Điện Biên năng động, đổi mới
Sau 70 năm giải phóng, Điện Biên đã khoác lên mình màu áo mới. Từ chỗ là chiến trường đổ nát do chiến tranh; hạ tầng cơ sở đơn sơ; dịch bệnh hoành hành, người dân đói khổ, thất học; hàng năm phải nhận trợ cấp cứu đói nhiều tháng từ Chính phủ...
Thành phố Điện Biên Phủ hôm nay, nhà cửa khang trang, hiện đại; giao thông kết nối cả đường bộ và đường hàng không. Là tỉnh duy nhất trong khu vực phía Tây Bắc có sân bay thương mại đón được dòng máy bay cỡ lớn A320, A321 và tương đương, nhờ đó đã thu hút đầu tư nhiều chương trình, dự án; khách du lịch trong và ngoài nước đến Điện Biên thuận tiện và không ngừng tăng lên.
Là Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, dự kiến tỉnh đón 1,3 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 2.200 tỷ đồng, là cơ hội lớn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Những ngày này, dòng người, phương tiện ô tô nối nhau trên các trục đường chính TP. Điện Biên Phủ, tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh... Họ đến để tri ân, thắp nén tâm nhang lên mộ phần các anh hùng liệt sĩ đã không tiếc máu xương, xả thân vì độc lập tự do cho Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Qua chuyện kể của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, chiến sĩ Điện Biên “thăm lại chiến trường xưa”, thế hệ trẻ càng hiểu thêm lịch sử, biết trân trọng quá khứ, giá trị của hòa bình, từ đó nỗ lực vượt qua khó khăn, đóng góp trí tuệ, sức trẻ xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển.
Danh xưng Điện Biên có nghĩa là “biên giới vững vàng”. Vùng “đất thiêng” nên dù quân Pháp có xây dựng nơi đây thành “pháo đài bất khả xâm phạm”, thành “cối xay thịt” đối với bộ đội Việt Minh, thì sau 56 ngày đêm “máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn”... đến cuối giờ chiều ngày 7/5/1954, Tướng Đờ cát và tùy tùng đã phải kéo cờ trắng đầu hàng quân đội ta, kết thúc cuộc chiến kéo dài 9 năm.
Người dân Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung tự hào về mảnh đất cực Tây Tổ quốc. Vì sau chiến tranh, đói khổ, thiếu thốn trăm bề, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên đoàn kết một lòng, nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại; phát huy tiềm năng, lợi thế, tận dụng thời cơ, tranh thủ mọi nguồn lực dựng xây, kiến thiết quê hương, vì cuộc sống thanh bình, thịnh vượng của nhân dân 19 dân tộc anh em.
Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,83%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 9,33%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 38,25 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.732,2 USD/người/năm), đến năm năm 2023 đạt 48,6 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng, giảm dần khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng khu vực công nghiệp - xây dựng; dịch vụ, du lịch.
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 56/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 14,4 tiêu chí/xã; không còn xã dưới 10 tiêu chí. Toàn tỉnh có 30 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 120 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới.
Kinh tế không ngừng phát triển, tỉnh chú trọng công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội. 3 năm qua, có hơn 8.000 hộ nghèo được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, sửa chữa nhà. An cư lạc nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm. Hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 26,03%, bình quân giảm 4%/năm. Tại các huyện nghèo, huyện 30a, tỷ lệ hộ nghèo giảm 5%/năm. Cho thấy, dù còn nhiều khó khăn, nhưng Điện Biên quyết không bỏ người nghèo, đối tượng yếu thế lại phía sau. Tỉnh sử dụng lồng ghép nguồn vốn từ nhiều chương trình, dự án đầu tư cho phát triển, nhất là vùng cao, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để kéo gần khoảng cách giữa các vùng, các huyện, thị.
Với 85% người dân vùng nông thôn được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 98% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; đường giao thông về 100% các xã, đi được quanh năm; giáo dục đào tạo, y tế, dịch vụ thông tin truyền thông… đến với đại bộ phận nhân dân, là minh chứng thuyết phục nhất cho sự phát triển, đi lên về mọi mặt của Điện Biên.
Dẫu rằng lộ trình phấn đấu, phát triển, đi lên của Điện Biên so với các tỉnh miền xuôi, trong khu vực chưa phải là cao. Nhưng phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh sẽ đoàn kết, tận dụng tiềm năng, lợi thế; sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội… quyết tâm xây dựng vùng đất “phên giậu” cực Tây ngày càng phát triển.