Diễn biến vụ giải cứu bé trai ở Đồng Tháp ngày 5/1: Chuyên gia Nhật Bản trực tiếp đến hiện trường
Liên quan đến vụ bé trai bị rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp được xác định đã tử vong, lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn đang làm việc khẩn trương để đưa trụ bê tông có thi thể nạn nhân lên mặt đất.
Chiều muộn ngày 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp thông tin, hôm nay và nhiều ngày qua, Đồng Tháp đã nhận được nhiều góp ý trong công tác cứu hộ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở công trình cầu Rọc Sen.
Đặc biệt, chiều cùng ngày, đoàn chuyên gia Nhật Bản gồm 8 người đã trực tiếp đến hiện trường nơi Hạo Nam gặp nạn và có đưa ra biện pháp để đưa cọc bê tông và thi thể em lên mặt đất.
Tuy nhiên, biện pháp của đoàn chuyên gia Nhật Bản cần một số thiết bị đặc biệt, phương tiện chưa tập hợp đủ nên tỉnh Đồng Tháp cần thời gian để huy động. Vì lý do này, biện pháp của các chuyên gia Nhật Bản chưa được thực hiện.
“Các lực lượng vẫn đang có mặt tại hiện trường nhưng đến thời điểm này, việc cứu hộ bé Hạo Nam chưa thể hoàn tất vì liên quan đến khó khăn kỹ thuật; các phương án đưa ra đang bị trở ngại”, ông Bửu thông tin thêm.
Hiện tại, các chuyên gia của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các lực lượng quân đội, công an và hàng trăm người tham gia cứu hộ vẫn đang triển khai các giải pháp để cứu hộ bé trai ở Đồng Tháp.
Sáng ngày 5/1, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, xuyên đêm ngày 4/1, sang ngày 5/1, đội cứu hộ vẫn phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên tục tại hiện trường để đưa cháu bé lên, sau đó thực hiện các biện pháp hỗ trợ gia đình.
Tuy nhiên, việc đưa cháu bé lên mặt đất vẫn chưa thực hiện được và sáng sớm nay công việc tạm dừng thời gian ngắn do gặp phải tầng địa chất đặc biệt.
Đây là tình huống khó khăn, trở ngại gặp phải từ khâu kỹ thuật tới địa chất ở tầng sâu. Khi đội cứu hộ thực hiện khoan xuống độ sâu 30 đến 40m gặp phải tầng đất phức tạp, nền địa chất rắn, đất sét dính chặt.
Cũng trong sáng nay, lực lượng cứu hộ đã hội ý khẩn cấp để trưng cầu ý kiến các chuyên gia giỏi trong nước và ngoài nước về cách giải quyết các tầng địa chất sâu trong lòng đất. Các biện pháp tối ưu đang được chọn lựa.
Đáng chú ý, sau khi xác định bé Hạo Nam đã tử vong thì đã có thay đổi trong phương pháp cứu hộ. Cụ thể, lực lượng cứu hộ sẽ thực hiện tháo các khớp nối, lần lượt đưa 3 đoạn ống lên, thay vì đưa cả 3 đoạn ống trụ như trước đó dự tính.
Thời điểm hiện tại, lực lượng cứu hộ vẫn tiếp tục cố gắng đưa đoạn ống bê tông đầu tiên lên. Sau đó, triển khai biện pháp cứu hộ ở đoạn ống thứ hai và thứ ba nằm sâu trong lòng đất.
Về vị trí bé Hạo Nam mắc kẹt, theo ông Bửu, đoạn đầu của ống trụ bê tông ít có khả năng bé mắc kẹt lại. Lực lượng cứu hộ phán đoán bé kẹt ở đoạn thứ hai và đang thăm dò.