Diễn biến phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết

Sau phần luận tội của VKSND, phiên xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết chuyển sang phần bào chữa của các luật sư và các bị cáo.

Cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: Nhật Nam

Cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết tại tòa. Ảnh: Nhật Nam

Luật sư của cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC đề nghị xem xét lại tiêu chí của hơn 30.000 bị hại

Trước tòa, các luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã trình những luận cứ bảo vệ thân chủ. Về tội danh Thao túng thị trường chứng khoán, thu lợi hơn 700 tỷ đồng của bị cáo Trịnh Văn Quyết, luật sư khẳng định, mục chính của ông Quyết không phải là tiền. Đồng thời phủ nhận ý định lừa đảo của thân chủ.

Đặc biệt về về phần bị hại, cáo trạng nêu vụ án có hơn 30.000 bị hại, song luật sư bảo vệ cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết khi nêu quan điểm đã cho rằng chỉ 133 người mua cổ phiếu ROS ban đầu và hiện chưa bán mới đáp ứng các tiêu chí về bị hại. Còn những người đã bán không thể được coi là bị hại.

Dẫn chứng kết quả tra cứu ngẫu nhiên, luật sư nêu 5 trường hợp bị hại đã bán cổ phiếu ROS và lãi hàng trăm triệu đồng, qua đó cho rằng khả năng có lãi của 30.403 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS ban đầu là rất lớn.

Theo luật sư, sau khi ông Quyết bán cổ phiếu ROS ban đầu ra thị trường, giá đã tăng liên tục trong một thời gian dài, từ tháng 7 đến 12/2021, từ giá ban đầu 2.000 đồng/cổ phiếu, lên 13.600 đồng/cổ phiếu. Theo luật sư, những người mua ROS ban đầu và bán trong giai đoạn tăng giá đều đã có lãi nên không thể coi là bị hại. Nhiều bị hại trong danh sách hơn 30.000 người này còn bị trùng lặp hoàn toàn về nhân thân và địa chỉ, do đó thực tế, con số bị hại chắc chắn ít hơn cáo trạng nêu.

Với lập luận bào chữa trên, luật sư đề nghị HĐXX chỉ công nhận tư cách của 133 bị hại với tổng số tiền thiệt hại thực tế hơn 2,2 tỷ đồng.

Về hơn 3.620 tỷ thân chủ bị quy kết hưởng lợi, theo luật sư không thể xem đây là khoản chiếm đoạt của các nhà đầu tư mà chỉ là "hưởng lợi không ngay tình".

Các bị cáo trong phiên xét xử. Ảnh: Nhật Nam

Các bị cáo trong phiên xét xử. Ảnh: Nhật Nam

Các bị cáo em gái của Trịnh Văn Quyết chỉ thực hiện theo yêu cầu của anh

Cũng tại phiên tòa, các luật sư bào chữa cho hai em gái của ông Quyết, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều cho rằng hai nữ bị cáo chỉ thực hiện theo yêu cầu của anh, không bàn bạc, hưởng lợi. Do đó mức án VKSND đề nghị còn quá nặng.

Với bị cáo Trịnh Minh Huế (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC), luật sư cho rằng, bà Huế không có khả năng, thẩm quyền thực hiện hành vi điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn Công ty Faros. Hành vi của bị cáo Huế chỉ là vô ý, không có mục đích và không trực tiếp giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết hoàn thiện hay thực hiện thủ tục niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn Hose.

Còn luật sư bào chữa cho bị cáo Trịnh Thúy Nga (Kế toán tổng hợp Tập đoàn FLC; thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ Công ty CP Chứng khoán BOS) luật sư cho rằng, trong giai đoạn truy tố cũng như tại phiên tòa, bị cáo Nga đều tích cực hợp tác để phục vụ cho việc giải quyết vụ án, do đó cần áp dụng bổ sung tình tiết giảm nhẹ này.

Luật sư cũng mong HĐXX cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng tính chất, mức độ hành vi và vị trí, vai trò của bị cáo Nga ở góc độ đồng phạm giúp sức, để loại bỏ tính thực hành tích cực ở hành vi đối với tội Thao túng thị trường chứng khoán và xác định vai trò thứ yếu, không đáng kể cho bị cáo ở tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: Nhật Nam

Các luật sư tham gia bào chữa tại phiên tòa. Ảnh: Nhật Nam

Cựu kiểm toán bất ngờ nhận tội

Trước đó, tại phần xét hỏi, bị cáo bị cáo Lê Văn Tuấn (cựu kiểm toán viên Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội - CPA Hà Nội) là bị cáo duy nhất phản cung. Tuy nhiên, bất ngờ trong phần tranh tụng, bị cáo này có đơn xin nhận tội.

Trước bục khai báo, bị cáo Tuấn trình bày đơn xin nhận tội là bị cáo tự nguyện viết, không bị ai ép buộc.

"Sau khi xem xét tại phiên tòa, luật sư bị cáo nhận thấy mình có trách nhiệm trong công việc của mình, bị cáo xin nhận mình có ký vào các báo cáo tài chính, kiểm toán của Công ty Faros năm 2014-2015", bị cáo Tuấn khai.

Trong đơn xin nhận tội, bị cáo Lê Văn Tuấn cho biết, bản thân đã khai nhận hành vi phạm tội khi làm việc với cơ quan điều tra. Song sau đó, Tuấn đã thay đổi lời khai, không nhận tội. "Nay, sau khi xem xét, tôi thừa nhận là có hành vi phạm tội, tôi đã ký vào các báo cáo kiểm toán", bị cáo Tuấn viết trong đơn.

Trình bày thêm, cựu kiểm toán viên CPA Hà Nội cho biết ông ta có vấn đề về tâm thần, trầm cảm, mất ngủ kéo dài và "lúc nhớ lúc quên".

Trước đó, tại phiên tòa diễn ra vào ngày 23/7, bị cáo Lê Văn Tuấn phản cung, tố cáo ông Nguyễn Ngọc Tỉnh (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc CPA Hà Nội).

Theo cáo trạng, Tuấn và ông Tỉnh đã cùng ký vào nhiều báo cáo kiểm toán của Công ty Faros. Nhưng tại tòa, Tuấn nói đã bị cấp trên gây sức ép, buộc phải ký dù thời điểm đó (2014-2015), Tuấn còn chưa được cấp phép hành nghề kiểm toán.

Bị cáo này khẳng định từng nói với ông Tỉnh sẽ không ký vào báo cáo tài chính vì bản thân không làm. Và cho rằng, nếu không đồng ý, ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Bị cáo Tuấn cũng cáo buộc ông Tỉnh đã "mớm" lời khai cho mình khi làm việc với cơ quan điều tra.

Tại phần luận tội và đề nghị mức án ngày 26/7, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Văn Tuấn và Nguyễn Ngọc Đỉnh cùng 7-8 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dien-bien-phien-toa-xet-xu-cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-389440.html