Diễn biến mới vụ doanh nghiệp Việt kiện công ty tài chính Barclays Long đòi bồi thường 20 tỷ Euro
Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC vừa chính thức phát đi thông báo mới gửi đến các bên liên quan vụ kiện về quyết định tiến hành phân xử theo Quy tắc Trọng tài ICC, Paris, Pháp.
Ngày 18/06/2021, Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC đã phát đi thông báo mới trong đó có việc ấn định một khoản tạm ứng tạm thời là 150 nghìn USD để trang trải chi phí trọng tài liên quan đến hồ sơ vụ kiện số 25999/HTG. Trong đó phía Nguyên đơn - Công ty CP Mekolor phải đóng 145 nghìn USD, còn phía Bị đơn - Công ty Barclays Long Island Limited đóng phí 5000 USD - (Ảnh: Chính Kỳ).
Cụ thể, ngày 18/06 vừa qua, Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC (gọi tắt là Tòa án ICC) đã phát đi thông báo mới gửi đến các bên - liên quan đến hồ sơ vụ kiện số 25999/HTG.
Theo đó, Tòa án ICC đã gửi thông báo cho Nguyên đơn - Công ty cổ phần Mekolor; phía Bị đơn - Công ty Barclays Long Island Limited và đại diện luật sư của Bị đơn là Ngân hàng Barclays PLC để mời tham gia ý kiến về số lượng trọng tài viên trước ngày 25/6/2021.
Nếu các bên không đồng ý, phía Tòa án ICC sẽ xác định số lượng trọng tài viên theo Điều 12.2 Qui tắc Trọng tài ICC.
Về nơi phân xử vụ tranh chấp, thỏa thuận trọng tài quy định “các tranh chấp và thắc mắc…" liên quan đến thỏa thuận này sẽ được giải quyết bởi trọng tài theo Luật Trọng tài của ICC, Paris, Pháp.
Hiện phía Công ty CP Mekolor đề xuất địa điểm phân xử là tại TP. HCM, Việt Nam. Còn phía Công ty Barclays Long (Bị đơn) hiện chưa bình luận hay đưa ra ý kiến đề xuất gì về nơi phân xử. Theo Tòa án ICC, khi các bên chưa thỏa thuận được, Tòa án ICC sẽ ấn định địa điểm phân xử theo Điều 18.1 Qui tắc Trọng tài ICC.
Về ngôn ngữ trong xét xử, hiện thỏa thuận trọng tài không quy định ngôn ngữ trọng tài. Phía Công ty Mekolor đề xuất gồm tiếng Việt và tiếng Anh. Còn phía Bị đơn, Công ty Barclays Long không bình luận về ngôn ngữ của trọng tài.
Khi các bên chưa đồng ý, hội đồng trọng tài sẽ xác định ngôn ngữ hoặc các ngôn ngữ của trọng tài trong xét xử thực hiện theo Điều 20 Qui tắc Trọng tài ICC.
Về công tác tạm ứng đóng phí xét xử, Tổng thư ký Tòa án Trọng tài quốc tế ICC đã ấn định một khoản tạm ứng tạm thời là 150 nghìn USD để trang trải chi phí trọng tài.
Trong đó, Nguyên đơn - Công ty CP Mekolor phải đóng 145 nghìn USD, còn Bị đơn - Công ty Barclays Long Island Limited đóng phí 5000 USD cho việc bổ sung các bên tham gia theo yêu cầu - cụ thể bổ sung Ngân hàng Barclays PLC tham gia với tư cách luật sư bào chữa cho Công ty Barclays Long.
Trao đổi với với phóng viên (PV) về thông tin mới phát đi của Tòa án ICC, ông Võ Xuân Trường, Giám đốc Công ty CP Mekolor cho biết doanh nghiệp của ông đã nhận được thông báo mới này từ Tòa án ICC. Hiện phía Mekolor đang tiến hành các bước xác nhận theo quy định của Tòa ICC trong đó có yêu cầu số lượng trọng tài viên tham gia là 3 trọng tài. Cũng theo ông Trường, hiện Mekolor đang tiến hành hoàn tất đóng phí tạm ứng 145 nghìn USD cho việc tổ chức phiên tòa xét xử theo yêu cầu của Tòa án ICC.
