Điện Biên sẽ đầu tư tuyến quốc lộ 279 đoạn Điện Biên – Tây Trang từ nguồn vốn vay WB
UBND tỉnh Điện Biên đã có buổi làm việc với Đoàn công tác Ngân hàng Thế giới và Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) về công tác chuẩn bị đầu tư tuyến QL.279 đoạn Điện Biên – Tây Trang thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào sử dụng vốn vay WB.
Trong buổi làm việc tỉnh Điện Biên đã trao đổi với Đoàn công tác về quá trình phối hợp thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, phương án tuyến và quy mô đầu tư Tiểu dự án nâng cấp, cải tạo QL.279 đoạn Điện Biên – Tây Trang.
Tiểu dự án nâng cấp, cải tạo QL.279 (đoạn Điện Biên - Tây Trang, tỉnh Điện Biên) thuộc Dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối với Lào, sử dụng vốn vay của WB do Ban QLDA 4 lập đề xuất dự án và được Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT tại Công văn số 1126/TCĐBVN-KHĐT ngày 28/02/2022; theo đó, tuyến Quốc lộ 279 trên địa bàn tỉnh Điện Biên được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài khoảng 45,07km bao gồm:
Đoạn 1: Tuyến tránh thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng, hướng tuyến tránh đi về phía bên phải tuyến hiện tại, lý trình từ Km 35+500 - Km 39 + 540 (trùng với Km 38+700 theo lý trình hiện trạng); chiều dài khoảng 4,04 km. Xây dựng mới theo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi, 02 làn xe.
Đoạn 2: Tuyến tránh thành phố Điện Biên Phủ, lý trình từ Km75 +200 - Km 93+150 (trùng với Km 90+517 theo lý trình hiện trạng); chiều dài khoảng 17,95 km. Xây dựng mới theo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi, 02 làn xe.
Đoạn 3: Từ Km 90+517 - Km 113+600 (khu liên kiểm Cửa khẩu Tây Trang); chiều dài khoảng 23,08 km. Nâng cấp đường hiện tại để đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi, 02 làn xe.
Tổng mức đầu tư dự kiến của Tiểu dự án nâng cấp, cải tạo QL.279 khoảng 1.907,51 tỷ đồng, tương đương 82,88 triệu USD. Nguồn vốn đầu tư gồm: Vốn vay IBRD của WB là 53,18 triệu USD, vốn đối ứng 29,37 triệu USD.
Ngày 15/3/2022, Đại diện Tổng cục ĐBVN (Vụ Kế hoạch đầu tư), Ban QLDA 4, Sở GTVT Điện Biên, Sở Xây dựng Điện Biên đã tổ chức kiểm tra hiện trường tuyến QL.279 đoạn Điện Biên - Tây Trang. Trên cơ sở đó, ngày 29/3/2022, Ban QLDA 4 có Công văn số 821/BQLDA4-DAWBKNL báo cáo Tổng cục ĐBVN đề xuất điều chỉnh phương án tuyến và quy mô các đoạn tuyến QL.279 như sau:
Đoạn 1 (Tuyến tránh thị trấn Mường Ảng, huyện Mường Ảng): Điều chỉnh lại quy mô hướng tuyến, theo đó: Tuyến tránh đi về phía bên trái tuyến hiện tại, điểm đầu tại lý trình Km 34+400, điểm cuối tại Km 38+400 (theo lý trình hiện trạng); chiều dài khoảng 6,8 km. Xây dựng mới theo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng và đồi, 02 làn xe.
Lý do điều chỉnh do hướng tuyến mới đi về phía bên trái tuyến QL.279 có địa hình tương đối bằng phẳng và đồi thấp thuận lợi hơn và phù hợp với quy hoạch phát triển mở rộng thị trấn Mường Ảng. Tăng được bề rộng mặt đường, bình diện tuyến thuận lợi, giảm được các đường cong bán kính nhỏ và độ dốc lớn, thuận tiện cho việc nâng cấp mở rộng trong tương lai. Có tính kết nối cao với các tuyến đường hiện trạng, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. Hạn chế ảnh hưởng cuộc sống của đồng bào tái định cư dọc theo chân núi trong quá trình thi công cũng như quá trình khai thác sau này. Đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và dễ dàng mở rộng nâng cấp khi cần thiết.
