Diễn đàn châu Á - Bác Ngao khai màn với nhiều chủ đề nóng
Nhiều vấn đề quan trọng đã được quan chức Trung Quốc đưa ra và thảo luận tại sự kiện lần này.
Sáng 28/3, Diễn đàn châu Á thường niên Bác Ngao đã khai mạc tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc với gần 2.000 đại biểu từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Sự kiện sẽ diễn ra đến ngày 29/3.
Năm nay, với chủ đề “Châu Á và thế giới: Những thách thức chung, trách nhiệm chung”, sự kiện tập trung vào những vấn đề quan trọng như: Kinh tế thế giới, Phát triển xã hội, Đổi mới khoa học và công nghệ, Hợp tác quốc tế, và Cùng đối phó với các thách thức.
Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Triệu Lạc Tế, cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện chiến lược đổi mới, chẳng hạn: thúc đẩy đổi mới công nghiệp dựa trên tiến bộ khoa học và công nghệ, cũng như đẩy nhanh tốc độ đào tạo lực lượng lao động mới có trình độ.
Đối với vấn đề môi trường đầu tư, quan chức này cũng cho biết Trung Quốc sẽ tuân thủ các quy tắc, tiêu chuẩn kinh tế và thương mại quốc tế, xây dựng môi trường đầu tư lành mạnh, chất lượng cao cũng như tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng của thị trường để chào đón thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đang là chủ đề được thảo luận sôi nổi bởi nhiều chuyên gia hàng đầu. Cụ thể, tại diễn đàn, các học giả đã phân tích sâu vào những đột phá, ứng dụng cũng như những rủi ro đến từ AI trong từng lĩnh vực cụ thể, từ đó tìm ra cách phát triển công cụ này hiệu quả.
Giáo sư Kyoung Mu Lee từ Đại học Quốc gia Seoul cho biết các quốc gia cần chú trọng đầu tư, phát triển trí truệ nhân tạo tổng hợp, nhấn mạnh tiềm năng tích hợp AI vào nhiều loại thiết bị máy móc trong đời sống xã hội, như xe cộ và robot.
Stuart Russell, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley, thừa nhận những tiến bộ lớn về AI trong những thập kỷ gần đây, đặc biệt là trong xử lý ngôn ngữ và bằng chứng rõ ràng nhất là mô hình ChatGPT. Tuy vậy, chuyên gia này cũng lưu ý rằng công nghệ này vẫn tồn tại nhiều hạn chế, nhấn mạnh cần phải có sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu giải pháp ứng phó cũng như ban hành các quy định liên quan.
Trong bối cảnh biến đối khí hậu ngày càng trầm trọng, nền kinh tế số hai thế giới đang xem phát triển xanh, ít carbon là giải pháp trọng tâm để đối phó với thách thức này.
Là một trong những quốc gia có lượng phát thải cao nhất thế giới, Trung Quốc luôn phải đối mặt với áp lực trong nước và quốc tế về việc phải giảm mức khí thải. Ông Triệu cho biết phát triển xanh và ít carbon sẽ giúp Bắc Kinh đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy thị trường đầu tư và tiêu dùng.
Trong năm 2023, công suất phát điện mặt trời lắp đặt của Trung Quốc đạt gần 217GW, gấp gần 2,5 lần so với năm 2022, chiếm hơn một nửa công suất phát quang điện lắp đặt mới của toàn thế giới.
Về tiền tệ, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Phan Công Thắng cho biết nước này đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với 29 nước và khu vực, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch thương mại.
Khi nhiều khu vực đang tràn ngập trong các xung đột địa chính trị, diễn đàn cũng là nơi quốc gia tỷ dân khẳng định lập trường cứng rắn của mình.
Nhằm ngăn chặn viễn cảnh thế giới trở thành đấu trường địa chính trị của các phe phái, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi châu Á cần đoàn kết chống lại chủ nghĩa đơn phương – những học thuyết, chương trình nghị sự ủng hộ hành động một chiều và chủ nghĩa vị kỷ - xem trọng tư lợi, lợi ích bản thân trên hết, phản đối sự đối đầu giữa các phe phái.
Ông Triệu kêu gọi các nước châu Á phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại và rào cản nhằm ngăn chặn tự do thương mại, hạn chế cạnh tranh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dien-dan-chau-a-bac-ngao-khai-man-voi-nhieu-chu-de-nong.html