Diễn đàn châu Á Bác Ngao kêu gọi tăng hợp tác đa phương chống dịch
Phó Giám đốc điều hành IMF cho rằng cần có sự hợp tác vững chắc trong khu vực và trên toàn cầu nhằm bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia, nhấn mạnh không có nước nào có thể tự mình thành công.
Đối mặt với cú sốc chưa từng có do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu gây ra, các chuyên gia và quan chức tham dự hội nghị chuyên đề trực tuyến do Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) tổ chức ngày 8/5 đã kêu gọi các nỗ lực tập thể nhằm vượt qua thử thách này.
Viện dẫn sức ép ngắn hạn từ đại dịch COVID-19 cũng như sự tồn tại dai dẳng của chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ, trong Báo cáo Thường niên đánh giá tiến trình hội nhập kinh tế châu Á 2020, BFA cảnh báo nền kinh tế châu Á có khả năng tiếp tục chậm lại trong những năm tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch BFA, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, ông Chu Tiểu Xuyên nhấn mạnh: "Đại dịch đã nới rộng khoảng cách giữa mọi người, song trong những thời khắc khó khăn, sự hiểu biết và tương trợ lẫn nhau từ mỗi người, giữa các nước và khắp các khu vực trở nên cấp bách hơn, nhằm mang lại sự sáng suốt và tìm ra các giải pháp."
Nhấn mạnh virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 không phân biệt biên giới, ông Trương Đào - Phó Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng cần có sự hợp tác vững chắc trong khu vực và trên toàn cầu nhằm bổ sung cho nỗ lực của các quốc gia, nhấn mạnh không có nước nào có thể tự mình thành công.
Ông cũng bày tỏ tin tưởng vào các nền kinh tế châu Á, đánh giá khu vực này có sức chống chịu mạnh mẽ và đang đóng góp đáng kể cho cuộc chiến chống dịch COVID-19 trên toàn cầu và nỗ lực phục hồi tăng trưởng.
Đồng quan điểm với ông Trương Đào, cựu Phó Thủ tướng Singapore Wong Kan Seng nhận định việc lựa chọn giữa sức khỏe cộng đồng và các hoạt động kinh tế là một lựa chọn khó khăn. Với tình hình hiện tại, điều quan trọng là tất cả các nước không đóng cửa khi mà một hành động chung sẽ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch.
Về phần mình, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc Nicolas Chapuis cũng kêu gọi các nước cần phối hợp các nỗ lực nhằm duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi công nghiệp toàn cầu luôn mở, ổn định và vững chắc.
Dịch COVID-19 đã để lại những ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu khi hàng loạt tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay. Ngày 14/4 vừa qua, IMF đã công bố báo cáo cho biết nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020, mức giảm nặng nề khi hồi tháng Một chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay.
Tuy nhiên, trong cuộc họp trực tuyến mới nhất ở Florence ngày 8/5, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng dự báo trên vẫn còn quá lạc quan. Theo bà, những số liệu kinh tế sắp tới tại nhiều quốc gia sẽ thấp hơn so với những đánh giá vốn đã kém lạc quan cho năm nay của IMF.
Nhấn mạnh cần có giải pháp y tế cấp bách, người đứng đầu IMF cho rằng nền kinh tế thế giới sẽ chỉ phục hồi khi có phương pháp điều trị hiệu quả và vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 trước đầu năm 2021.
Tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp khi số ca nhiễm trên toàn cầu đã vượt quá 4 triệu người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h30 sáng 9/5 (giờ Việt Nam), trên thế giới ghi nhận 4.012.841 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 276.216 ca tử vong. Trong số hơn 270.000 ca tử vong trên toàn cầu, số bệnh nhân ở châu Âu và Mỹ chiếm tới gần 85%./.