Diễn đàn cử tri

Đề nghị tỉnh xem xét trả lại đất làm mô hình trình diễn cây ăn quả cho một số hộ ở Phiêng Cằm; Cần đầu tư xây dựng đường bê tông liên xã từ Chiềng Muôn sang Chiềng Ân; Sớm thống nhất di dời các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao tại Vân Hồ

Cử tri kiến nghị: Năm 2002, tỉnh đã thu hồi 264.695 m² đất của một số hộ dân tại xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn làm mô hình trình diễn cây ăn quả, tuy nhiên đến nay mô hình không hiệu quả, đề nghị tỉnh xem xét thu hồi và trả lại diện tích đất trên cho các hộ dân.

UBND tỉnh trả lời: Thực hiện chủ trương của tỉnh về xây dựng cơ sở thực nghiệm cây ăn quả để đánh giá, lựa chọn các giống cây ăn quả phù hợp và nhân giống cung cấp cho nhân dân các dân tộc vùng cao phát triển cây ăn quả, ngày 08/11/2002 UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 4321/QĐ-UB về việc thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tại xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn giao cho Trung tâm Giống khu vực I Sơn La (nay là Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản) xây dựng trại thực nghiệm và nhân giống cây ăn quả ôn đới chất lượng cao với tổng diện tích 264.695 m².

Theo báo cáo của Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản Sơn La, trong 2 năm 2003 - 2004 đơn vị đã trồng 11.918 cây ăn quả chất lượng cao, gồm: 7.223 cây đào Mỹ, 4.002 cây hồng giòn, 200 cây lê Nhật Bản, 142 cây mận Úc... Năm 2005, 2006, đơn vị tiếp tục trồng thực nghiệm 1.300 cây ăn quả chất lượng cao gồm hồng giòn Đài Loan 500 cây; lê nước Trung Quốc 300 cây; đào tiên Trung Quốc 500 cây.

Trong quá trình thực nghiệm theo dõi, đánh giá khả năng sinh trưởng phát triển và hiệu quả của việc trồng cây ăn quả ôn đới chất lượng cao tại tỉnh Sơn La, đơn vị đã kết luận bước đầu và tham mưu cho tỉnh chỉ đạo phát triển một số cây ăn quả ôn đới có hiệu quả, như: Hồng giòn, đào chín sớm, mận chín sớm… Đồng thời, đơn vị đã tổ chức khai thác nguồn giống cây ăn quả ôn đới từ Trại thực nghiệm và nhân giống cây ăn quả ôn đới chất lượng cao Phiêng Cằm để nhân giống cây ăn quả ôn đới chất lượng cao cung cấp cho hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 550 ha cây đào; 7.520 ha cây mận; 93 ha cây hồng; 17 ha cây lê. Riêng đối với một số giống cây ăn quả không phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu nên đã bị chết và việc khảo nghiệm giống cây ăn quả ôn đới chất lượng cao nhập khẩu từ nước ngoài của tỉnh Sơn La những năm sau không còn nên trong 2 năm 2013 và 2014, Trung tâm đã tổ chức trồng dặm 7.900 cây ăn quả ôn đới, gồm: 3.377 cây bơ, 3.450 cây đào chín sớm, 836 cây sơn tra, 175 cây mận tam hoa và mận chín sớm; 62 cây trám đen, dẻ, mắc ca.

Cuối năm 2014, Trại giống Phiêng Cằm được chuyển cho Công ty cổ phần Công nghệ và thương mại Bình Minh 9. Đến đầu năm 2016, Công ty bàn giao đất Trại Phiêng Cằm cho Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản Sơn La. Trong quá trình quản lý, Công ty không tổ chức thực hiện phương án sản xuất kinh doanh, do công tác quản lý không tốt, công tác chăm sóc, bảo vệ vườn cây không đảm bảo nên nhiều cây đã bị chết, một số diện tích không được trồng bổ sung.

