Diễn biến mới nhất về đợt mưa lớn ở miền Bắc từ chiều tối 15/5
Do tác động của không khí lạnh yếu, chiều và tối nay (15/5), mưa giông xảy ra nhiều nơi, trong đó miền Bắc có mưa lớn đến 120mm, nguy cơ, lũ quét và ngập úng cục bộ. Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ mưa lớn cục bộ.
Sáng nay (15/5), Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cập nhật về đợt mưa lớn xảy ra vào chiều tối tại miền Bắc và một số nơi ở Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ.
Theo đó, đêm qua và sáng sớm nay, ở khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to. Lượng mưa tính từ 19h tối qua đến 8h sáng có nơi trên 50mm như: Tân Trịnh (Hà Giang) 97.2mm, Phố Lu (Lào Cai) 78.4mm, Mường Lèo (Sơn La) 58.2mm, Quảng Lâm (Quảng Ninh) 106.4mm,…
Đáng lưu ý, từ chiều tối nay đến ngày mai (16/5), toàn khu vực có mưa vừa, mưa to và giông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 120mm. Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa rào và giông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.
Ngoài ra, chiều và tối nay, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và giông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi trên 70mm.
Liên quan đến đợt mưa lớn ở miền Bắc, TS. Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen), chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cũng vừa có nhận định.
Cụ thể, các địa phương có mưa giông lớn trong hôm nay bao gồm: buổi sáng: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai; buổi chiều và tối: Cao Bằng, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, phía Tây Hà Nội, Bắc Ninh; phía Tây của Huế, Đà Nẵng; khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
TS. Huy lưu ý, trận mưa giông chiều và tối nay có thể gây ngập lụt cục bộ ở các khu vực thấp trũng của các đô thị.
“Người dân lưu ý nếu mưa giông lớn vào cuối giờ chiều thì đợi giảm hãy ra đường về nhà, kẻo kẹt xe hoặc ngập lụt”, TS. Huy khuyến cáo.
Đồng thời, TS. Huy cũng cho biết, trong đợt mưa giông này, khu vực miền núi phía Bắc sẽ có những cụm mây giông hình thành ở các khu vực nhỏ nhưng lượng mưa rất lớn, vượt 100mm trong quãng thời gian ngắn, có thể gây ra lũ ống, lũ quét. Việc xác định vị trí chính xác của cụm mây giông phạm vi nhỏ chỉ có thể dự báo trước được 3 giờ. Người dân cần theo dõi các bản tin để có biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Ngày mai (16/5), mưa giông sẽ lan tới các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng dự báo, từ 17/5, mưa giông ở Tây Nguyên và Nam Bộ còn có khả năng duy trì (thời gian mưa tập trung vào chiều và tối).
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hôm nay, áp cao lạnh lục địa trên khu vực Trung Quốc tiếp tục tăng cường xuống phía bắc nước ta. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ.
Những nhiễu động trên cao tiếp tục duy trì trên khu vực Nam Bộ.
Trong 2-10 ngày tới, áp cao lạnh lục địa trên khu vực Trung Quốc suy yếu dần. Từ khoảng ngày 17/5 hình thành rãnh thấp qua Bắc Bộ nối với áp thấp nóng phía tây. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới có trục qua Trung Bộ.
Những nhiễu động trên gây mưa cho khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Đặc biệt, từ khoảng 18-19/5, gió mùa tây nam hoạt động, khiến khu vực mưa kéo dài.
Ứng phó với mưa lớn kèm giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh
Ngày 15/5, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ chiều 15-16/5, khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trên 120mm; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp, các khu đô thị; trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Đồng thời, trong 3 ngày qua, khu vực Bắc Bộ đã có mưa lớn cục bộ, gây ngập úng và sạt lở tại một số khu vực.
Nhằm chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các tỉnh, thành phố cần theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết, thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, người dân để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; sẵn sàng lực lượng tại chỗ để kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả (nếu có).
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, đảm bảo an toàn cho người dân khi có tình huống xảy ra...