Diễn biến sâu bệnh gây hại lúa xuân và các biện pháp phòng trừ

Từ đầu vụ gieo cấy lúa xuân đến nay, thời tiết thuận lợi cho lúa xuân sinh trưởng, phát triển. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh dự báo, từ nay đến cuối vụ, thời tiết thuận lợi cho một số đối tượng dịch hại chính phát sinh và gây hại; nếu không chủ động tốt công tác dự tính, dự báo và phòng trừ kịp thời, sâu bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa xuân.

Nông dân xã Nhật Tân (Tiên Lữ) chăm sóc lúa xuân

Thời điểm này, gần 25,2 nghìn héc-ta lúa xuân trong giai đoạn đẻ nhánh, cuối đẻ nhánh. Trên một số diện tích, ốc bươu vàng gây hại cục bộ ruộng gần kênh tưới, tiêu; mật độ nơi cao 0,5-1 con/m2, cục bộ 3-5 con/m2. Bệnh nghẹt rễ gây hại trên một số diện tích lúa cạn nước, cấy sâu tay, ruộng bị ngộ độc hữu cơ; tỷ lệ hại nơi cao 1-3% số dảnh, cá biệt có ruộng 5-10% số dảnh. Ngoài ra, bọ trĩ, cỏ dại phát sinh rải rác chủ yếu trên diện tích bị cạn nước. Nông dân đang tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ.

Cùng với diễn biến sâu bệnh gây hại trong giai đoạn hiện nay, thời gian tới, sâu bệnh tiếp tục có chiều hướng phát sinh và gây hại mạnh. Đồng chí Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết: Trên lúa xuân từ nay đến cuối vụ dự báo có một số đối tượng sâu bệnh gây hại chính như: Sâu cuốn lá nhỏ (bướm lứa 1) vũ hóa rộ khoảng trung tuần tháng 3 đến cuối tháng 3, sâu non hại nhẹ, cục bộ từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, chủ yếu trên diện tích lúa gieo cấy sớm, những ruộng xanh tốt. Bướm lứa 2 vũ hóa rộ từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4; sâu non có khả năng gây hại diện rộng ở giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5. Mật độ phổ biến khoảng 7-10 con/m2, nơi cao 30-50 con/m2, cá biệt trên 100con/m2; khả năng mức độ và phạm vi gây hại cao hơn cùng lứa của năm 2022. Bướm lứa 3, sâu non hại diện hẹp từ giữa đến cuối tháng 5, chủ yếu trên diện tích lúa gieo cấy muộn, lúa trỗ sau ngày 10/5. Rầy nâu - rầy lưng trắng lứa 1, rầy cám rộ xuất hiện từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Lứa 2, rầy cám rộ từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, gây hại chủ yếu giai đoạn lúa ôm đòng - ngậm sữa trên các giống nếp, Đài thơm 8... diện phân bố rộng, mật độ phổ biến 300-500 con/m2, nơi cao 1.000-3.000 con/m2, cá biệt có ổ trên 5.000 con/m2. Lứa 3, rầy cám rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại ở giai đoạn lúa ngậm sữa - đỏ đuôi.

Cùng với đó, sâu đục thân bướm 2 chấm, bướm lứa 1 rộ khoảng giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây hại rải rác, phạm vi hẹp từ đầu tháng 4 đến giữa tháng 4. Bướm lứa 2 rộ khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nếu không phòng trừ tốt sâu non sẽ gây bạc bông trên lúa trà trỗ muộn sau ngày 10/5. Bệnh đạo ôn trên lá phát triển mạnh giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh từ trung tuần tháng 3 trên diện tích lúa sớm, cao điểm gây hại từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4, phân bố rộng trên một số giống nhiễm như nếp các loại, TBR225... Bệnh đạo ôn cổ bông, phát sinh từ cuối tháng 4, phát triển mạnh từ đầu tháng đến giữa tháng 5, chủ yếu trên các giống nhiễm nặng như nhóm lúa nếp, TBR225, Q5 và một số giống lúa ngoài cơ cấu, đặc biệt ở những ruộng bị bệnh nặng trên lá và diện tích lúa trỗ trong tháng 4. Bệnh khô vằn phân bố rộng trên các trà lúa, phát triển mạnh từ giai đoạn lúa đứng cái đến cuối vụ, những ruộng cấy dày, bón phân không cân đối.

Ngoài ra, nông dân cần chủ động phòng trừ bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh chủ yếu từ giai đoạn lúa đứng cái, làm đòng đến khi trỗ thoát. Bệnh bạc lá phát sinh chủ yếu từ giai đoạn lúa làm đòng đến cuối vụ, gây hại chủ yếu trên các giống nhiễm, ruộng lúa xanh đậm, bón nhiều đạm, những ruộng bón đạm muộn bệnh hại càng nặng, đặc biệt sau những trận mưa to, dông, lốc, bão... Bệnh lùn sọc đen phương Nam xâm nhiễm, lây lan ở các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa.

Để chủ động phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại lúa, các đơn vị chuyên môn, địa phương và nông dân cần tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính dự báo theo quy chuẩn quốc gia về phương pháp điều tra phát hiện dịch hại trên cây lúa và các quy chuẩn khác liên quan; giám sát chặt chẽ bệnh lùn sọc đen phương Nam để chủ động phòng trừ. Tham mưu, chỉ đạo, thông báo, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, bảo đảm theo nguyên tắc “4 đúng”. Tổ chức các lớp huấn luyện IPM trên các cây trồng chính gắn với xây dựng mô hình để nông dân chăm sóc cây lúa khỏe, chống chịu tốt với sâu bệnh và áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp đạt hiệu quả nhằm giảm chi phí, tăng năng suất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn, tuyên truyền các đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật cung ứng đầy đủ các loại thuốc tốt cho nông dân nhằm ngăn chặn dịch hại kịp thời, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ thuốc cấm, ngoài danh mục, thuốc giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng.

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202303/dien-bien-sau-benh-gay-hai-lua-xuan-va-cac-bien-phap-phong-tru-8fa06c3/