Năm 2017, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản đã lập dự án đầu tư trồng lại vườn cây đầu dòng cây ăn quả tại trại giống Phiêng Cằm theo hình thức xã hội hóa. Mục tiêu của dự án: Xây dựng mô hình trồng cây ăn quả hàng hóa có giá trị kinh tế cao cho nhân dân các dân tộc vùng cao của tỉnh Sơn La học tập. Tạo môi trường và mô hình mẫu để xã Phiêng Cằm và các xã lân cận chuyển đổi diện tích trồng cây ngắn ngày kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, hình thành vùng sản xuất quả hàng hóa, cung cấp đủ giống cây ăn quả chất lượng cao cho nhân dân các dân tộc sống ở vùng cao của tỉnh Sơn La.

Năm 2018, Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản Sơn La triển khai kế hoạch đầu tư trồng mới 6 ha cây ăn quả tại Trại Giống Phiêng Cằm, đến nay đã trồng 2.200 cây bơ; 1.200 cây mận. Trung tâm đã làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phiêng Cằm huyện Mai Sơn trong việc xây dựng nhân rộng mô hình trồng cây ăn quả ôn đới (bơ, mận...) tại xã Phiêng Cằm nhằm hướng dẫn người dân từng bước chuyển đổi cơ cấu diện tích cây lương thực hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả ôn đới để nâng cao thu nhập của người dân. Đề nghị không kiến nghị thu hồi diện tích đất trên.

Cử tri kiến nghị: Đầu tư xây dựng đường bê tông liên xã từ Chiềng Muôn sang xã Chiềng Ân, huyện Mường La, hiện nay nhân dân đã mở đường rộng 3,5m từ bản Hua Kìm, xã Chiềng Muôn thông sang bản Hán Trạng, xã Chiềng Ân với chiều dài 10 km.

UBND tỉnh trả lời: Theo quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Sơn La giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2150/QĐ-UBND ngày 07/8/2017 thì tuyến đường nêu trên thuộc hệ thống đường xã, do UBND huyện Mường La quản lý. Căn cứ vào quy hoạch xây dựng nông thôn mới xã Chiềng Muôn và Chiềng Ân được duyệt, đề nghị UBND huyện Mường La chủ động cân đối các nguồn vốn do huyện quản lý để đầu tư xây dựng tuyến đường.

Cử tri kiến nghị: Sớm thống nhất chủ trương thực hiện di dời đối với các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp tại huyện Vân Hồ: bản Phà Lè - xã Chiềng Yên (20 hộ); bản Dón, bản Tà Phù - xã Liên Hòa (53 hộ); bản Pơ Tào - xã Mường Tè (15 hộ); bản Nà Bai, To Ngùi, bản Cong - xã Quang Minh (51 hộ); Song Khủa 34 hộ.

UBND tỉnh trả lời: Việc thực hiện di dời đối với các hộ dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao cần phải di dời khẩn cấp tại huyện Vân Hồ: bản Phà Lè, xã Chiềng Yên; bản Dón, bản Tà Phù, xã Liên Hòa; bản Pơ Tào, xã Mường Tè; bản Nà Bai, To Ngùi, bản Cong, xã Quang Minh; Song Khủa để phòng tránh thiên tai, đảm bảo an toàn về người và tài sản nhằm ổn định đời sống nhân dân vùng thiên tai là cần thiết.

Hiện nay, theo đề nghị của UBND huyện Vân Hồ, các nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh năm 2017, 2018 đều đang tập trung ưu tiên cho hoàn thành 3 điểm sắp xếp ổn định dân cư bị ảnh hưởng bởi thiên tai năm 2017 cấp thiết nhất (không có các điểm theo đề nghị của cử tri). Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống cho các hộ dân, đề nghị UBND huyện Vân Hồ nghiên cứu, rà soát, sắp xếp các hạng mục đầu tư các dự án cấp thiết, đề xuất theo quy trình gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền; UBND huyện Vân Hồ có trách nhiệm cân đối lồng ghép từ các nguồn vốn đã được giao quản lý để tổ chức thực hiện các dự án; bố trí sắp xếp dân cư trong nội bản cho các hộ dân vùng có nguy cơ cao.

(TH)

Huy Ngoan

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dien-dan-cu-tri-23650