Liên quan đến vụ kiện đòi bồi thường 20 tỷ Euro, trước đó, phía Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC đã chính thức quyết định thụ lý và mở hồ sơ vụ kiện tại hồ sơ số 25999/HTG sau khi đã thu thập, xem xét đầy đủ các chứng cứ pháp lý - đồng thời tiến hành thông báo gửi đến các bên nhằm chuẩn bị các bước tiếp theo của vụ kiện theo Quy tắc Trọng tài ICC, Paris, Pháp.
Theo đó, Tòa án ICC đã xác nhận phía Nguyên đơn là Công ty cổ phần Mekolor (trụ sở đặt tại 41 Cách Mạng Tháng Tám, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Việt Nam) và phía Bị đơn là Công ty Barclays Long Island Limited (trụ sở đặt tại số 01 Churchill Place, London, E14 5HP Vương Quốc Anh).
Ngoài ra, vụ kiện này ngay sau đó cũng đã được Tòa án ICC bổ sung “Các thực thể có liên quan khác” vào vụ kiện, gồm các bên: Công ty Wintershall Holding GmbH (Đức); Ngân hàng Deutsche Bank AG (Đức); Tổ chức SWIFT.com; Công ty TNHH quốc tế ARISARA (Thái Lan); Ngân hàng United Overseas Bank PCL (Thái Lan); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); ông Võ Xuân Trường.
Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC đã bổ sung “Các thực thể có liên quan khác” vào vụ kiện, trong đó phía Việt Nam có 2 ngân hàng liên quan gồm: Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - (Ảnh: Chính Kỳ).
Lý do của vụ kiện được Công ty CP Mekolor đưa ra là do phía Công ty Barclays Long Island Limited không thực hiện “Thỏa thuận vay” giữa hai bên đã ký kết trước đó vào ngày 12/5/2020.
Theo “Thỏa thuận vay”, phía Công ty Barclays Long Island Limited (Vương Quốc Anh) đã đồng ý ký kết cho Công ty CP Mekolor vay khoản tiền lên đến 20 tỷ Euro dưới hình thức khoản vay nước ngoài của công ty không được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh (tự vay tự trả) và thông qua Thỏa thuận khung đầu tư bằng phương thức chuyển tiền mặt qua cổng Swift.com MT103 Transfer số 991 mà hai bên ký kết theo các quy định tại Hiệp định "Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – Liên minh Châu Âu và Hiệp định Bảo hộ Đầu ư Việt Nam – Anh Quốc".
Quá trình triển khai vay giữa hai bên, phía Công ty Mekolor đã thực hiện đầy đủ các cam kết trong "Thỏa thuận vay" và đã đóng các loại phí do Công ty Barclays Long yêu cầu như phí mở kết nối cổng GPI, phí thực hiện tra soát lệnh chuyển tiền…
Sau đó ngày 04/06/2020 phía Công ty Barclays Long thông báo cho Công ty Mekolor việc thực hiện hợp đồng thông qua việc chuyển khoản trước 01 tỷ Euro từ Ngân hàng Deutsche Bank AG, Đức vào tài khoản Công ty Mekolor tại Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Sài Gòn. Công ty Barclays Long cũng gửi đính kèm các bản sao về lệnh chuyển tiền 01 tỷ Euro cho Công ty Mekolor.
Tuy nhiên đến ngày 14/7/2020, Công ty Mekolor nhận được trả lời của Ngân hàng Vietcombank (Hội sở tại Hà Nội) về thông tin tài khoản vay rằng: “Qua rà soát thông tin trong hệ thống, Vietcombank xác nhận không tồn tại khoản tiền từ Công ty Barclays Long Island Limit thông qua Ngân hàng Deutsche Bank AG chuyển tới Vietcombank trị giá 01 tỷ Euro…”.
Liên quan đến sự việc nêu trên, về phía Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Vụ Quản lý Ngoại hối cũng có văn bản số 6506/NHNN-QLNH ngày 08/9/2020 trả lời Công ty Mekolor rằng: “Qua kiểm tra, rà soát trên hệ thống Swift từ tháng 6/2020 đến nay, không có khoản tiền như công ty báo cáo đến bất kỳ tài khoản thanh toán bằng đồng EUR nào của NHNN Việt Nam mở tại các ngân hàng đại lý...”.
Trước các căn cứ, tài liệu của Công ty Barclays Long cung cấp và văn bản trả lời của NHNN, ngân hàng Vietcombank, Công ty Mekolor nhận thấy Công ty Barclays Long đã không thực hiện đúng "Thỏa thuận vay" mà 02 bên đã ký nên quyết định nộp đơn khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với công ty Barclay tại Tòa án Trọng tài Quốc tế ICC.