Đoạn 2 (Tuyến tránh thành phố Điện Biên Phủ): Điều chỉnh lại quy mô hướng tuyến, theo đó: Giữ nguyên điểm đầu tuyến tránh tại Km75 +200 (cầu Huổi Phạ/QL.279) và kéo dài điểm cuối tuyến tránh từ Km90+517 (theo lý trình hiện trạng) đến Km93+00 (cầu Pá Nậm/QL.279); chiều dài khoảng 16,8 km. Xây dựng mới theo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng và đồi, 02 làn xe.
Lý do điều chỉnh: Kéo dài điểm cuối từ Km 90+517 (là khu vực trung tâm huyện Điện Biên) đến Km 93+00 (là khu vực trung tâm huyện Điện Biên), nhằm tránh khu đông dân cư và kết hợp cải tạo bình diện một số vị trí tuyến. Với điều kiện địa hình tương đối bằng phẳng và đồi thấp nên điều chỉnh tuyến tránh thành phố Điện Biên Phủ nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại và phát triển của thành phố trong tương lai.
Đoạn 3: Từ Km 93+00 - Km 96+500 (khu vực Nhà máy xi măng Điện Biên); chiều dài khoảng 3,5 km. Điều chỉnh lại quy mô: Nâng cấp đường hiện tại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III đồng bằng và đồi, 02 làn xe.
Lý do điều chỉnh: Đoạn từ thành phố Điện Biên Phủ đến Nhà máy xi măng Điện Biên (Km 96+500) có địa hình tương đối bằng phẳng và đồi thấp, lượng xe lưu thông trên đoạn tuyến khá nhiều, đặc biệt xe tải trọng lớn chở xi măng, clanke.. chiếm tỷ trọng lớn. Việc nâng cấp quy mô tạo thuận lợi hơn cho việc lưu thông và hạn chế tai nạn trên đoạn tuyến.
Đoạn 4: Từ Km 96+500- Km 113+600 (khu liên kiểm Cửa khẩu Tây Trang); chiều dài khoảng 19,58 km. Giữ nguyên quy mô đầu tư đề xuất ban đầu là nâng cấp đường cũ đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp III miền núi, 02 làn xe.
Tổng chiều dài tuyến theo quy mô điều chỉnh là 46,68 km (trong đó chiều dài tuyến được xây dựng mới là 23,6km, nâng cấp đường cũ 23,08 km). So sánh với phương án tuyến dự kiến ban đầu (Công văn số 1126/TCĐBVN-KHĐT ngày 28/02/2022) chiều dài tăng 1,61km.
Theo nội dung phương án đề xuất, kiến nghị của tỉnh Điện Biên, thì tổng chiều dài tuyến QL 279 đoạn Điện Biên - Tây Trang (bao gồm cả tuyến tránh thị trấn Mường Ảng và tránh thành phố Điện Biên Phủ) có tổng chiều dài khoảng 47,0 km trong đó:
Xây dựng mới 15,8 km; nâng cấp tuyến cũ hiện có 31,2 km); với quy mô đầu tư: Sửa chữa tăng cường mặt đường cũ dài 01 km; Đường cấp III miền núi chiều dài 18,5 km; Đường cấp III đồng bằng và đồi, 02 làn xe với chiều dài 10,2 km; Đường cấp III đồng bằng và đồi, 04 làn xe + quỹ đất dự trữ (để nâng cấp, mở rộng đường cao tốc trong tương lai) với chiều dài 5,6 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 2.087,10 tỷ đồng, tương đương 90,68 triệu USD.
So sánh với phương án do Ban QLDA 4 đề xuất, phương án kiến nghị của tỉnh có chiều dài xây dựng tăng thêm khoảng 0,32 km; kinh phí tăng thêm là 115,59 tỷ đồng, tương đương 7,8 triệu USD.
Ông Shigeyuki Sakaki – Trưởng nhóm Giao thông tại Việt Nam đánh giá cao về Dự án, dự án cũng được sự ưu tiên của Ngân hàng Thế giới, tuy nhiên để được duyệt đầu tư các dự án, tỉnh cần bổ sung về một số yếu tố như: Đánh giá Biến đổi khí hậu, an toàn giao thông, đời sống người dân, sự ảnh hưởng đến diện tích rừng, hiệu quả mà dự án mang lại. Bên cạnh đó ông cũng mong nhận được các phương án hoàn thiện nhất cho các dự án trong thời gian sắp tới.