Diễn biến mới về tình hình Myanmar

Nguồn tin cho biết các thủ hiến bang, các đại biểu Quốc hội thuộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) bị bắt giữ đã được thả trong sáng 2/2.

Theo THX, một quan chức cấp cao quân đội Myanmar cho biết ngày 2/2, đa số các thủ hiến vùng và bang của nước này bị quân đội bắt giữ một ngày trước đó đã được trả tự do.

Quan chức trên nói: “Có thể có sự thay đổi trong số các thủ hiến khi những người đủ tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm".

Trước đó, rạng sáng 1/2, quân đội Myanmar đã bắt giữ các lãnh đạo chính phủ, các thủ hiến vùng và bang và các thành viên cấp cao của đảng NLD.

Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar Min Aung Hlaing đang nắm quyền điều hành đất nước. Văn phòng Tổng thống Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong một năm.

Quân đội Myanmar đã tiến hành cuộc cải tổ nội các lớn, bao gồm việc bổ nhiệm 11 bộ trưởng mới và loại bỏ 24 thứ trưởng.

Trong khi đó, cùng ngày, trên trang Facebook, Ban Chấp hành đảng NLD Myanmar đã kêu gọi quân đội nước này trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint và các quan chức khác “sớm nhất có thể”.

Tiếp tục các phản ứng quốc tế về tình hình Myanmar, cùng ngày, Hàn Quốc đã lên tiếng bày tỏ “quan ngại sâu sắc”.

Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai đưa ra tuyên bố, hy vọng tình hình ở Myanmar, nơi đã ban bố tình trạng khẩn cấp, sẽ được giải quyết một cách hòa bình và kêu gọi các bên tiến hành đối thoại.

"Chúng tôi chăm chú theo dõi diễn biến sự kiện ở Myanmar. Đáng tiếc là các lực lượng chính trị cơ bản của đất nước này đã không tháo gỡ được những bất đồng nảy sinh sau kết quả của cuộc bầu cử Quốc hội tổ chức vào tháng 11/2020. Chúng tôi hy vọng tình hình sẽ được giải quyết một cách hòa bình tương ứng với quy định pháp luật hiện hành thông qua việc nối lại đối thoại chính trị và duy trì phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Trong tương quan này, chúng tôi chú ý đến tuyên bố của chính quyền quân sự về dự định sau một năm sẽ tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội mới", Bộ Ngoại giao Nga cho biết trong bản tuyên bố.

Trong thông báo vừa đưa ra, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne cho biết, “Australia ủng hộ lâu dài đối với Myanmar và quá trình chuyển đổi dân chủ ở nước này. Australia kêu gọi quân đội tôn trọng pháp quyền, giải quyết tranh chấp thông qua các cơ chế hợp pháp và trả tự do ngay lập tức cho tất cả các nhà lãnh đạo dân sự và những người khác đang bị giam giữ bất hợp pháp”. Australia “ủng hộ mạnh mẽ việc triệu tập lại Quốc hội một cách hòa bình, phù hợp với kết quả của cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11/2020”.

Bộ Ngoại giao New Zealand cũng đã ra tuyên bố đề nghị “nhanh chóng trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ và mọi vấn đề phải được giải quyết thông qua đối thoại hòa bình”. Tuyên bố này cũng khẳng định “một cuộc bầu cử đã diễn ra và ý chí dân chủ của người dân cần được tôn trọng”. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta cũng bày tỏ sự quan ngại trước những diễn biến tại Myanmar và cho biết một trong những bước đi tiếp theo, New Zealand sẽ xem xét về chương trình viện trợ mà nước này dành cho Myamar.

Giữa căng thẳng tại Myanmar, hôm 1/2, Brunei - nước Chủ tịch ASEAN 2021 đã kêu gọi đối thoại, hòa giải giữa các bên, kênh Channel News Asia đưa tin.

ASEAN đã lên tiếng sau khi lực lượng quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao khác, tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm và bổ nhiệm một vị tướng lên nắm quyền tổng thống.

Trong thông cáo của nước Chủ tịch ASEAN, Brunei nói rằng ASEAN “khuyến khích theo đuổi đối thoại, hòa giải và khuyến khích việc trở lại tình trạng bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của người dân Myanmar”.

Bên cạnh đó, nước Chủ tịch ASEAN cũng cho biết các quốc gia thành viên đã theo sát tình hình ở Myanmar và cùng kêu gọi Myanmar thực hiện các mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN.

Nước Chủ tịch ASEAN nhấn mạnh rằng “sự ổn định chính trị ở các quốc gia thành viên ASEAN là điều cần thiết để xây dựng một Cộng đồng ASEAN hòa bình, ổn định và thịnh vượng".

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) dự kiến triệu tập phiên họp khẩn cấp trong ngày 2/2 để thảo luận về tình hình Myanmar.

Theo đó, cuộc họp kín này sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến. Tại cuộc họp, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener sẽ thông báo những diễn biến mới nhất.

Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc Barbara Woodward bày tỏ hy vọng sẽ có một cuộc thảo luận mang tính xây dựng nhất có thể về tình hình Myanmar, đồng thời xem xết hàng loạt biện pháp để giải quyết tình hình hiện nay. Bà nhấn mạnh HĐBA mong muốn giải quyết các nguy cơ đối với hòa bình và an ninh trong dài hạn, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng của Myanmar tại châu Á và trong ASEAN. Anh hiện giữ cương vị Chủ tịch HĐBA.

Theo thông tin mới nhất của hãng tin Reuters, các ngân hàng Myanmar tại Yangon đã mở lại vào ngày 2/2, sau khi tạm dừng các dịch vụ tài chính trong một ngày do kết nối Internet kém.

An Bình

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/dien-bien-moi-ve-tinh-hinh-myanmar/421921.vgp