Điện Biên sẽ xây dựng mô hình điểm phòng chống thiên tai tại thôn, bản

Đây là biện pháp được các ngành thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Điện Biên nhất trí tập trung thực hiện, tại hội nghị tổng kết công PCTT - TKCN năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, được UBND tỉnh Điện Biên tổ chức vào chiều 29-5.

Ngay khi xảy ra thiên tai ngày 23-4, các phòng, ban chuyên môn huyện Nậm Pồ đã khẩn trương cử cán bộ về cơ sở thống kê thiệt hại, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Ngay khi xảy ra thiên tai ngày 23-4, các phòng, ban chuyên môn huyện Nậm Pồ đã khẩn trương cử cán bộ về cơ sở thống kê thiệt hại, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, năm 2019, toàn tỉnh có bảy người chết, một người bị thương do thiên tai; 594 nhà bị thiệt hại do dông lốc, 19 điểm trường bị hư hỏng, 2381,29 ha lúa bị thiệt hại; 333 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi; 1.574m kênh bị sạt lở, vùi lấp; 147.567m3 đất, đá sạt lở xuống đường, vùi lấp cống rãnh… thiệt hại khoảng 50 tỷ đồng.

Nhận định tình hình thời tiết năm 2020 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường bởi mới đầu mùa mưa bão 2020, Điện Biên đã thiệt hại hơn 72 tỷ đồng do dông lốc, thiên tai, nên đòi hỏi các cấp, các ngành và mỗi người dân phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả.

Để chủ động ứng phó thiên tai hiệu quả, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương xây dựng phương án ứng phó kịp thời; thường xuyên kiểm tra, rà soát các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, xói, lở đất, ngập úng... từ đó chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, xử lý hiệu quả các tình huống có thể xảy ra. Đặc biệt, để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” khắc phục kịp thời hậu quả mưa bão, từ kinh nghiệm của các huyện Nậm Pồ, Điện Biên Đông trong đợt ứng phó mưa lũ vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên chỉ đạo xây dựng mô hình điểm đội xung kích phòng chống thiên tai tại một số xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; các đoàn thể địa phương là thành viên và toàn bộ các gia đình trong xã, bản phải cử người tham gia đội xung kích, để cùng tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả hay ứng cứu. Căn cứ kết quả thực hiện mô hình điểm, địa phương sẽ xem xét nhân rộng mô hình tại tất cả xã, bản trong thời gian tới.

LÊ LAN - ĐỖ HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44656802-dien-bien-se-xay-dung-mo-hinh-diem-phong-chong-thien-tai-tai-thon-ban.html