Điện Biên nỗ lực phát triển tiềm năng du lịch
Tiếp nối hào khí Chiến thắng Điện Biên Phủ 'chấn động địa cầu' ngày 7-5-1954, Đảng bộ, chính quyền, quân, dân tỉnh Điện Biên đã và đang nỗ lực phấn đấu phát huy truyền thống cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh vững chắc. Đặc biệt, tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch lịch sử, văn hóa nhằm đưa Điện Biên trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn...
Miền đất thu hút du khách
Ngay trước ngày kỷ niệm 69 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên thông báo tin vui: Trong 5 ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5 (từ 29-4 đến 3-5), tỉnh Điện Biên đón 76.000 lượt khách du lịch (tăng 16% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 16.200 lượt khách lưu trú; tổng thu từ du lịch đạt hơn 139 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2022. Những con số này đối với một tỉnh miền núi Tây Bắc, ở xa các thành phố lớn và trong lúc đường hàng không lên Điện Biên đang tạm dừng hoạt động để xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ cho thấy sức hút của đất và người Điện Biên nói chung, các di tích lịch sử, văn hóa tại Điện Biên Phủ nói riêng đối với khách du lịch khắp mọi miền. Năm 2024, dịp kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi đường hàng không lên Điện Biên hoạt động trở lại, chắc chắn sẽ rất đông du khách tìm về vùng đất có nhiều di tích lịch sử quý giá và giàu bản sắc văn hóa này.
Vì sao Điện Biên ngày càng thu hút nhiều khách du lịch?
Chúng tôi đã hỏi nhiều người, tìm hiểu thông tin để trả lời câu hỏi trên. Bên cạnh lợi thế của vùng đất lịch sử, ghi dấu ấn chiến công "chấn động địa cầu" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Điện Biên còn có rất nhiều điều thú vị mà khách du lịch thích khám phá.
Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, qua nhiều thời kỳ lịch sử đã để lại cho Điện Biên những di tích lịch sử có giá trị to lớn, như: Thành Tam Vạn, Thành Bản Phủ-Đền thờ Hoàng Công Chất... Bên cạnh những lợi thế về du lịch lịch sử, văn hóa, Điện Biên còn có thế mạnh về phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, ẩm thực. Nổi tiếng là các danh thắng, hang động đẹp, như: Hồ Pá Khoang, hồ Huổi Phạ, động Pa Thơm, động Khó Chua La, động Pê Răng Ky, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, các điểm nước khoáng nóng như U Va và Hua Pe, cảnh quan lòng hồ thủy điện Sơn La, đèo Pha Đin (một trong "tứ đại đỉnh đèo" nổi tiếng, hấp dẫn của vùng Tây Bắc), cao nguyên đá Tủa Chùa, A Pa Chải (ngã ba biên giới, điểm cực Tây của Tổ quốc)...
Tỉnh Điện Biên còn có tài nguyên thiên nhiên đa dạng với hơn 400.000ha rừng, nhiều loài động vật, thực vật; có nguồn nước rất phong phú với các hệ thống sông lớn (sông Đà, sông Mã, sông Nậm Rốm...), độ dốc cao, nhiều thác ghềnh; có cánh đồng Mường Thanh rộng tới 150km² nổi tiếng vùng Tây Bắc.
Đặc biệt, Điện Biên có nền văn hóa đậm đà bản sắc của 19 dân tộc anh em, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 83% dân số. Bà con các dân tộc nơi đây giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu và rất mến khách; văn hóa ẩm thực đa dạng, nhiều sản vật nổi tiếng...
"Đánh thức" những tiềm năng, thế mạnh
Để tận dụng, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiều chủ trương, giải pháp. Đặc biệt, ngày 7-5-2021, Tỉnh ủy Điện Biên ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết xác định mục tiêu tạo đột phá, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái...
Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy Điện Biên đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung xây dựng các quy hoạch, đề án; phát triển kết cấu hạ tầng du lịch (giao thông, cơ sở lưu trú, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, mua sắm, tôn tạo các di tích lịch sử); phát triển sản phẩm du lịch (du lịch lịch sử, tâm linh; du lịch văn hóa, sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe).
