Điện Biên: Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình sáp nhập xã

Sáng 28/4, tại kỳ họp thứ 20 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên khóa XV, trong phiên thảo luận, cho ý kiến dự thảo Nghị quyết sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh, đã có nhiều ý kiến đại biểu đề cập thực trạng, khó khăn ở nhiều bản đang thuộc diện khó khăn ở các xã. Mà khó khăn dễ nhận thấy nhất là giao thông cách trở, địa bàn biệt lập, vậy nên khi nhập về xã mới thì các bản diện khó này sẽ có nhiều khó khăn hơn.

Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên tại kỳ họp lần thứ 20.

Đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên tại kỳ họp lần thứ 20.

Lấy dẫn chứng bản Tả Ló San (thuộc xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé), bà Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên, nêu rõ: Cả bản Tả Ló San chỉ có hơn chục gia đình đều là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2009 có 13 gia đình đã tự nguyện rời bản cũ để định cư lập bản Tả Ló San.

Đến nay, dù đã thành lập được 16 năm nhưng bản vẫn thuộc diện khó khăn nhất xã. Đường từ Tả Ló San về xã dài hơn 40km là đường cấp phối, gập ghềnh; bản hiện chưa có điện lưới quốc gia…

Bởi xa cách trung tâm xã và trung tâm huyện, điều kiện địa lý đặc biệt cách trở, cho nên với việc nhập các xã Sín Thầu, Sen Thượng và Leng Su Sìn để thành lập xã Sín Thầu, với trụ sở dự kiến đặt tại trụ sở xã Leng Su Sìn (hiện nay), thì đường từ bản Tả Ló San về xã mới càng xa hơn.

Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Sen Thượng thăm hỏi, tặng quà người nghèo ở bản Tả Ló San.

Bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Sen Thượng thăm hỏi, tặng quà người nghèo ở bản Tả Ló San.

Tương tự với việc nhập 3 xã Xá Nhè, Mường Đun (huyện Tủa Chùa) và Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) để thành lập xã mới có tên là Sáng Nhè, trụ sở dự kiến đặt tại xã Xá Nhè (hiện nay), thì hầu hết các bản ở xã Phình Sáng (cũ) đều cách trung tâm xã mới hơn chục cây số; một số bản xa cách hơn 30km.

"Hiện tại chưa nhập xã thì các bản khó khăn đã rất khó khăn. Khi nhập về xã mới thì chúng ta đều nhìn thấy khó khăn trước mắt với các bản này là khoảng cách địa lý, hạ tầng giao thông. Bởi vậy, ngay khi hoàn thành sáp nhập xã cần có sự rà soát tổng thể để xây dựng lộ trình, mục tiêu riêng cho các bản thuộc diện khó khăn này", bà Giàng Thị Hoa đề nghị.

Đại biểu Cao Thị Tuyết Lan (huyện Điện Biên) bày tỏ băn khoăn khi việc nhập xã sẽ có thêm nhiều bản xa xôi.

Đại biểu Cao Thị Tuyết Lan (huyện Điện Biên) bày tỏ băn khoăn khi việc nhập xã sẽ có thêm nhiều bản xa xôi.

Chung ý kiến với bà Giàng Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Cao Thị Tuyết Lan, cũng đề cập: Hiện tại, có bản Púng Bửa ở xã Na Ư là xa trung tâm xã và rất khó khăn, vậy nên tới đây khi Na Ư cùng với xã Pom Lót nhập về xã Sam Mứn để thành lập xã mới có tên là Sam Mứn và trụ sở dự kiến đặt tại trụ sở xã Pom Lót (hiện nay), thì từ bản Púng Bửa về trung tâm xã mất hơn 35km.

Tương tự, với các xã Mường Nhà, Na Tông thuộc huyện Điện Biên hiện có nhiều bản cách xa trung tâm xã, đường đi không thuận lợi cho nên điều chỉnh nhập xã mới với khoảng cách xa hơn sẽ khó khăn cho bà con nhân dân.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu tại kỳ họp, đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thực sự là cuộc cách mạng.

