Điện Biên tăng cường biện pháp chống 'giặc lửa'
Thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết và bám địa bàn, nắm chắc lịch sản xuất của nhân dân để chủ động hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì chuẩn bị nương gieo trồng đúng quy định, do vậy từ đầu mùa khô 2020 và 2021 đến nay, toàn tỉnh Điện Biên chưa có vụ cháy rừng nào. Có thể nói công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh luôn được lực lượng kiểm lâm Điện Biên ưu tiên đặt cảnh báo cao nhất...
Thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết và bám địa bàn, nắm chắc lịch sản xuất của nhân dân để chủ động hướng dẫn nhân dân phát dọn thực bì chuẩn bị nương gieo trồng đúng quy định, do vậy từ đầu mùa khô 2020 và 2021 đến nay, toàn tỉnh Điện Biên chưa có vụ cháy rừng nào. Có thể nói công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh luôn được lực lượng kiểm lâm Điện Biên ưu tiên đặt cảnh báo cao nhất...
Là tỉnh miền núi, diện tích tự nhiên có rừng lớn (hơn 954 nghìn ha) và gần 82% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống chủ yếu nhờ làm nương, phát rẫy cho nên bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4 hằng năm là thời gian cao điểm người dân sản xuất trên nương, chuẩn bị đất gieo vụ mới. Hiểu rõ tập quán, thói quen và chu kỳ sản xuất của người dân vùng núi, bước vào mùa khô năm nay, theo chỉ đạo từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, tất cả kiểm lâm viên (KLV) phải bám địa bàn 24/24 giờ các ngày trong tuần để cùng các thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống cháy rừng cấp xã tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát nhân dân chuẩn bị đất, làm nương.
Trao đổi về công việc của KLV địa bàn trong thời gian này, anh Giàng A Sang, KLV phụ trách địa bàn xã Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: Nắm chắc địa bàn dân cư từng bản, KLV địa bàn còn phải nắm lịch thời vụ, tập quán canh tác và nắm cả lịch làm nương của từng gia đình, trên cơ sở đó KLV địa bàn sẽ tham mưu UBND xã điều thêm lực lượng về từng bản cùng với KLV hướng dẫn người dân cách phát nương, dọn thực bì và làm đường ranh cản lửa phòng khi đốt nương cháy lan vào rừng. Tại xã Mường Pồn hiện có hơn 9.800 ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó đất lâm nghiệp có rừng là 6.335,9 ha, trong khi kiểm lâm địa bàn chỉ có hai người. Do vậy từ đầu mùa khô (tính theo liên vụ 2020 - 2021) đến nay, đã mấy tháng liền anh em kiểm lâm không ngày nào rời địa bàn; việc họp hành cũng được lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện ưu tiên cho… tiếp thu sau bằng văn bản. Với các bản vùng thấp ở trung tâm xã, như: Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Cò Chạy thì tranh thủ cuối ngày KLV có thể về từng nhà gặp gỡ người dân để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng. Thế nhưng, với bốn bản đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, gồm: Đỉnh Đèo, Huổi Chan 2, Huổi Un, Pá Chả thì KLV tìm đến từng nương sản xuất để hướng dẫn người dân làm đường băng theo cách cầm tay chỉ việc. Làm theo cách đó cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các thành viên Ban Chỉ huy quản lý bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng xã Mường Pồn và hơn 100 thành viên tổ bảo vệ rừng ở 11 bản, từ đầu mùa khô đến nay, Mường Pồn không xảy ra cháy rừng hoặc đốt nương cháy lan vào rừng.
Địa bàn TP Điện Biên Phủ hiện có 12.794 ha rừng tự nhiên và rừng trồng thuộc 11 xã, phường (trừ phường Thanh Bình không có rừng), trong khi kiểm lâm địa bàn chỉ có bảy đồng chí nên khối lượng công việc của từng KLV trong những tháng mùa khô khá nặng nề. Để tăng cường lực lượng bảo vệ rừng trong mùa khô, bảo đảm không xảy ra cháy rừng do đốt nương làm rẫy, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, Hạt Kiểm lâm TP Điện Biên Phủ đã phối hợp các xã, phường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng cho 6.224 lượt người tại 103 phố, bản có rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng với 6.224 hộ gia đình. Đồng thời Hạt Kiểm lâm thành phố hướng dẫn 11 xã, phường kiện toàn ban chỉ huy quản lý bảo vệ rừng cấp xã, với 282 thành viên; kiện toàn 103 tổ, đội quần chúng bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng tại các phố, bản với 949 thành viên bảo đảm chủ động thực hiện phương án bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng theo phương châm bốn tại chỗ: Lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy tại chỗ; sẵn sàng huy động các lực lượng dân quân, dự bị động viên, công an, nhân dân, cán bộ công chức tham gia chữa cháy. Đối với 769 chủ rừng là cộng đồng dân cư và hộ gia đình đã được chi trả dịch vụ môi trường rừng, Hạt Kiểm lâm thành phố giao trách nhiệm KLV địa bàn phải hướng người dân, hỗ trợ chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp điều kiện thực tế, bảo đảm diện tích rừng đã giao cho chủ rừng được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt.
Trao đổi về công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô hanh trên địa bàn toàn tỉnh, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Hà Lương Hồng cho biết: Ngoài việc chủ động xây dựng kế hoạch, phân công KLV trực hằng ngày trong suốt thời kỳ cao điểm của mùa khô (mùa bà con DTTS làm nương gieo hạt), Chi cục Kiểm lâm tỉnh yêu cầu các hạt kiểm lâm phải thông báo cấp dự báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo về từng bản để nhân dân chủ động thực hiện và chủ động phương án ứng cứu nếu cháy xảy ra. Từ đầu mùa khô đến nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các hạt kiểm lâm 10 huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 88 buổi tuyên truyền phòng, chống cháy rừng với 4.203 người tham gia; tổ chức 414 lượt tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng tại huyện Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Chà, TP Điện Biên Phủ có sự tham gia của 3.511 người là đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Với kết quả đạt được đến thời điểm hiện tại là chưa ghi nhận vụ cháy rừng nào suốt từ đầu mùa khô 2020 - 2021 đến nay, song ông Hà Lương Hồng cũng cho rằng, không vì kết quả đạt được mà chủ quan, hài lòng. Bởi nguy cơ cháy rừng tiềm ẩn từ nhiều nguyên nhân, như: ý thức, nhận thức của người dân chứ không chỉ do thời tiết nắng nóng, hanh khô. Do vậy, từ nay đến cuối mùa khô này (tháng 5-2021), Chi cục Kiểm lâm tỉnh vẫn yêu cầu tất cả KLV phải bám địa bàn thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống cháy rừng mùa khô; đồng thời mỗi KLV phải tích cực vận động nhân dân chuyển đổi tập quán canh tác nương luân canh trên đất lâm nghiệp sang trồng rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ. Cùng với đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên trao đổi thông tin với cấp ủy, chính quyền các huyện, đề nghị quan tâm chỉ đạo các lực lượng chung tay cùng lực lượng kiểm lâm trên trận tuyến “chống giặc lửa” rất khó nhọc và cam go.