Triển khai thực hiện nghị quyết, UBND tỉnh Điện Biên đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch, xây dựng đề án tổng thể, chi tiết phát triển du lịch tỉnh Điện Biên. Những năm vừa qua, tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, cả ngân sách nhà nước, huy động nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch. Thực tế cho thấy, việc định hướng phát triển du lịch dựa trên đầu tư phát triển hạ tầng, mời gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án, công trình, tạo ra các sản phẩm du lịch ở Điện Biên đã mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là trong việc trùng tu, tôn tạo, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ. Du khách đến Điện Biên không khỏi ngỡ ngàng trước diện mạo mới của miền đất này với những cây cầu, tuyến đường rộng rãi, sạch đẹp dẫn tới các khu di tích, điểm tham quan, du lịch; nhiều công trình tầm vóc khang trang mới được xây dựng, như Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ; bức tranh panorama về trận chiến Điện Biên Phủ có tổng diện tích hơn 3.200m2 tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Tham quan các điểm di tích trên địa bàn TP Điện Biên Phủ trong ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, chúng tôi thấy nhiều du khách bày tỏ vui mừng trước sự phát triển giàu đẹp, văn minh, yên bình của vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa. Tự hào trước sự đổi thay trên mảnh đất mà mình gắn bó, anh Phạm Hồng Thái, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Thái Dương (trụ sở ở phường Thanh Bình, TP Điện Biên Phủ) phấn khởi "khoe", công ty của anh đang sản xuất một số cấu kiện phục vụ dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên Phủ. "Diện mạo và đời sống của người dân thành phố bây giờ khác xa với quang cảnh hoang sơ và những khó khăn, vất vả khi tôi mới đến đây lập nghiệp. Cơ sở hạ tầng khang trang, du lịch ngày càng phát triển kéo du khách đến với TP Điện Biên Phủ nhiều hơn đã góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương giàu mạnh, văn minh. Người dân rất phấn khởi, tự hào", anh Phạm Hồng Thái chia sẻ.
Được biết, không chỉ quan tâm xây dựng hạ tầng và các công trình phục vụ du lịch, tỉnh Điện Biên còn tổ chức nghiên cứu thị trường, nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của du khách để xây dựng các sản phẩm và chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch phù hợp; ký kết, triển khai hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong nước và quốc tế; nghiên cứu thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện du lịch tại các thị trường trọng điểm; tư vấn, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch; xây dựng một số thôn, bản văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu; mời các công ty lữ hành, cơ quan báo chí... tìm hiểu, quảng bá và triển khai chương trình chuyển đổi số trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch... Tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội để thu hút du khách.
Theo đồng chí Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên: Đề án phát triển du lịch tỉnh Điện Biên được xây dựng rất công phu với sự đóng góp tâm huyết của nhiều chuyên gia đầu ngành về du lịch. Ngoài khu vực trung tâm là TP Điện Biên Phủ gắn với hệ thống di tích lịch sử chiến trường xưa đang tiếp tục được đầu tư, tôn tạo để phát triển du lịch, nhất là phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, sắp tới, tỉnh Điện Biên sẽ xây dựng cột cờ ở A Pa Chải-cực Tây Tổ quốc; xây dựng một số điểm dừng chân gắn với các hoạt động nghỉ dưỡng, vui chơi, văn hóa cộng đồng phục vụ du khách; phát triển ẩm thực của đồng bào các dân tộc bảo đảm ngon, hấp dẫn, tinh tế; triển khai các phiên chợ vùng cao, các hoạt động cuối tuần về đêm tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của đồng bào Mông ở Tủa Chùa-nơi có địa hình như cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), có cánh đồng bậc thang như ở Mù Cang Chải (Yên Bái) và có nhiều hang động đã được xếp hạng di sản thiên nhiên... Qua đó, vừa bảo tồn văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào các dân tộc, vừa thu hút khách du lịch.
Báo cáo tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ngày 9-4 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 48/51 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu; tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,19% (đứng thứ 14/63 cả nước). Quý I-2023, GRDP tăng 6,7% (bình quân cả nước là 3,32%); thu ngân sách nhà nước tăng 12,3%; khách du lịch tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022... Tỉnh Điện Biên đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo các điểm di tích thuộc Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ đến năm 2030; xây dựng Khu căn cứ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ; đầu tư kết cấu hạ tầng và làm một số tuyến đường, nhất là cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu Tây Trang...
Bài và ảnh: HÀ KHÁNH