Diễn biến mới 'nghi án 'thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy khiến 2 sản phụ tử vong
Liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng nghi do thuốc gây tê, ngày 21/11 Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn đã đến và làm việc với các cơ quan chức năng tại Đà Nẵng. Đối với loại thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy nghi ngờ có liên quan đến việc các sản phụ tử vong, một số cơ quan y tế đã lên tiếng về triệu chứng khi dùng loại thuốc này.
Chiều 21/11, Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn cho biết, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng liên quan đến vụ 2 sản phụ tử vong và một người nguy kịch tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nghi ngờ là do thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy.
"Trước khi có kết luận rõ ràng đối với loại thuốc này thì chúng ta phải phân tích về độ an toàn, có độc chất hay tạp chất trong thuốc không. Sở Y tế TP Đà Nẵng đã niêm phong 120 lọ thuốc gây tê còn lại và gửi mẫu ra Viện kiểm nghiệm Trung ương. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu đơn vị này làm các xét nghiệm, sớm có kết quả để phục vụ cho công tác thẩm định, đánh giá của hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong", ông Sơn nói.
Theo thông tin mà Báo Bảo vệ pháp luật có được, loại thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy được sử dụng tại nhiều bệnh viện trên cả nước. Tháng 4/2019, Sở Y tế Cần Thơ đã có công văn gửi Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 - là nhà cung ứng thuốc Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy về việc thay thế thuốc trúng thầu này do Ba Lan sản xuất sang loại do Pháp sản xuất.
Theo báo cáo của Sở Y tế Cần Thơ, trong quá trình sử dụng thuốc trúng thầu Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy tại một số địa phương như Long An, Bến Tre, Cần Thơ… thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài. Một số trường hợp gây ra sốc, co giật (theo báo cáo của Hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ).
"Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và đủ thuốc trong điều trị bệnh, Sở Y tế - chủ đầu tư chấp thuận theo đề nghị của Công ty CPDP Trung ương CPC1 được thay thế thuốc trúng thầu Bupivacaine wpw spinal 0,5% heavy bằng thuốc Bupivacaine for spinal anaesthesia Aguettant 5mg/ml với giá bằng giá trúng thầu cho đến khi có sự chỉ đạo của Cục Quản lý dược Bộ Y tế", Công văn của Sở Y tế Cần Thơ nêu rõ.
Thông tin mới nhất mà Báo Bảo vệ pháp luật có được liên quan đến loại thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy, Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi cũng vừa có báo cáo về việc sử dụng loại thuốc gây tê này vào ngày hôm nay (21/11).
Báo cáo của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho hay, thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy do Ba Lan sản xuất và Công ty Cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 trúng thầu cung ứng. “Quá trình sử dụng thực tế lâm sàng trên người bệnh tại bệnh viện Sản-Nhi tỉnh có phản ứng sau khi sử dụng thuốc gây tê Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy với những biểu hiện sau: Mạch nhanh, tụt huyết áp kéo dài, và một số trường hợp gây sốc, co giật.
Ngoài ra, theo báo cáo của hội gây mê khu vực phía Nam và một số bệnh viện tại Cần Thơ, Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng: Trong quá trình sử dụng thuốc trúng thầu Bupivacaine WPW spinal 0,5 Heavy tại một số địa phương như Long An, Bến Tre, Cần Thơ thì hiệu quả giảm đau của thuốc không hoàn toàn, làm tụt huyết áp kéo dài và một số trường hợp gây sốc, co giật”, báo cáo của Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh Quảng Ngãi viết.
Theo giới thiệu của trang thông tin Thuốc và Biệt dược, loại thuốc Bupivacaine WPW Spinal 0,5% Heavy thuộc nhóm thuốc gây tê, gây mê. Thuốc được chỉ định gây tê tủy sống. Phẫu thuật bụng kéo dài 45 - 60 phút hoặc phẫu thuật tiết niệu, chi dưới kéo dài 2 - 3 giờ. Phẫu thuật chi dưới kéo dài 3 - 4 giờ khi sự giãn cơ là cần thiết.
Thuốc có tác dụng phụ đối với hệ thần kinh trung ương là kích thích hoặc ức chế với biểu hiện choáng váng, buồn nôn, sợ hãi, thờ ơ, lú lẫn, chóng mặt, ngủ gà, ù tai, hoa mắt, nôn mửa, cảm giác nóng, lạnh hoặc tê, co rút, run, co giật, mất chi giác, ức chế hô hấp và/hoặc ngừng hô hấp, kích động, nói khó, nói lắp. Trước tiên là lơ mơ, mất tri giác, ngừng hô hấp.
Liên quan đến hai 2 sản phụ tử vong, 1 người nguy kịch khi sinh mổ tại Bệnh viện Phụ Nữ Đà Nẵng với triệu chứng duỗi thẳng 2 chi dưới từng cơn, mạch tăng nhanh sau khi được gây tê, đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế - Nguyễn Trường Sơn, hiện Bộ đang yêu cầu Viện kiểm nghiệm Trung ương làm các xét nghiệm đối với những lọ thuốc tê được gửi ra từ Đà Nẵng để sớm có kết quả để phục vụ cho công tác thẩm định, đánh giá của hội đồng chuyên môn về nguyên nhân tử vong.