Điện Biên: Mở rộng mạng lưới trường lớp, nâng cao cơ hội tiếp cận GD
Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Điện Biên đặc biệt quan tâm công tác giáo dục và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Báo GD&TĐ có cuộc trao đổi với nhà giáo Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên về vấn đề trên.
Phóng viên: Ngành GD&ĐT Điện Biên đã khắc phục khó khăn thế nào để có những kết quả tích cực như những năm học vừa qua thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Để khắc phục khó khăn, đạt được những kết quả như năm học 2019-2020 chúng tôi đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, gồm:
Nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên các trường được bố trí, sắp xếp hợp lý, đúng quy định. Lựa chọn, bố trí giáo viên, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn khá giỏi, tâm huyết với giáo dục dân tộc làm giáo viên, cán bộ quản lý nòng cốt tại các trường nội trú, bán trú.
Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục. Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện thống kê phổ cập GDTH và PCGD THCS trên phầm mềm online của Bộ GD&ĐT. Tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm huy động tối đa dân số người dân tộc trong độ tuổi đến trường, duy trì sỹ số học sinh, không để học sinh bỏ học giữa chừng, giảm số học sinh đi học không chuyên cần.
Mạng lưới trường, lớp học phát triển đồng bộ; các xã, phường, thị trấn đều có trường tiểu học, THCS; các trung tâm huyện đều có trường THPT, trường PT DTNT huyện và Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, các bản lẻ có lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, quy mô học sinh phát triển ổn định.
Chúng tôi cũng đã tham mưu quyết liệt với cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc. Làm tốt công tác tuyên truyền để toàn xã hội quan tâm tới giáo dục ở vùng dân tộc.
Phóng viên: Việc mở rộng mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến lớp cũng là một trong số những giải pháp quan trọng. Điện Biên thực hiện công tác này ra sao?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Điện Biên là tỉnh vùng cao, biên giới, địa hình hiểm trở, núi cao, độ dốc lớn, nhiều sông suối chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân tán; có 19 dân tộc, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 81,2%; đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo chiếm 42,82%.
Trong điều kiện hoàn cảnh đó, ngành GD&ĐT Điện Biên luôn xác định để nâng cao cơ hội tiếp cận giáo dục, nâng cao cơ hội đến trường cho học sinh thì phải mở rộng mạng lưới trường lớp, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập.
Trong các năm qua, Sở GD&ĐT Điện Biên đã tham mưu các cấp lãnh đạo xây dựng Quy hoạch phát triển giáo dục và đào tạo, triển khai các đề án xây dựng, kiên cố hóa trường lớp học. Đến nay mạng lưới trường, lớp đã phát triển khá đồng bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. 100% xã có trường, lớp cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS; trung tâm cụm xã và trung tâm huyện, thị, thành phố đều có trường THPT.
Giáo viên ân cần chăm sóc học sinh vùng khó
Phóng viên:Một vấn đề hết sức quan trọng, đó là thực hiện các chế độ, chính sách thu hút trẻ đến trường. Công tác này được ngành GD&ĐT Điện Biên tham mưu, thực hiện ra sao?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Trên cơ sở các quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Sở GD&ĐT Điện Biên đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản kịp thời triển khai thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật về hỗ trợ phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn tỉnh. Tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù cho ngành giáo dục và bố trí ngân sách cơ bản đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp giáo dục đào tạo trong tỉnh.
Sở GD&ĐT Điện Biên đã hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tuyên truyền, phổ biến, thông tin đầy đủ về các chế độ, chính sách ưu đãi giáo dục đến học sinh, cha mẹ học sinh và toàn thể nhân dân trên địa bàn giáo dục. Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các Sở, ngành chức năng và các đơn vị liên quan, thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách cho học sinh theo quy định hiện hành...
Phóng viên: Ở các trường chuyên biệt trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện nay quy mô, mạng lưới và chất lượng giáo dục có gì nổi bật thưa ông ?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Cấp tiểu họccó 72 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp tiểu học với 1.392 lớp 34.275 học sinh. Số học sinh ở nội trú tại trường cả tuần 22.090 em (30,1%) tăng 2,8% so với năm học 2019-2020. Học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú được quan tâm đặc biệt từ khâu nuôi dưỡng, ăn ngủ, đến học tập và giáo dục phẩm chất. Các em được học tập đẩy đủ các môn học và hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục của Bộ. Ngoài ra các em còn được tham gia hoạt động tại các câu lạc bộ văn nghệ, thể dục thể thao, chương trình giáo dục kỹ năng sống, phòng chống tai nạn thương tích, quyền và bổn phận trẻ em.
Kết quả, học sinh các trường chuyên biệt đến nay đã khá tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt, chất lượng đọc hiểu, viết, tính toán của học sinh dân tộc đáp ứng yêu cầu chuẩn kiến thức kỹ năng các môn học, hiện tượng học sinh bỏ học ở cấp Tiểu học giảm còn 0,02%.
Các trường vùng cao khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, kêu gọi xã hội hóa đảm bảo đủ ấm cho học sinh mầm non chống rét
Phóng viên:Trong quá trình thực hiện công tác giáo dục dân tộc, ngành GD&ĐT Điện Biên đã gặp phải những khó khăn gì thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Trong quá trình thực hiện công tác giáo dục dân tộc, ngành GD&ĐT Điện Biên đã gặp phải rất nhiều khó khăn, trong đó đáng phải kể đến, đó là:
Về tổ chức hoạt động dạy và học: Chất lượng giáo dục ở một số trường vùng xa, vùng điều kiện khó khăn, các điểm bản chuyển biến còn chậm. Hiện tượng di dịch cư tự do vẫn còn diễn ra ở một số thôn bản nên ảnh hưởng đến tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần.
