Điện Biên: Trạm nước thải 'tê liệt'… cán bộ nói 'hiệu quả'
Trạm xử lý nước thải Nậm Cản thuộc phường Na Lay, thị xã Mường Lay (tỉnh Điện Biên) cách hai bản Na Lát, Quan Chiên vài trăm mét.
Song nhiều năm nay nước thải sinh hoạt, chăn nuôi của hàng trăm hộ dân ở đây vẫn chảy tràn ra khe rồi đổ thẳng vào lòng hồ Mường Lay. Cán bộ phòng Quản lý đô thị (QLĐT) khẳng định hệ thống “đồng bộ, hiệu quả”…
Phải đền bù cho dân?
Ông Vàng Văn Vượng, Bí thư Chi bộ bản Quan Chiên dẫn chúng tôi “mục sở thị” ống dẫn nước thải về bể chứa đầu bản. Ông cho biết, cả bản có gần 50 hộ. Tất tần tật nước thải của người và vật nuôi đều thải chung một đường dẫn ra đầu bản. Bể ga to có lỗ hở bốc mùi! Lắm khi nước thải nhiều quá không hút kịp về nhà máy thì bốc mùi ghê gớm.
Theo ông Mào Văn Chiến, Bí thư Chi bộ bản Na Lát cho biết, có ống dẫn thải được lắp từ đường xả thải của bản Na Lát. Nhưng ống nhỏ quá không dẫn kịp khiến nước thải tràn ngược vào mấy nhà gần đó. Bà con không chịu được mùi hôi nồng đành phải khoét lỗ này để nước thải ra khe. Cả bản Na Lát có 112 hộ với trên 400 nhân khẩu cùng vài nhà chăn nuôi cho nên lượng nước thải hàng ngày rất lớn.
Ông Lò Văn Tắc, người dân bản Na Lát còn chỉ cho chúng tôi xem ống nhựa nằm phơi nắng cạnh thành cầu. Theo ông Tắc, đây là đường ống dẫn nước thải của thị xã làm rồi để không. Vì nhà dân làm trước, đường nước thải làm sau lại đặt trước khu dân cư.
“Trước thì dân làm ống nước thải đằng trước họ không cho, bắt phải làm đường nước thải sau nhà. Đến khi nhà làm xong đâu vào đấy mới làm đường nước thải chạy qua trước cửa nhà dân. Giờ nhà làm đâu vào đấy, ở ổn định rồi lại bảo đào nền chuyển đường ống dẫn từ hố ga, đường nước thải từ đằng sau nhà ra đằng trước thì làm kiểu gì?” - ông Tắc bức xúc nói.
Thực trạng dòng nước thải đen ngòm đổ vào khe suối ở giữa hai bản Na Lát, Quan Chiên rồi chảy thẳng ra lòng hồ Mường Lay. Ông Tắc cho biết, ngày nắng mùi khó chịu. Mấy nhà ở gần hồ không chịu nổi phải khoanh ô thả bèo hút bớt mùi.
Ông Lò Văn Phanh là người già, có uy tín ở bản Na Lát. Bản thân ông Phanh cũng nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri của thị xã, song hầu như chẳng có phản hồi.
“Họ làm như thế là chưa được. Tôi cho rằng có vấn đề về kỹ thuật. Bây giờ theo tôi, ông nào làm sai phải chịu trách nhiệm. Ông ấy phải bỏ tiền túi ra mà làm lại cho dân chúng tôi”, ông Lò Văn Phanh nói.
“Quan bé” nói do dân, “quan to” thừa nhận bất cập
Ông Lê Văn Huấn, Phó phòng QLĐT và ông Nguyễn Văn Nghị, cán bộ thuộc phòng cho biết, trạm xử lý nước thải Nậm Cản là một trong năm trạm xử lý nước thải hiện đại do Phòng QLĐT quản lý, vận hành. Theo công suất thiết kế, Trạm xử lý nước thải Nậm Cản có công suất 490m3/ngày đêm. Trạm được xây dựng từ năm 2012, hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2015 với kinh phí đầu tư trên 26 tỷ đồng từ nguồn vốn tái định cư dự án Thủy điện Sơn La.
