hưng Hóa (Tây Bắc). Tại đây Hoàng Công Chất đã cùng tướng Ngải, tướng Khanh là 2 vị thủ lĩnh người dân tộc Thái ở Điện Biên, đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc đánh đuổi giặc Phẻ giải phóng Mường Thanh (Điện Biên) vào tháng 5/1754.
Để có căn cứ hoạt động lâu dài, Hoàng Công Chất cho xây dựng Thành Bản Phủ. Từ đó căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp mười Châu của Phủ An Tây, phía bắc giáp biên giới Trung Quốc, phía nam mở rộng xuống Hòa Bình-Ninh Bình-Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài suốt 30 năm (1739-1769).
Hoàng Công Chất đã tập hợp nhân dân các dân tộc vùng Hưng Hóa thành một khối thống nhất, xây dựng mối tình đoàn kết ngược xuôi để cùng nhau đánh giặc giữ nước bảo vệ núi rừng vùng biên cương của Tổ quốc. Tên tuổi và sự nghiệp của ông được nhân dân luôn khắc ghi.
Năm 1981, Di tích lịch sử Thành Bản Phủ có Đền thờ Hoàng Công Chất đã được nhà nước xếp hạng công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dien-bien-long-trong-to-chuc-le-hoi-thanh-ban-phu-post802763.html