Dù rằng thực hiện trong thời gian ngắn, theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" song quá trình xây dựng phương án sáp nhập Ủy ban nhân dân tỉnh luôn chỉ đạo các ngành, các cấp phải quán triệt nghiêm quan điểm sắp xếp đơn vị hành chính phải bảo đảm các tiêu chí: địa kinh tế; địa chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa-dân tộc và quốc phòng-an ninh. Sau sắp xếp phải tạo dư địa phát triển mới cho xã và cho cả vùng.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên giải đáp các ý kiến mà đại biểu còn băn khoăn.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên giải đáp các ý kiến mà đại biểu còn băn khoăn.

Với dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo phương án giảm từ 129 đơn vị hành chính xã xuống còn 45 đơn vị mà Ủy ban nhân dân tỉnh trình tại kỳ họp lần này, đồng chí Lê Thành Đô khẳng định, đã được thực hiện theo đúng các bước, quy trình.

Quá trình xây dựng, lấy ý kiến cử tri theo từng cấp, ban soạn thảo đã tiếp nhận nhiều ý kiến cử tri và xem xét, đánh giá, điều chỉnh. Ví như, với dự thảo nhập 3 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình để thành lập xã Sín Chải, dự kiến trụ sở đặt tại xã xã Lao Xả Phình (hiện tại) nhưng tiếp thu ý kiến của cử tri huyện Tủa Chùa thì Ban soạn thảo đã tiếp nhận điều chỉnh chọn trụ sở xã Sín Chải (mới) đặt tại xã Tả Sìn Thàng.

Hay như dự thảo ban đầu trình lấy ý kiến cử tri là nhập ba xã: Xá Nhè, Mường Đun (huyện Tủa Chùa) và xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) để thành lập xã mới lấy tên là Xá Nhè, song ngay khi tiếp nhận ý kiến cử tri đề nghị đặt tên xã mới là Sáng Nhè để phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, thì Ban soạn thảo và Ủy ban nhân dân tỉnh đã tiếp nhận điều chỉnh ngay.

Khẳng định thêm yêu cầu đặt ra trong việc xây dựng Đề án sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã tại tỉnh Điện Biên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên nêu rõ: Ngoài các yêu cầu tối ưu hóa bộ máy hành chính, tăng cường nguồn lực phát triển… quá trình xây dựng Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn coi trọng yêu cầu sáp nhập phải phù hợp yêu cầu thực tế, đồng thời tạo thuận lợi phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương và phù hợp truyền thống văn hóa các dân tộc.

Tuy nhiên, với thực tế là giảm từ 129 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 45 đơn vị không tránh khỏi khó khăn và thay đổi với người dân một số bản, một số địa bàn cũ. Hiện, chúng ta đã nhận thấy thuận lợi, khó khăn của từng xã sau sáp nhập, đặt trụ sở làm việc, nhưng vì sự phát triển chung, vì thuận lợi nhất cho nhân dân nên Đề án trình đại biểu hội đồng đã lựa chọn phương án tối ưu nhất, thuận lợi nhất.

Cùng với việc diễn giải quy trình xây dựng Dự thảo và các dẫn chứng cụ thể trong tiếp nhận, chỉnh sửa nội dung Dự thảo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, Chủ tịch Lê Thành Đô đã nói rõ, các khó khăn hiện hữu hoặc khó khăn mới phát sinh sau sáp nhập (giao thông, địa điểm làm việc) sẽ tiếp tục được tỉnh rà soát để có giải pháp, phương án tháo gỡ, tạo động lực để xã hoạt động hiệu quả và đáp ứng mong mỏi của nhân dân.

Bởi vậy, sau sáp nhập dù nhiều bản về xã sẽ xa hơn thì cử tri, nhân dân Điện Biên hãy luôn yên tâm, tin tưởng, việc dù khó cũng luôn được quan tâm giải quyết kịp thời...

Cán bộ Tổ công tác tại bản Tả Ló San hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.

Cán bộ Tổ công tác tại bản Tả Ló San hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dien-bien-tao-dieu-kien-thuan-loi-toi-da-cho-nguoi-dan-trong-qua-trinh-sap-nhap-xa-post875987.html