Tổ chức hoạt động giáo dục, lao động, văn hóa thể thao cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh bán trú; Công tác tổ chức hoạt động giáo dục, quản lý học sinh ở nhiều trường còn gặp nhiều khó khăn do thiếu các dụng cụ, sân chơi bãi tập; học sinh người dân tộc thiểu số nhút nhát, thiếu tự tin, thiếu kỹ năng khi tham gia, tổ chức các hoạt động tập thể.
Về công tác quản lý, nuôi dưỡng và chăm sóc học sinh bán trú, dân tộc thiểu số thì nguồn ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Do đó việc phân bổ kinh phí triển khai, thực hiện chính sách có thời điểm chưa kịp thời. Một số trường ở các xã vùng đặc biệt khó khăn không có hệ thống nước sạch, thường xuyên bị thiếu nước, mất nước vào mùa hanh khô (cao điểm tại các tháng 3,4,5)ảnh hưởng đến sinh hoạt và công tác chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh bán trú.
Còn về cơ sở vật chất, thiết bị: Việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học ở một số trường còn thiếu. Nhiều công trình thiết yếu đã xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu học tập, sinh hoạt, ăn, ở của học sinh. Vì vậy nhiều học sinh phải tự sắp xếp chỗ ở bên ngoài, gây khó khăn cho công tác quản lý học sinh ngoài giờ học. Việc huy động các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh tham gia công tác xã hội hóa giáo dục còn hạn chế.
Chúng tôi còn thiếu giáo viên nhất là giáo viên dạy nhóm trẻ. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên không đồng đều, việc tiếp cận và đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ở một số giáo viên còn hạn chế.
Phóng viên:Quan điểm của ông như thế nào về việc đảm bảo, nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc và tiếng Việt cho trẻ em miền núi?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tiếng dân tộc đã được Bộ GD&ĐT ban hành Chương trình môn học và biên soạn sách giáo khoa cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Tỉnh Điện Biên có 2 thứ tiếng được giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn đó là tiếng Mông và tiếng Thái.
Tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số đi học ngày càng tăng cao
Để đảm bảo chất lượng giáo dục tiếng dân tộc trước hết các Sở Giáo dục và Đào tạo phải quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc có trình độ và được cấp bằng đào tạo chính quy (hiện nay đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc mới được đào tạo tập trung 1 năm, hoặc qua các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại các Trường Cao đẳng Sư phạm).
Công tác tuyên truyền đến các cấp, các ngành và gia đình học sinh về việc bảo tồn văn hóa, di sản của các dân tộc cũng phải được tiến hành thường xuyên, liên tục để tạo được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh trong quá trình tổ chức dạy học môn tiếng dân tộc trong các cơ sở giáo dục.
Việc dạy tiếng Việt cho trẻ em dân tộc miền núi phải được đội ngũ giáo viên coi như dạy học sinh ngôn ngữ thứ hai; do vậy các cơ sở giáo dục phải tạo điều kiện để học sinh tiểu học phát triển ngôn ngữ thứ nhât (tiếng mẹ đẻ); coi trọng việc xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh dân tộc ngay từ các lớp học, trường học, nơi công cộng và các phương tiện thông tin, truyền hình, đài phát thanh...
Phóng viên: Qua báo GD&TĐ, ông có tâm tư gì muốn gửi gắm đến các cơ quan TW?
Ông Nguyễn Văn Kiên: Tôi muốn đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo một số nội dung sau:
Giao bổ sung số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là cấp học mầm non đảm bảo đủ định mức theo Thông tư số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2017 của Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Nội vụ, Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhiều sân chơi bổ ích được tổ chức nhằm thu hút học sinh đến trường, đến lớp
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư Quy định đánh giá học sinh tiểu học và Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021.
Quy định cụ thể số lượng người làm việc của Phòng Giáo dục và Đào tạo tối thiểu là 18 trong Thông tư liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, theo hướng dẫn tại Công văn số 8150/BGDĐT-TCCB ngày 02/12/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng định mức giáo viên cho phù hợp với thực tế tăng số môn học. Quy định riêng số lượng người làm việc cho các Trung tâm học tập cộng đồng.
Đề nghị Bộ GD&ĐT ban hành thông tư hướng dẫn nghị định số 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
Nâng mức học bổng học sinh của trường phổ thông DTNT từ 80% lên 100% mức tiền lương cơ sở để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh; Hỗ trợ tiền ăn trưa đối với trẻ nhà trẻ (trẻ từ 3 đến 36 tháng tuổi) như mức hỗ trợ đối với đối tượng trẻ mẫu giáo.
Có chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường phổ thông có học sinh bán trú; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị trường học cho các trường phổ thông có học sinh bán trú; hỗ trợ giáo viên đang giảng dạy tại các điểm trường lẻ tương đương như cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường bán trú.
Bổ sung các đối tượng là trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông có cha mẹ thuộc hộ cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn vào đối tượng được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập trong Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường phổ thông dân tộc bán trú theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Xin trân trọng cảm ơn ông!