Về quy trình vận hành, hoạt động của Trạm xử lý nước thải Nậm Cản những cán bộ trên đều khẳng định: Hoạt động tốt, chất lượng đảm bảo và cũng đảm bảo thu gom hết lượng nước thải sinh hoạt trong các khu dân cư ở Nậm Cản (trong đó bao gồm cả bản Na Lát, Quan Chiên).
Khi chúng tôi đề cập thực trạng nước xả thải tại hai bản Na Lát, Quan Chiên chảy ngược vào khu dân cư, chảy tràn vào khe rồi đổ ra lòng hồ gây mùi hôi thối, ô nhiễm thì những cán bộ trên cho rằng: Người dân không thực hiện đúng hướng dẫn.
Ông Nghị lý giải, khi di chuyển dân lên tái định cư thì chưa được đầu tư hệ thống thoát, xử lý nước thải. Do vậy, phòng đã hướng dẫn nhân dân đấu nối hệ thống nước thải để chờ vì theo quy hoạch hệ thống thoát nước thải đặt ở mặt trước các khu dân cư.
Nhưng thực tế một số hộ không để chờ nên khi làm hệ thống nước thải sinh hoạt vẫn tạo điều kiện cho bà con đấu nối. Tình trạng ùn ứ, tắc đường dẫn nước thải là do tập quán, thói quen sinh hoạt, chăn nuôi. Tất cả nước thải của nhân dân đều dồn vào hệ thống thoát nước thải trong khi thiết kế chỉ là xử lý nước thải sinh hoạt.
Khác hoàn toàn cách trao đổi của cán bộ Phòng QLĐT, ông Nguyễn Quốc Quân, Giám đốc Ban Quản lý dự án thị xã Mường Lay (chủ đầu tư dự án xây dựng Trạm xử lý nước thải Nậm Cản) thừa nhận có tồn tại. Ông Quân cho rằng, thời điểm năm 2009 và 2010, thị xã cũng như các cấp, các ngành trong tỉnh đều dồn sức thực hiện di dân từ dưới lòng hồ, sao cho đảm bảo tiến độ tích nước của Thủy điện Sơn La.
Do vậy mà chưa bao quát hết việc quy hoạch, thiết kế hệ thống xả thải. Chỉ sau này, khi việc di dân đã hoàn thành, nhân dân ở ổn định thì chính quyền địa phương mới bắt đầu triển khai các dự xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Bởi thế đã dẫn đến bất cập hiện nay.
Mặt khác, ông Quân cũng thừa nhận một phần nguyên nhân chính là kinh nghiệm và năng lực của cán bộ kỹ thuật. Bởi thế, ông Quân cho rằng, kiến nghị của nhân dân hai bản là chính xác và việc khắc phục là hết sức cần thiết.
“Với trách nhiệm chủ đầu tư và trách nhiệm của đơn vị chuyên ngành, ban đã đề xuất chủ trương đầu tư dự án Hệ thống thoát nước bẩn vệ sinh môi trường phường Na Lay và đã được UBND tỉnh chấp thuận. Theo phương án thiết kế của Ban Quản lý Dự án thị xã Mường Lay, khắc phục tình trạng ùn ứ nước thải trong khu dân cư (chủ yếu ở bản Na Nát, Quan Chiên), cần thiết phải bổ sung tuyến ống thoát từ WC của các hộ dân đấu nối vào ống thải chung của khu vực với tổng chiều dài 5.241,2m”, ông Nguyễn Quốc Quân nói.
Như vậy, với câu trả lời của ông Nguyễn Quốc Quân thì dường như “lời giải” khắc phục tình trạng ô nhiễm từ nước thải ở hai bản Na Nát, Quan Chiên đã sáng tỏ. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, là câu hỏi: “Khi nào việc khắc phục mới được triển khai trên thực tế?” để người dân không thấp thỏm đợi mong, để nguồn nước lòng hồ ở Mường Lay được trong sạch như vốn có…?